Chưa đầy 1 năm trúng đấu giá 3 khu đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Gần đây, thành viên của gia đình Tân Hiệp Phát liên tiếp trúng thầu giá hai khu đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cụ thể, con gái thứ hai của gia đình Tân Hiệp Phát - bà Trần Ngọc Bích đã trúng đấu giá quyền sử dụng 9.995m2 đất tại huyện Côn Đảo, giá trúng đấu giá là hơn 80 tỷ đồng, và 2ha đất tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với giá trúng là 170 tỷ đồng.
Mục đích sử dụng của khu đất này là đất thương mại, dịch vụ. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thông qua hình thức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Thời hạn cho thuê đất là 50 năm, kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
|
Ông Trần Quý Thanh cùng hai con gái là bà Trần Uyên Phương (trái) và bà Trần Ngọc Bích (phải). Nguồn ảnh: Internet. |
Trước đó, vào ngày 28/2/2020, với việc chi 80,1 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích cũng đã đấu giá thành công quyền sử dụng 9.994,8m2 đất tại đường Bến Đầm, huyện Côn Đảo. Đây là khu đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt vào tháng 3/2019. Theo quy hoạch xây dựng, khu đất có mật độ xây dựng 25%; tầng cao công trình là 3 tầng, chiều cao tối đa 14m.
Bà Ngọc Bích là con gái thứ 2 của Doanh nhân Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Bà Bích hiện là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Num Ber One, địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3, phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Chưa kể, vào tháng 05/2019, ông Trần Quý Thanh – ông chủ của tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng tham gia và trúng đấu giá khu đất 18.000m2 giữa thành phố Vũng Tàu với giá 394 tỷ đồng.
Như vậy, mới tính từ tháng 5 năm ngoái đến nay, đại gia đình Tân Hiệp Phát đã liên tiếp tham gia và trúng đấu giá 3 khu đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng số tiền bỏ ra 644 tỷ đồng.
Tân Hiệp Phát sắp bước chân vào làng bất động sản?
Tập đoàn Tân Hiệp Phát vốn là là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giải khát và thức uống đóng chai tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 1994, tiền thân là nhà máy bia Bến Thành, doanh nghiệp này có hoài bão sẽ trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm.
Được biết đến là một tập đoàn trong lĩnh vực nước giải khát, nhưng vài năm gần đây, Tân Hiệp Phát không giấu diếm tham vọng lớn trong mảng bất động sản.
|
Tập đoàn Tân Hiệp Phát vốn là là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giải khát và thức uống đóng chai tại Việt Nam. Vài năm gần đây, Tân Hiệp Phát không giấu diếm tham vọng lớn trong mảng bất động sản. Nguồn ảnh: Internet. |
Giữa năm 2018, Chủ tịch Trần Quý Thanh tuyên bố sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bất động sản và nhấn mạnh đây là ngành quan trọng trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn.
Cùng với đó, ông Thanh cũng góp mặt trong dàn lãnh đạo Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM. Tại đây, ông Thanh cho biết sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án BĐS.
Kế hoạch làm bất động sản của Tân Hiệp Phát không được tiết lộ chi tiết, chỉ biết rằng tập đoàn này liên tục mua gom đất suốt nhiều năm qua. Hơn nữa, ái nữ Trần Uyên Phương, con gái của ông Trần Quý Thanh cũng trực tiếp đứng ra thành lập hàng chục công ty trong lĩnh vực địa ốc với tổng vốn điều lệ gần 19.000 tỷ đồng.
Vào tháng 4/2019, 3 cá nhân là vợ và hai con gái của ông Trần Quý Thanh đã cùng nhau góp vốn thành lập 10 doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và quyền sử dụng đất. Các công ty này đều có điểm chung với số vốn điều lệ đạt mức 1.500 tỷ đồng, đồng thời cổ đông lớn nhất sở hữu 99,9% vốn là bà Trần Uyên Phương.
Đến tháng 5/2019, một công ty khác cũng có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản tiếp tục được các thành viên trên trong gia đình ông Thanh thành lập với số vốn điều lệ lên tới 3.830 tỷ là CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền.
Đi cùng tuyên bố sẽ tham gia vào lĩnh vực bất động sản thì Tân Hiệp Phát cũng công bố thành lập Công ty TNHH mua bán nợ VNAMC với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ đông đáng chú ý của công ty này là bà Trần Ngọc Bích và bà Trần Uyên Phương, mỗi cổ đông sở hữu tỷ lệ vốn góp 50%, tại đây, bà Bích nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Việc thành lập VNAMC làm dấy lên đồn đoán trong giới địa ốc rằng công ty này hoạt động với mục đích săn quỹ đất trong giai đoạn đầu để hỗ trợ Tân Hiệp Phát làm bất động sản.
Với những chia sẻ của ông Thanh, có lẽ quỹ đất mà Tập đoàn này nắm giữ từ trước đến nay không chỉ dừng ở các con số được thông tin rõ ràng trên báo chí hay 2 khu đất mới trúng đấu giá mà có lẽ nhà Tân Hiệp Phát đã sở hữu nhiều quỹ đất khá lớn ở các khu vực khác nhau.
Với nguồn lực dồi dào, Tân Hiệp Phát hứa hẹn sẽ là hiện tượng thú vị trên thị trường bất động sản phía Nam. Bản thân ông Trần Quý Thanh cũng là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này khi từng trực tiếp đầu tư vào Công ty Địa ốc Sài Gòn (Saigonres), một doanh nghiệp bất động sản ít nhiều có tiếng ở TP.HCM.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ