Vũng Tàu: Doanh nghiệp lấp biển làm du lịch, dân hoang mang

DTVN 16:20 10/10/2019

Thời gian qua, người dân Vũng Tàu và du khách liên tục có những phản ứng gay gắt về dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu (phường 1, TP Vũng Tàu).

Nhiều người lo ngại dự án sẽ phá vỡ cảnh quan tự nhiên được kết hợp giữa núi rừng và biển cả, nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu dự án hoàn thành thì sẽ tạo một điểm nhấn cho TP Vũng Tàu vốn dĩ đang nghèo nàn các sản phẩm du lịch.

Những ngày qua, khi chủ đầu tư tiến hành thi công mặt bằng của dự án thì người dân phản ứng quyết liệt. Bởi, một dự án lớn lấn biển được triển khai nhưng người dân không hề hay biết.

Chia sẻ với VOV, ông Nguyễn Thành Sơn, người dân phường 3, thành phố Vũng Tàu cho biết, trước đây tại công viên Bãi Trước khu vực công trình quạt gió cũng đã lấn biển rất nghiêm trọng làm xói lở bờ biển... hiện sóng biển đã đánh tràn lên đường, việc này hơn 10 năm trước đây chưa từng xảy ra. Giờ lại cho xây thêm công trình Cụm Dịch vụ ga Cáp Treo và Thủy cung Hòn Ngưu, trong vòng 2 tuần nay đã lấn mấy trăm mét bờ biển.

Ông Sơn bức xúc: “Hòn Rù Rì (Hòn Ngưu) nếu lấn như thế sẽ gây xói lở đến chỗ khác, vì vị trí đó đã xây kiên cố. Nó sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan. Đúng ra những dự án như thế này phải cho dân chúng biết vì liên quan đến cộng đồng”.

Anh Tuấn, một du khách cũng ngạc nhiên: "Tại sao có thể lấp biển như vậy được, đơn vị này lấp rồi đơn vị khác cũng lấp thì sao? Trong khi cảnh quan khu vực này vô cùng quan trọng, sao lại có thể lấp hàng ngàn mét vuông như vậy?”.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối thì một số người lại cho rằng, Vũng Tàu có nhiều lợi thế để làm du lịch, thế nhưng bấy lâu nay ngành công nghiệp không khói ở đây lại rất bèo bọt. Khách đông nhưng chẳng thu được gì nhiều do thiếu chỗ ăn, chỗ chơi, nói cách khác là không có chỗ để du khách tiêu tiền. Dự án thực hiện sẽ làm đa dạng loại hình vui chơi giải trí cho TP Vũng Tàu để thu hút khách du lịch.

Theo báo Pháp luật TP.HCM, cụm dự án Hồ Mây là khu du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng với rất nhiều hạng mục công trình. Quy hoạch khu mặt nước biển thuộc dự án này đã được tỉnh nghiên cứu, phê duyệt từ năm 1998, nằm trong tổng thể cụm đô thị phía biển Bãi Trước phục vụ cộng đồng, du lịch.

Trong quy hoạch này có cả Công viên Bãi Trước đã được đầu tư xây dựng. Riêng vị trí đất hiện nay Công ty Cáp treo Vũng Tàu đang đầu tư thời điểm đó được tỉnh để lại, mục đích chọn lựa nhà đầu tư có năng lực làm dự án.

Do nằm ở vị trí đặc biệt nên khi CĐT xin điều chỉnh quy hoạch (khu thủy cung), ý thức được vấn đề về môi trường, cảnh quan, Sở Xây dựng đã thực hiện xét duyệt rất kỹ, có những yêu cầu khá khắt khe với CĐT về mỹ thuật, môi trường, khoảng lùi, cây xanh... Sở yêu cầu CĐT thiết kế phương án kiến trúc, chọn lựa phương án phù hợp, lấy ý kiến nhiều đơn vị.

Trước khi được Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, CĐT dự án đã phối hợp với UBND TP Vũng Tàu tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các sở ngành theo quy định.

Ngoài ra, phương án quy hoạch, kiến trúc cũng được tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, trong đó có Hội Kiến trúc sư, Thường trực Hội đồng kiến trúc - quy hoạch tỉnh để đảm bảo dự án tạo được hình ảnh kiến trúc, cảnh quan tốt nhất cho khu vực.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đậu Thế Anh - tổng giám đốc VCCT - cho biết khi bắt tay vào làm dự án thủy cung, quy hoạch và dự án cũ đã "lạc hậu" nên doanh nghiệp "xin" tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch cũng như thiết kế. Và phải mất gần 4 năm mới được điều chỉnh quy hoạch.

"Chúng tôi cam kết, quyết tâm làm ra sản phẩm đạt chuẩn quốc gia, quốc tế để thu hút du khách đến với Vũng Tàu", ông Thế Anh nói.

Về chọn nhà thầu cho dự án thủy cung, ông Thế Anh cho biết hiện đã làm việc với các đối tác Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, châu Âu. Trước khi hoàn tất giai đoạn 1 khoảng 6 tháng, chủ đầu tư sẽ bắt đầu chọn đối tác.

Theo VCCT, tổng diện tích dự án "Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngư" là 6,7ha, trong đó phần thủy cung rộng 3ha. Theo thiết kế, ngoài thủy cung có 10 loại nước, ở đây còn có một khách sạn 5 sao cao 22 tầng.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, dự án đầy đủ về thủ tục pháp lý và trong quá trình thẩm định, các đơn vị đã làm rất kỹ, bởi công trình nằm ở vị trí rất nhạy cảm, ảnh hưởng tới cảnh quan của khu vực Bãi Trước. Về mặt nguyên tắc, trong giới kiến trúc rất kỵ những công trình che mất mặt biển, thế nhưng không phải vì vậy mà hạn chế những công trình lấn biển. Nhiều nước trên thế giới đã có những công trình lấn biển tạo điểm nhấn ấn tượng, thu hút đông đảo du khách. Nếu dự án được hoàn thành và đi vào hoạt động đúng mục đích, đây sẽ là một sản phẩm du lịch thật sự độc đáo của TP Vũng Tàu. Để làm được thì chủ đầu tư phải đảm bảo được tài chính thực hiện dự án như đã cam kết. Hiện sở cũng đang tổng hợp tài liệu để thông báo cho người dân và du khách cùng nắm bắt thông tin của dự án.

Một chuyên gia xây dựng cho rằng đây là công trình ảnh hưởng trực tiếp tới bộ mặt du lịch của TP Vũng Tàu nên cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đồng ý cho triển khai, nhất là đối với công trình có phần lấp sông lấp biển, mà lại là bãi biển tự nhiên đẹp nhất nhì của thành phố. Trước khi thực hiện, chí ít phải ký quỹ cam kết thực hiện dự án, bởi nếu nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, không thực hiện được thì dự án sẽ là một “vết sẹo” không thể xóa cho TP Vũng Tàu, đặc biệt là phần đất đá đã đổ xuống lấp biển.

Theo MTĐT

Bạn đang đọc bài viết Vũng Tàu: Doanh nghiệp lấp biển làm du lịch, dân hoang mang tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Tin tức mới nhất