Nhận diện 'cá mập' Hợp Thành
Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành chính là công ty đã thâu tóm khu đất vàng số 69 Nguyễn Du thông qua một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng biệt thự "Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du" vào ngày 31/12/2009 với PVC.
“Cá mập” Hợp Thành đã có được đất vàng 69 Nguyễn Du với giá gần 95,9 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Hợp Thành mua với giá khoảng 168 triệu đồng/m2 x 596,7m2.
Trước thương vụ này, dư luận cũng một phen xôn xao với thông tin CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành nhanh chóng thâu tóm tới hơn 86% vốn của Cảng Quy Nhơn với giá "bèo bọt".
Cảng Quy Nhơn là cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung. Bởi vậy việc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không mấy liên quan có thể dễ dàng mua khối lượng lớn cổ phần nhà nước tại đây không khỏi gây băn khoăn về cái tên Khoáng sản Hợp Thành.
|
Cảng Quy Nhơn là cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung. |
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn. Tại văn bản này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm của nhiều cơ quan, tổ chức, từ Vinalines, UBND tỉnh Bình Định cho đến Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ. Cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi toàn bộ 75% vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã bán cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Cảng Quy Nhơn là một trong 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%.
Tuy nhiên, từ tháng 9/2015 đến nay, sau hai lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, Cảng Quy Nhơn đã không còn vốn nhà nước. Trong khi Khoáng sản Hợp Thành nắm giữ hơn 86%.
Trong tỉ lệ 86,23% cổ phần tại cảng Quy Nhơn thì gia đình ông Lê Hồng Thái nắm giữ hơn 30,8 triệu cổ phần (chiếm 76,23% vốn điều lệ của hơn 404 triệu cổ phần). Đáng chú ý, tháng 3/2017, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, thanh tra việc cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn, thời điểm này ông Lê Hồng Thái chuyển nhượng 45% vốn tại Khoáng sản Hợp Thành cho bà Trần Thị Quỳnh Yên - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hợp Thành.
Bà Yên cũng là thành viên HĐQT của Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Phần vốn của vợ và con ông Thái lần lượt 36% và 19% vẫn giữ nguyên của doanh nghiệp có vốn điều lệ 660 tỷ đồng này.
Tháng 11/2016, ông Lê Hồng Thái cũng đã rút toàn bộ 53,87% vốn tại Công ty TNHH Hợp Thành - doanh nghiệp do chính ông gây dựng từ những ngày đầu còn khó khăn (năm 2002).
Trong quá trình cổ phần hóa, Công ty Hợp Thành đã được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược nhưng thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển. Mặt khác, cam kết của Công ty Hợp Thành chỉ nêu hỗ trợ công ty cổ phần trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không cụ thể nội dung hỗ trợ theo quy định.
Đáng chú ý, trước khi được xác định là "nhà đầu tư chiến lược" để mua cổ phần tại Cảng Quy Nhơn, Công ty Hợp Thành chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh cảng biển. Chỉ sau khi có chủ trương cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, vào tháng 5/2013, Hợp Thành mới đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh này.
CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành - nhà đầu tư chiến lược sở hữu Cảng Quy Nhơn từ năm 2013 được ông Lê Hồng Thái thành lập năm 2007. Công ty Hợp Thành nắm trong tay một loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...
Công ty này cũng từng sở hữu dự án 69 Nguyễn Du (Hà Nội), tham gia dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, dự án HH3–Khu đô thị Nam An Khánh, tòa nhà văn phòng số 2 Lê Văn Lương... Được biết, Khoáng sản Hợp Thành cũng từng tham gia vào việc chuyển nhượng Khách sạn Deawoo đình đám.
Một số dự án 'có vấn đề' của Hợp Thành
Những đường đi nước bước trong câu chuyện cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn phần nào cho thấy tiềm lực "vững mạnh" của Khoáng sản Hợp Thành với dấu ấn doanh nhân Lê Hồng Thái. Tuy nhiên gần đây, tình hình tài chính của Khoáng Sản Hợp Thành yếu đi rõ rệt, thể hiện qua việc một loạt các dự án quy mô từ trăm tỷ đến nghìn tỷ bị thu hồi.
Năm 2016, dự án Nhà máy thép Vạn Lợi có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên gần 2.000 tỉ đồng tại KKT Vũng Áng của CTCP Gang thép Hà Tĩnh (thành viên của Hợp Thành) bị thu hồi sau thời gian dài đình trệ, kéo theo "số phận" tương tự của dự án Nhà máy tuyển quặng công suất 500.000 tấn/năm tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh (vốn đầu tư 158 tỷ đồng).
Sau khi tòa án công nhận số nợ “khủng” của chủ đầu tư đối với các ngân hàng, chủ đầu tư không có khả năng trả nợ. Từ ngày 27/11 đến 22/12/2018, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình hiện có tại Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi để tiến hành phát mại.
|
Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi 2000 tỉ biến thành bãi "tha ma" phế liệu. |
Năm 2017, công ty thành viên của Hợp Thành bị thu hồi một loạt dự án lớn, gồm dự án Nhà máy sản xuất than cốc (vốn 1.400 tỷ đồng) và dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp oxy, nito (vốn 200 tỷ đồng) tại KCN Vũng Áng đều do CTCP công nghiệp Hóa Cốc Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Tại Hoài Nhơn, Bình Định, dự án Nhà máy chế biến quặng sắt có công suất 400.000 tấn/năm với vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng do CTCP Khoáng sản Miền Trung đứng tên chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng "đắp chiếu" sau khi đi vào hoạt động năm 2012. Lý do được đưa ra là bởi thị trường sắt suy giảm, sản xuất không có hiệu quả.
Một dự án khác cũng phải dừng hoạt động dù đã hoàn thành là Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai tại huyện Núi Thành, Quảng Nam. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng với công suất 200.000 tấn/năm được vận hành từ giữa năm 2015, tuy nhiên sau đó liên tục vi phạm quy định bảo vệ môi trường và bị đình chỉ hoạt động từ tháng 8/2016, tới nay vẫn chưa mở cửa trở lại.
Chưa hết, cuối tháng 6/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ra "tối hậu thư", yêu cầu CTCP Khai thác và chế biến khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi (công ty con của Hợp Thành) phải nhanh chóng hoàn thành thủ tục để triển khai dự án Khai thác và chế biến quặng sắt tại huyện Mộ Đức.
Dự án có công suất 500.000 tấn/năm (sau điều chỉnh xuống 200.000 tấn) với tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng được cấp phép từ năm 2009, tuy nhiên hiện nay vẫn "đắp chiếu", gần như chưa triển khai. Mặc dù được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi gia hạn, song nhiều khả năng dự án sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng "chết yểu", bị thu hồi giấy phép như các dự án trước đó của Hợp Thành.
Lô đất 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, rộng 570m2, được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc theo văn bản số 1665/TTg-KTN ngày 6/10/2008. Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã thu hồi và giao cho Tổng công ty xây lắp Dầu khí (PVC) cải tạo làm trụ sở trong thời hạn 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép. PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi "Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du", quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2 dự kiến cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu làm việc hàng ngày của PVC và các đối tác thuê văn phòng tại đây. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành với giá gần 96 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính Phủ, tại thời điểm thanh tra PVN, Công an Hà Nội đang tiến hành điều tra việc mua, bán nhà đất tại 69 Nguyễn Du nên TTCP đã có văn bản đề nghị cơ quan này tiếp tục xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Năm 2011, Thanh tra Chính phủ thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó, nhiều đơn vị thành viên, có cả Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ