BĐS Thái Nguyên liệu có trượt vào 'vết xe đổ' của Hà Nội?

DTVN 10:44 08/09/2020

Bức tranh đô thị trở nên xộc xệch, quỹ đất cạn kiệt, quy hoạch bị "băm nát", hạ tầng ngổn ngang và kéo theo rất nhiều hệ luỵ về phát triển kinh tế - xã hội.

Thái Nguyên đã bắt đầu dốc lực thay da đổi thịt

Nung nấu muốn thoát khỏi cái bóng của một tỉnh công nghiệp, là trung tâm của khu vực trung du miền núi phía Bắc nhưng ì ạch trong cuộc đổi mới về phát triển đô thị, nhiệm kỳ vừa qua (2015 - 2020), Thái Nguyên đã bắt đầu dốc lực “thay da đổi thịt” bằng cách triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông và “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư.

Trong cuộc viễn chinh mở rộng thị trường về tỉnh lẻ, Thái Nguyên trở thành cái tên được giới địa ốc đặc biệt quan tâm. Miền đất hứa này đã có sự xuất hiện của rất nhiều dự án với những tên tuổi nổi bật như: Danko Group, DetechLand, Thiên Lộc, Tập đoàn TMS, FLC, Phúc Lộc, Xuân Trường, T&T, Apec…

Thậm chí, một số doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh, vốn chưa từng kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản cũng đi nước cờ quan trọng tham gia vào thị trường sôi động này như: Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (vốn kinh doanh trong lĩnh vực may mặc),...

Khắc phục tình trạng phát triển “lệch”, đô thị hóa chủ yếu mới nằm ở ba phía: Tây, Nam và Bắc, Thái Nguyên hiện thực hoá khát vọng vươn về phía Đông, phát triển đô thị hai bên bờ sông Cầu theo chủ trương trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Theo đó, sẽ lấy sông Cầu làm trung tâm, tỉnh và TP. Thái Nguyên phát triển về hướng mặt trời mọc.

Theo KTS. Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đại diện một trong hai đơn vị liên danh tư vấn phương án mở rộng đô thị thành phố đến năm 2035) thì với phương án điều chỉnh mới, TP. Thái Nguyên sẽ phát triển theo hướng thịnh vượng hơn với cấu trúc đô thị bền vững trên cơ sở không gian xanh. Đến năm 2035, thành phố trở thành một cực phát triển phía Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, một thành phố hấp dẫn, giàu bản sắc và hiện đại.

Viễn cảnh về một đô thị hiện đại, sầm uất bên dòng sông Cầu thơ mộng được vẽ ra. Đặc biệt, điểm nhấn của Dự án đô thị sông Cầu là Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, có tổng mức đầu tư trên 9.800 tỷ đồng.

Mục tiêu của đề án nhằm chỉnh trị sông Cầu đảm bảo an toàn phòng chống lũ cho khu vực 2 bên bờ sông Cầu, TP. Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Nếu triển khai hoàn thiện đề án thì sẽ xây dựng hoàn thiện đô thị hai bên bờ sông Cầu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch được duyệt, kết nối TP. Thái Nguyên với các khu đô thị mới phía bờ Đông sông Cầu, đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư vào dịch vụ du lịch khách sạn của thành phố, đáp ứng nhu cầu nhà đất ở phục vụ nhân dân giai đoạn trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tạo cảnh quan đô thị văn minh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh,

Miền đất hứa hoa thơm nhưng thấp thỏm những trái đắng

Nhìn lại khoảng thời gian ngắn từ 2017 – 2019, bất động sản Thái Nguyên đã có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng dự án với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa ốc như: Danko Group, DetechLand, Thiên Lộc, Tập đoàn TMS, FLC, Phúc Lộc, Xuân Trường, T&T, Apec… Một số doanh nghiệp trong tỉnh tham gia trực tiếp vào thị trường bất động sản dù trước đó chỉ là “tay ngang” như Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG (vốn kinh doanh trong lĩnh vực may mặc),...

Lý giải về hiện tượng dự án mọc lên như nấm sau cơn mưa ở Thái Nguyên, một môi giới bất động sản lâu năm tại địa phương này cho biết, cùng thời điểm bản quy hoạch chi tiết khu dân cư đường Bắc Sơn kéo dài được phê duyệt vào cuối năm 2016, số lượng dự án được “điền vào chỗ trống” tăng lên nhanh chóng. Tuyến đường này được coi là trục giao thông quan trọng của Thái Nguyên trong tương lai, hội tụ một trung tâm thành phố mới sầm uất tại đây.

Ngoài trục đường Bắc Sơn kéo dài, tại Thái Nguyên cũng có rất nhiều dự án bất động sản khác đang được triển khai.

Một phép thống kê đơn giản cho thấy, TP. Thái Nguyên với diện tích ước chừng 222,93km2 với số dân gần 500.000 người nhưng có tới khoảng 30 - 40 dự án xuất hiện trong giai đoạn hiện tại. Cơ cấu sản phẩm bất động sản tại Thái Nguyên đa phần là đất nền. Sản phẩm chung cư hiện tại còn nhiều khiêm tốn

Với số lượng dự án tăng lên ồ ạt, chắc chắn các doanh nghiệp bất động sản với những bước đi thận trọng và đầy toan tính đã phải nhìn ra được những yếu tố tiềm năng ở thị trường địa phương này. Theo PGS. TS. Đoàn Thanh Hà, cung bất động sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, quy hoạch đô thị, kỳ vọng khả năng hút dòng vốn...

Nhìn vào thị trường bất động sản Thái Nguyên, 2017 – 2019 là giai đoạn vàng để nguồn cung co giãn ở biên độ lớn.

Phân tích về yếu tố “gà đẻ trứng vàng” trong những dự án bất động sản ở Thái Nguyên, các doanh nghiệp hay đội ngũ môi giới đều bám vào 2 yếu tố then chốt với những số liệu chứng minh vô cùng thuyết phục: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng thu hút vốn FDI

Một trong những chủ đầu tư đang triển khai nhiều dự án ở Thái Nguyên là Tập đoàn Kosy. Khu đô thị Kosy Sông Công (Phường Thắng Lợi, TP. Sông Công) là dự án đầu tiên của Kosy tại tỉnh này. Dự án được chấp thuận chủ trương lập quy hoạch từ tháng 11/2010. Tháng 3/2011, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tháng 9/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên bắt đầu thu hồi đất và giao cho doanh nghiệp triển khai dự án.

Dự án có diện tích 38,78ha chia làm 3 khu với 1.242 lô liền kề và 72 lô biệt thự; tổng vốn đầu tư 296 tỷ đồng; quy mô dân số khoảng 5.716 người. Hiện nay, một phần giai đoạn 1 đã hoàn thành và đi vào sử dụng.

Dự kiến quý III/2020, chủ đầu tư thi công xong toàn bộ hạ tầng dự án và có thể bàn giao đi vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giai đoạn 2 của dự án vẫn đang ngổn ngang xây dựng. Ghi nhận thực tế, hoạt động xây dựng tại khu vực thuộc giai đoạn 1 của dự án, nhiều công trình xây dựng có dấu hiệu sai so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được chính quyền tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.

Một trong những cái tên được quảng cáo rầm rộ và kỳ vọng nhiều trong phân khúc bất động sản cao cấp trên thị trường Thái Nguyên là Khu đô thị Crown Villas cũng đang ghi nhận tỷ lệ thanh khoản thấp. Chủ đầu tư của dự án này là Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng. Cơ cấu sản phẩm của khu đô thị Crown Villas chủ yếu là liền kề, shophouse. Cụ thể, dự án này có tới 431 căn liền kề và shophouse, 160 lô shopvillas biệt thự đơn lập và biệt thự song lập.

Theo thông tin giới thiệu, đây là dự án 5 sao: “Chủ đầu tư Thái Hưng dành nhiều tâm huyết cho dự án Crown Villas trở thành khu đô thị đáng sống nhất Thái Nguyên với sản phẩm hoàn hảo từ thiết kế, chất lượng đến không gian sống. Kiến trúc của Crown Villas là sự kết hợp giữa phong cách tân cổ điển châu Âu với xu hướng thiết kế sinh thái hiện đại. Cuộc sống tại Crown Villas là cuộc sống thư thái và tiện lợi bên ngôi nhà ngập ánh sáng và màu xanh, thư thả với bể bơi ven hồ hay hòa mình vào sự tấp nập, sầm uất của tiểu khu thương mại cũng như ngắm nhìn trẻ nhỏ nô nức tại trường học quốc tế tại tiểu khu giáo dục”.

Thực tế đến nay, dự án này vẫn trong tình trạng chật vật tìm khách. Theo khảo sát của PV, về cơ sở hạ tầng, Crown Villas cơ bản đã hoàn thiện nhưng lượng giao dịch vẫn thấp

Đánh giá về thị trường bất động sản Thái Nguyên giai đoạn hiện tại, ông Trần Ngọc Sinh - Phó Văn phòng đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực Đông Bắc cho biết: “Hiện tại, thị trường đất nền Thái Nguyên chỉ duy trì mức trung bình, chứ không sôi động bằng trước. Còn khả năng thanh khoản chung cư rất thấp đến từ tâm lý của người dân sính đất nền. Trong khi đó, quỹ đất thổ cư tại Thái Nguyên vẫn lớn và mức giá vừa phải, tâm lý người dân địa phương lại muốn “ăn chắc mặc bền"

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết BĐS Thái Nguyên liệu có trượt vào 'vết xe đổ' của Hà Nội? tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Bất động sản
Tin tức mới nhất