Thị trường chồng chất khó khăn
Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 7/2020 là 3.372 doanh nghiệp, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 4,8% so với tháng 6/2020.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm đã có gần 63.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tức bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.
Gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Trong đó, một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 đó là kinh doanh bất động sản, với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5%.
Trước đó, tại báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2020, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng đã cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, đến tháng 4/2020, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ.
Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới bất động sản thất nghiệp.
Tính đến thời điểm hết quý 1/2020, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng. Hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch. Các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.
Một thực tế đang diễn ra là nhiều khách hàng "lỗi hẹn" nhận nhà vì khó khăn tài chính. Thu nhập giảm vì dịch Covid-19, xoay tiền trong mùa dịch lại càng khó khăn khiến họ như ngồi trên đống lửa với bài toán tài chính. Đáng nói, không chỉ người mua ở thực mà cả các NĐT cũng khó khăn xoay sở khi ôm nhiều tài sản cùng lúc.
Tiếp xúc với chị Nguyễn Thị H, mua căn hộ tại tại Q.12, tháng 9 này chị nhận bàn giao nhà nhưng để đóng tiếp % nhận nhà với chị quả thực khó khăn lúc này do dịch khiến thu nhập giảm, việc vay mượn thêm lúc này cũng không dễ dàng. Chị H cho biết, với tình thế này có thể vợ chồng chị sẽ làm đơn xin chủ đầu tư lùi thời hạn nhận nhà thêm vài tháng để kịp xoay sở.
Tương tự, dù trước đó 2 vợ chồng anh T liên tục cập nhật tiến độ xây dựng của CĐT với căn hộ 70m2 tại Bình Dương và mong sớm dọn vào ở. Thế nhưng, gần đến ngày chuẩn bị bàn giao nhà thì anh T lại trở nên lo lắng. Bởi suốt thời gian dịch bệnh đã khiến thu nhập của 2 vợ chồng anh giảm so với trước đó, nỗi lo tiền trăm triệu đóng vào để nhận nhà khiến anh "mất ăn mất ngủ".
Trong khi đó, các NĐT thứ cấp đang ôm tài sản và đóng theo tiến độ hoặc dùng đòn bẩy tài chính cũng "thấp thỏm" không yên do quá khả năng tài chính để lo cho việc nhận nhà. Trong khi đã phải dùng số tiền để đóng theo tiến độ xây dựng theo tháng/quý. Một số NĐT chấp nhận rao bán sản phẩm để thu dòng tiền nhưng bán hàng nhanh trong bối cảnh này cũng không dễ dàng.
Thực tế, trong bối cảnh hiện nay không chỉ về phía khách hàng mà các doanh nghiệp cũng đau đầu với bài toán thu được tiền của người mua nhà. Nếu khách hàng chậm đóng tiền thì cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Còn nếu hỗ trợ khách hàng giãn nợ, giãn thời gian đóng tiền thì cũng không thể hỗ trợ được tất cả mà xem xét một vài trường hợp (có kèm điều kiện). Lý do, nhiều doanh nghiệp BĐS hiện nay cũng khó khăn trăm bề do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
|
Vậy làm sao để “thoát” khó?
Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp bất động sản sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn. Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn phức tạp, giao dịch sẽ càng trầm lắng. Đặc biệt, khi tháng 7 âm lịch sắp đến sẽ tiếp tục tác động đến tâm lý khách hàng cũng như thị trường bất động sản.
Theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, thông thường trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-20%, còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay ở các dự án cực kỳ khó, trong khi đó, việc huy động vốn từ khách hàng giữa bối cảnh thất nghiệp, tiền lương và thu nhập giảm cũng là bài toán nan giải.
Trong khi đó, phân khúc bất động sản thương mại với vòng quay vốn mất từ 10-15 năm, các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh của mình.
Song song đó, giảm lãi suất cho vay trung dài hạn trên cơ sở sử dụng đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ theo hướng phục hồi tăng trưởng tín dụng hợp lý. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu huy động vốn đảm bảo tính minh bạch, công khai và hiệu quả trên cơ sở đánh giá xếp hạng của các ngân hàng bảo lãnh hoặc tổ chức xếp hạng tín dụng
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ