Đóng 95% giá trị hợp đồng, chỉ được ký hợp đồng đặt cọc
Thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục xuất hiện những doanh nghiệp bị cơ quan chức năng khởi tố vì lừa đảo trong việc mua bán, giới thiệu đất nền.
Việc làm này, xuất phát từ việc thị trường đất nền, đặc biệt là đất nền vùng ven đang trở nên đặc biệt nóng khi nhu cầu mua ở, đầu tư của khách hàng tăng cao. Cùng với đó là việc chưa quản lý sát sao từ phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Điều này, đã khiến rất nhiều người dân rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi gặp những chủ đầu tư, đơn vị môi giới có vấn đề.
Trong thông tin gửi đến các cơ quan báo chí mới đây, chị T, một khách hàng mua đất nền của Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Long Phát cũng đã mong muốn nhờ hỗ trợ để đòi lại số tiền mà mình đã đóng cho công ty này.
|
Dự án với tên gọi Crescent Maill cách đây gần 1 tháng… |
Theo khách hàng này, vào tháng 5/2020, chị đã được nhân viên công ty Long Phát giới thiệu về dự án Crescent Maill 6, tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 13/5/2020, chị và phía công ty đã ký “hợp đồng đặt cọc” để mua lô đất có mã lô là CM6-56, thuộc thửa đất số 4402, tờ bản đồ số 5, có diện tích 103,2m2 với giá 1.590.000.000 đồng. Theo thoả thuận này, thì trong vòng 1 tháng kể từ khi khách hàng đóng đủ 95% hợp đồng, công ty Long Phát sẽ tiến hành công chứng, sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngay sau khi ký “hợp đồng đặt cọc” nói trên, chị T đã đóng số tiền tương ứng với 95% giá trị lô đất. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu lại, chị cảm thấy hoang mang khi biết rằng, theo quy định, thì hợp đồng của chị phải là hợp đồng mua bán chứ không phải là “hợp đồng đặt cọc” như công ty Long Phát đang ký với mình.
Liên hệ với Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai để xin trích lục thông tin về thửa đất mà mình ký hợp đồng mua, chị T cũng bất ngờ khi đơn vị này cho biết, thửa đất số 4402, tờ bản đồ số 5 này là đất của một người dân tên Dương Văn Kiểm. Lô đất này, đã được Sở Tài nguyên – Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 14/1/2020. Chính vì vậy, việc sang nhượng thửa đất này phải có chữ ký của ông Kiểm và được công chứng mới hợp pháp.
Quá thất vọng, chị T đã liên hệ với công ty Long Phát để yêu cầu chấm dứt hợp đồng và đòi lại số tiền mình đã đóng nhưng bị công ty nhiều lần làm khó dễ.
Từ Crescent Maill “hô biến” thành The Sky Gold
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Long Phát có trụ sở chính tại số 95 Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Thời gian qua, Công ty Long Phát luôn tự nhận mình là nhà phát triển một loạt dự án lớn tại tỉnh Đồng Nai, như: Khu đô thị Crescent Mall, khu đô thị Centre Mall, Khu Đô Thị Thương Mại – Dịch Vụ The King City, Khu Đô Thị Lộc Phát, dự án Khu Đô Thị Lộc An, dự án Khu Đô Thị Long Thành…
Ngày 8/7, PV đã xuống thực tế dự án Crescent Maill 6 được giới thiệu do Công ty Long Phát làm đơn vị phát triển. Theo đó, khu đất này hiện vẫn đang chỉ là một bãi đất trống, chỉ có duy nhất một con đường chính được trải nhựa chạy vào dự án, bên ngoài là một cổng chào với dòng chữ Crescent Maill. Còn lại, khu đất nói trên vẫn là cỏ mọc um tùm.
Thế nhưng, mới đây, khi trở lại, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi có một sự thay đổi bất ngờ tại khu đất này.
Cụ thể, cổng chào dự án Crescent Maill đã “biến mất”, thay vào đó là một cái tên mới: The Sky Gold. Khu đất trước đây vốn cỏ mọc um tùm, nay một phần đã được phát quang, quây tôn với những hình ảnh giới thiệu về dự án hết sức hoành tráng.
|
Nay đã biến thành The Sky Gold |
Theo người dân quanh khu vực này, cách đây khoảng 2 tuần, một số người đã đến tiến hành phát cỏ, quây tôn lại khu đất nói trên. Đồng thời, những ngày cuối tuần, có khá nhiều khách hàng cũng như nhân viên công ty xuống xem đất, giới thiệu về dự án.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một lãnh đạo UBND xã An Viễn, huyện Trảng Bom cho biết, trên địa bàn không có bất cứ dự án nào mang tên Crescent Mall hay dự án được cơ quan chức năng cấp phép triển khai. Trên địa bàn xã này, chỉ có một số khu đất được người dân xin phép phân lô, bán nền dưới dạng nhỏ lẻ.
Cùng 1 khu đất, nhưng chỉ trong vòng 1 tháng, lại được đổi tên 2 lần, liệu có điều gì khuất tất? Phải chăng, công ty Long Phát đang chơi chiêu “bình mới rượu cũ”, thay tên đổi họ dự án để tiếp tục mang một khu đất, đem bán cho nhiều người? Khu đất nói trên, theo xác nhận từ chính quyền địa phương thì không phải đất dự án, vây đây là đất gì? Có pháp lý hay không? Tất cả điều này, chúng tôi sẽ thông tin ở những bài viết tiếp theo.
Quan trọng nhất, khách hàng, những người đã tin tưởng, bỏ tiền ra để mua sản phẩm của công ty Long Phát, đang bị công ty này lừa dối nhằm thu lại lợi ích cho mình. Và rủi ro, thì khách hàng gánh chịu.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Đức Thọ (TH)/ Sở hữu trí tuệ