Năm 2011, Hà Nội muốn làm 1 con đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, nối đường vành đai 3 đoạn từ Nguyễn Xiển xuống khu Xa La, Hà Đông nhằm kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế cho khu vực Tây Nam thủ đô.
Theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội vào tháng 4/2011, tuyến đường dài 3,76km, gồm 1 tuyến chính dài 2,5km, rộng 53,5m và 1 tuyến phụ dài 1,1km, rộng 20,5m. Dự kiến tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Sau đó, thành phố đã chỉ định thầu giao cho Bitexco làm tuyến đường nghìn tỉ này, đổi lại là quỹ đất rộng 90ha liền kề công viên rộng 100ha để làm dự án The Manor Central Park ngày nay.
Dù được phê duyệt từ năm 2011 nhưng mãi đến tháng 5/2014, Bitexco mới khởi công xây dựng tuyến đường với tiến độ ì ạch, cho đến khi hợp đồng dự án kết thúc vào tháng 4/2017 (sau 36 tháng) thì dự án vẫn chưa làm xong.
Sau vài lần gia hạn, Hà Nội lại “nhún nhường” cho Bitexco thêm thời gian lên tới 67 tháng tính từ năm 2014 để làm cho kỳ được mấy km đường "dát vàng" này.
|
Dù chưa có báo cáo ĐTM cho hạng mục nhà ở thấp tầng nhưng Bitexco đã ngang nhiên xây nhà, rao bán rầm rộ những căn nhà triệu đô |
Trong khi “đủng đỉnh” làm đường dở dang và “trái tim” khu đô thị là công viên Chu Văn An vẫn là bãi đất hoang hoá thì phần đất đối ứng làm khu đô thị The Manor Central Park lại được Bitexco thi công rất nhanh, rao bán và thu tiền như để thu hồi vốn cho tuyến đường “đắp chiếu” nhiều năm. Từ năm 2014, không ít khách hàng VIP đã được tiếp thị, chào mua biệt thự tại đây với giá hàng chục tỉ đồng… trong những đợt “đi đêm” huy động vốn vội vã.
Hơn thế, mặc thành phố Hà Nội ưu ái đặc biệt cho nhà đầu tư tầm cỡ nhưng thời gian qua, Bitexco lại gây thất vọng, bức xúc về tiến độ thi công quá chậm, ngổn ngang, cùng hàng loạt hành vi xây dựng tự do, bán nhà đất “chui” như “chốn không người” tại siêu dự án đô thị The Manor Central Park, không tuân thủ quy định Luật Bảo vệ Môi trường…
Sau khi báo chí phản ánh, ngày 17/6/2020, Tổ công tác của UBND huyện Thanh Trì đã làm việc với Công ty CP Bitexco để kiểm tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, thuế, phí và lệ phí tại dự án The Manor Central Park. Qua đó mới phát hiện ra việc Bitexco đã xây dựng một số căn nhà thấp tầng từ lâu nhưng không cung cấp được báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho hạng mục này. Dĩ nhiên, khi không có ĐTM thì dự án không được cấp phép xây dựng, dẫn tới công trình hiện hữu là xây chui, bán lậu...
Thực tế, hàng trăm căn biệt thự, liền kề đã mọc lên sừng sững, gần đây được rao bán lên tới 18-49 tỉ đồng/căn, với tổng giá trị ước tính thu về hàng nghìn tỉ đồng.
Để biện minh cho “nỗi oan thị Mầu” này, Bitexco viện dẫn: ngày 24/5/2012, UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định 2245/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho toàn bộ dự án (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và nhà ở) và lấy đây là căn cứ để khẳng định dự án The Manor Central Park đã được phê duyệt ĐTM tổng thể cả dự án từ năm 2012.
Thế nhưng các tài liệu và thực tế lại đang cho thấy sự gian dối, lấp liếm việc thiếu ĐTM cho những hạng mục nhà triệu đô mà Bitexco đã bán rầm rộ từ lâu. Được biết, năm 2016 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã yêu cầu Bitexco làm ĐTM chung cho toàn bộ dự án, thay vì bổ sung cập nhật đơn lẻ cho từng hạng mục như trước đây khi cố “kì kèo” xin riêng ĐTM cho phần nhà ở thấp tầng. Ngay cả đơn vị bán hàng CENLand cũng cố tình thông tin kiểu “lập lờ”, sai sự thật về pháp lý dự án này, nhằm lôi kéo, huy động vốn từ hàng trăm khách hàng đặt mua vào giai đoạn bán nhà đất năm 2018 khi Bitexco chưa hề có ĐTM cho phần nhà ở thấp tầng.
|
Con đường Nguyễn Xiển- Xa La thi công chậm tiến độ, dở dang thì quỹ đất đối ứng đã được Bitexco "xẻ thịt" bán thu nghìn tỉ từ lâu |
Đến giờ, khi bị kiểm tra và không thể lấp liếm sự gian dối thì Bitexco mới thú nhận “đang trình xin” và có thể “có ĐTM trong thời gian tới”. Phải chăng một siêu dự án trên “đất kim cương” có thể được làm riêng báo cáo ĐTM cho hạng mục nhà ở thấp tầng hay Hà Nội lại thêm lần nữa “miễn cưỡng” đồng ý để cấp lại ĐTM tổng thể dự án nhằm hợp thức hoá cho hàng trăm biệt thự xây dựng không phép, mua bán tù mù từ vài năm trước?
Trong khi các cơ quan chức năng mạnh tay chấn chỉnh, xử phạt các chủ đầu từ dự án xây dựng không phép, bán nhà chưa đủ điều kiện kinh doanh diễn ra ở nhiều dự án nhỏ lẻ, có dấu hiệu lừa đảo để răn đe chấp hành pháp luật, thì tình trạng vi phạm ở các dự án lớn “siêu to khổng lồ” lại ít khi được đề cập, xử phạt nghiêm minh. Nhất là những dự án nằm ở vị trí đất “kim cương”, sử dụng quỹ đất lớn và được nhà nước giao đất theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) mà nhà đầu tư lại không hoàn thành cam kết xây dựng hạ tầng giao thông, cố tình “câu giờ” để chiếm dụng quỹ đất đai tài nguyên quốc gia để làm “của riêng” kinh doanh, trục lợi rất lớn.
Có nghịch lý xót xa là những con đường BT vẫn dở dang, chưa hoàn thành, chưa được quyết toán chi phí để đối trừ sang nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp đã “xẻ thịt” phân lô bán nền, bất chấp vi phạm pháp luật về Đất đai, Luật bảo vệ môi trường. Như trường hợp Bitexco với dự án con đường “thập kỉ” thi công quá chậm, bị đội vốn đầu tư mà Thanh tra Chính phủ đã từng nêu rõ mức đội vốn hơn 36 tỉ đồng.
Những điều này đặt ra câu hỏi về đạo đức kinh doanh của Bitexco khi được TP Hà Nội ưu ái giao quỹ đất “kim cương” để tạo ra lợi nhuận nghìn tỉ, song việc chấp hành pháp luật đất đai, hoàn trả hiện trạng môi trường với một báo cáo ĐTM đầy đủ lại bị bỏ quên, phớt lờ, làm dấy lên hoài nghi về “vua một cõi” ở siêu dự án này.
Phan Chí Hiếu/ Thời báo văn học nghệ thuật