Theo đơn thư phản ánh, những cán bộ tại đây cho biết họ đã công tác và cống hiến tại Xí nghiệp từ 10-30 năm nhưng chưa được hưởng quyền lợi gì trong việc xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên tại địa điểm 90 đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Được biết, mức giá nhà chung cư cho cán bộ công nhân viên là 31.500.000đ/m2 và giá nhà ở liền kề là 125.000.000đ/m2. Dù chưa hề được nhận ưu đãi gì từ mức giá nhà trên nhưng Công ty lại có tờ trình xin nhà đầu tư báo cáo thành phố là xây nhà cho cán bộ công nhân viên ở khiến các cán bộ làm việc tại đây vô cùng bức xúc.
|
Dự án 90 Nguyễn Tuân dính nhiều nghi vấn liên quan chuyển đổi mục đích dự án không đảm bảo do Công ty CP Sông Đà 7 làm chủ đầu tư. |
"Sau thông báo số 1097/TB-XKN về việc chuyển địa điểm làm việc từ 90 Nguyễn Tuân về Khu Đền Lừ 1, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai từ ngày 31/12/2016 đến nay, chúng tôi chưa hề được họp để thông báo về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đây để xây dựng nhà ở" - một vị cán bộ đang công tác tại Công ty này bức xúc nói.
Trao đối với phóng viên về vấn đề này, ông Vũ Hữu Tuyến, Chánh văn phòng Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, đây không phải là dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên, công ty này hoạt động bên lĩnh vực giao thông chứ không phải đầu tư bất động sản, hơn nữa các giấy tờ văn bản, thủ tục đã thanh lý hợp đồng nên Tổng công ty vận tải Hà Nội không còn trách nhiệm với khu đất này và không thể can thiệp. Được biết, ngày 24/12/2015, Công ty Sông đà 7 có tờ trình số 415/TTr/CT-ĐT về việc đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân.
6 ngày sau, ngày 31/12/2015, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội có tờ trình số 14545/TTr/SXD về việc chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở 90 Nguyễn Tuân. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, ngày 20/01/2016, Sở Xây dựng Hà Nội lại tiếp tục có Văn bản số 575/SXD-QLDA với cùng một nội dung như trên. Tiếp đó, ngày 03/02/2016, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định chủ trương đầu tư số 597/QĐ-UBND cho dự án này.
Như vậy, Công ty Sông đà 7 chỉ mất 1 tháng 9 ngày từ khi có tờ trình tới khi UBND TP Hà Nội ra quyết định chủ trương đầu tư cho dự án. Có lẽ, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của UBND TP Hà Nội trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Và cách làm việc như thế này rất cần được UBND TP Hà Nội biểu dương và nhân rộng. Tuy nhiên, ngày 22/06/ 2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành Quyết định số 3726/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Việc UBND TP Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được căn cứ theo đề nghị của Công ty Sông đà 7 và căn cứ theo ý kiến thẩm định tại Văn bản số 520/STC-TCĐT của Sở Tài chính ngày 23/01/2017; Văn bản số 821/SXD-PTĐT của Sở Tài chính ngày 24/01/2017; Báo cáo thẩm định số 166/BC- KHDT ngày 14/02/2017, và số 798/BC- KHDT ngày 08/06/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
|
Chủ tịch Sông Đà 7 Nguyễn Mạnh Thắng |
Ngày 07/7/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4379-QĐ/UBND về việc thu hồi 37.062,2m2 đất tại số 90 đường Nguyễn Tuân thuộc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Ngày 08/12/2017, Sở Xây dựng TP Hà Nội đã cấp Giấy phép xây dựng số 151/GPXD cho dự án trên. Điều khó hiểu là, sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, Công ty Sông đà 7 - chủ đầu tư dự án đã không tiến hành triển khai các bước trong phê duyệt chủ trương mà lại đi trình UBND TP Hà Nội điều chỉnh chủ trương đầu tư. Về quy mô, dự án tại số 90 đường Nguyễn Tuân của Công ty CP Sông Đà 7 gồm 919 căn hộ, với 87 căn liền kề và thấp tầng, 832 căn hộ chung cư.
Lý do xây chung cư không phải vì giá bán sẽ phù hợp với thu nhập của cán bộ công nhân viên Transerco, mà chủ yếu để tăng tính thanh khoản của dự án và giảm số bình quân tiền chuyển mục đích sử dụng đất phân bổ trên mỗi mét vuông xây dựng. Cho đến nay, Công ty CP Sông Đà 7 nộp chưa tới 700 tỷ đồng cho ngân sách để thâu tóm được 37.062,2m2 đất của dự án.
Tức là chi phí chưa tới 18 triệu đồng cho mỗi mét vuông đất ngay trung tâm Hà Nội. Như đã nói ở trên, do không phải là dự án nhà ở xã hội, nên đại đa số cán bộ công nhân viên của Transerco cũng không có đủ thu nhập để “với” tới giá nhà đang rao bán trên thị trường (30 - 220 triệu đồng/m2).
Nói cách khác, cán bộ công nhân viên của Transerco bị đem ra làm bình phong để chuyển mục đích sử dụng khu đất 90 Nguyễn Tuân, nhưng cũng đồng thời bị gạt luôn khỏi dự án trên khu đất ấy, vì giá bán quá cao. Như vậy, cán bộ công nhân viên Transerco đã được “ưu tiên” thành món nhắm giữa Tổng Công ty vận tải Hà Nội với Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 và UBND TP. Hà Nội từ lúc nào không hay.
Được biết, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) Nguyễn Mạnh Thắng đang nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng khi mạng xã hội lan truyền chia sẻ “trong 5 năm liên tiếp, đều đặn tiêu tốn của bố mình mỗi năm 20 tỷ” được cho là con gái của doanh nhân này.
Theo SKCĐ