Thanh Hóa sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ, thuộc top tỉnh có khả năng thu hút vốn đầu tư FDI cao nhất cả nước. Năm 2019, tỉnh đã thu hút được 210 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn đăng ký là 24.850 tỷ đồng, tăng 16,2% và 344,3 triệu USD (gấp 4,5 lần so với cùng kỳ). Huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 125.000 tỷ đồng (tăng 22,6% so với cùng kỳ). Điều này đã tạo việc làm mới cho hơn 69.000 lao động, thu nhập dân địa phương tăng đáng kể, đồng thời thu hút lượng lao động tập trung cao.
2019 cũng là năm đánh dấu Thanh Hóa có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất từ trước tới nay, đạt 17,15%, là một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất. Công nghiệp tăng trưởng tới 32,6%; dịch vụ du lịch, cảng biển bắt đầu phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 108.643 tỷ đồng, vượt 3,5% kế hoạch, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Cuối 2019 đầu 2020, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tới địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đến các thành phố lớn vẫn tiếp tục. Thanh Hóa là một trong số đó.
Có thể nói, Thanh Hóa đang phát triển toàn diện. Mức sống của dân cư tăng cao, kéo theo nhu cầu sở hữu bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, chung cư cao cấp.
Doanh nghiệp BĐS lớn bất đầu đổ về Thanh Hóa với những siêu dự án quy mô lên đến cả nghìn ha
Được biết, trong 2 năm trở lại đây sau FLC và Vingroup nhiều doanh nghiệp BĐS lớn bất đầu đổ về Thanh Hóa với những siêu dự án quy mô lên đến cả nghìn ha. Tập đoàn Sungroup mới đây đã chính thức công bố bản quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch biển tại Sầm Sơn. Với quy mô lớn hơn 1.260ha, Sungroup coi đây là dự án chiến lược quan trọng tại Thanh Hóa.
Ngoài ra, Tập đoàn Flamingo cũng vừa đề xuất ý tưởng quy hoạch khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Tiến. Dự án này có diện tích 1.350ha, bao gồm các hạng mục công trình đô thị, nghỉ dưỡng, khu thương mại, kết hợp với tổ hợp công viên chuyên đề safari và vui chơi giải trí.
Ngoài ra, CTCP ORG cũng đang lên ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị ven biển xã Quảng Nham và Quảng Thạch . Theo ý tưởng, khu du lịch - đô thị này có địa giới hành chính là toàn bộ xã Quảng Nham và một phần các xã Quảng Thạch và Quảng Lợi (huyện Quảng Xương) hiện nay. Với tổng diện tích lập quy hoạch là 546 ha, khu đô thị này hướng đến xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khu dân cư mới, khu tái định cư cho nhân dân địa phương, khu neo đậu - bến thuyền, các khuôn viên cây xanh, khu vui chơi - giải trí.
Tập đoàn T&T cũng nêu ý tưởng 2 quy hoạch là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây TP Thanh Hóa và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới TP Thanh Hóa. Với 2 ý tưởng, Tập đoàn T&T muốn xây dựng những khu đô thị xanh gắn lịch sử và các hoạt động du lịch.
|
Xây dựng tuyến đường ven biển cùng với quy hoạch mở rộng sân bay tạo lực đẩy phát triển du lịch
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo Tờ trình của Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là Cảng hàng không quốc tế, sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) có thể khai thác các tàu bay B787-9, A350-900 và tương đương trở xuống. Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân có công suất 5 triệu khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn định hướng đến năm 2050 sẽ nghiên cứu và xây dựng đồng bộ khu hàng không dân dụng mới chỉ khi có nhu cầu tại khu vực phía Bắc của Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân. Tổng công suất các công trình phía Bắc đạt khoảng 20 triệu khách/năm. Khu vực phía Nam sẽ được tiếp tục sử dụng và các công trình cung cấp dịch vụ sẽ được tính toán để chuyển dần sang khu vực phía Bắc khi cần phải tăng công suất để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển của cảng.
Cùng với sân bay Thọ Xuân, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 649/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng mới 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,5km, bao gồm 3 đoạn. Hai đoạn đường được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, bề rộng nền đường 12m. Tổng vốn đầu tư Dự án là 3.400 tỷ đồng, trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng theo quy định của pháp luật); ngân sách tỉnh Thanh Hóa 980 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư 1.020 tỷ đồng.
Được biết, hàng loạt dự án nghỉ dưỡng lớn tại Thanh Hoá sẽ được hưởng lợi khi tuyến đường ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt là các dự án của nhiều ông lớn như Sungroup, Flamigo và một loạt dự án đang chuẩn bị triển khai.