Đây là một trong những chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1802/CĐ – TTg ngày 18/12/2020 về việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các điều kiện kĩ thuật để triển khai tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam.
Công điện số 1802 nêu rõ, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm: Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.
|
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam |
Báo đầu tư cho biết thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan đã rất tích cực triển khai các hạng mục công việc để khởi công các dự án thành phần và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến. Tuy nhiên, về tổng thể tiến độ triển khai dự án còn chậm, trong đó công tác giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ cam kết với Thủ tướng Chính phủ (bàn giao toàn bộ mặt bằng trong Quý II/2020).
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ GTVT, đến hết tháng 11/2020, 13 tỉnh, thành phố đã được bàn giao 92% mặt bằng. Tuy nhiên, đối với khối lượng còn lại, nếu không tập trung thực hiện quyết liệt sẽ không thể hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2020, đặc biệt là các địa phương có khối lượng hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt dưới 90% như: Khánh Hòa (73%), Ninh Bình (79%), Hà Tĩnh (82,3%), Đồng Nai (85,7%), Nghệ An (87%).
Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng các khu tái định cư tại các địa phương chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu, hiện nay chỉ đạt khoảng 53% khối lượng. Trong đó, một số địa phương thực hiện công tác này rất chậm, gồm: Ninh Bình (hoàn thành 1/5 khu tái định cư); Nghệ An (có 28 khu tái định cư, chưa hoàn thành); Hà Tĩnh (có 2 khu tái định cư, chưa hoàn thành); Khánh Hòa (có 7 khu tái định cư, chưa hoàn thành, trong đó có 1 khu đang thẩm định phê duyệt thiết kế); Ninh Thuận (có 2 khu tái định cư, chưa hoàn thành); Đồng Nai (có 2/3 khu tái định cư, đang thẩm định phê duyệt thiết kế); Tiền Giang (có 1 khu tái định cư, chưa hoàn thành).
Tiến độ thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến cũng rất chậm. Hiện công tác di dời đường điện mới đạt khoảng 12,8% khối lượng, di dời đường ống nước các loại đạt khoảng 18,1% khối lượng, di dời đường cáp viễn thông đạt khoảng 21,5% khối lượng.
Cụ thể: Quảng Trị đã di dời 87,5% đường điện và 100% đường cáp quang; các địa phương còn lại khối lượng hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật đạt dưới 50% như: Ninh Bình (đã di dời 31,4% đường điện; chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật khác); Thanh Hóa (đã di dời 15,4% đường điện và 28,8% đường cáp quang); Ninh Thuận (đã di dời 31,0% đường điện và 60% đường nước); Bình Thuận (đã di dời 3,3% đường điện, 33,8% đường nước và 45,8% đường cáp viễn thông); Tiền Giang (đã di dời 52% đường điện, 50% đường nước và cáp quang); đặc biệt là các địa phương: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Đồng Nai và Vĩnh Long chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Để bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án đi qua tiếp tục tập trung chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành liên quan và Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương khẩn trương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 8 %), cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công Dự án trong năm 2020.
Các địa phương phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành 109 khu tái định cư còn lại trong năm 2020 để di dời các hộ dân vào khu tái định cư (đặc biệt là các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang).
“Lãnh đạo các tỉnh chủ động xử lý các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, bảo đảm tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành”, Công điện số 1802 nêu rõ.
|
Nhiều vị trí trên 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam qua Ninh Bình hiện vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng. |
Thủ tướng giao Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng mốt số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và khẩn trương chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tiếp nhận bàn giao mặt bằng từ các địa phương để tổ chức triển khai thi công các gói thầu đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; rà soát, kịp thời phát hiện các tồn tại, vướng mắc mới phát sinh về giải phóng mặt bằng, có kế hoạch làm việc cụ thể với các địa phương để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng cho dự án trong năm 2020.
Các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) được giao khẩn trương chỉ đạo các chủ quản lý, chủ sử dụng công trình hạ tầng điện, viễn thông… thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình, khẩn trương hoàn thành công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB, đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2020.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua 13 tỉnh, gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 6 dự án đầu tư công và 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Hiện có hai dự án PPP là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT đang thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam