Nơi lưu trú với phương châm “lá lành đùm lá rách”
Bước vào Kiến An Resident, (thuộc Công ty CP Đầu tư phát triển Kiến An) nằm cuối hẻm 16, phường An Phú (quận Ninh Kiều), khách có ý định lưu trú sẽ không ngần ngại về giá cả vì trước đại sảnh là tấm bảng ghi phương châm ấn tượng “Lá lành đùm lá rách” với 4 nội dung khá thân thiện.
|
Phương châm "Lá lành đùm lá rách" của Kiến An Resident. |
“Những người vô gia cư bệnh tật, người già và trẻ em, mất khả năng lao động hiện đang sống tại vỉa hè, gầm cầu, mái hiên, bến xe, công viên… có thể về đây ở chỉ với chi phí 1.500 đồng/ngày đêm.
Chúng tôi có sẵn nơi nghỉ ngơi, tắm rửa và giặt đồ, phòng có giường, nệm, máy lạnh.
Chúng tôi hỗ trợ 100% chi phí vé tàu xe cho bà con có điều kiện về với gia đình.
Ai đi ngang qua thấy họ thì có thể bớt chút thời gian đưa họ về Kiến An tại địa chỉ 16/4d, phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Chúng tôi xin được hỗ trợ chi phí tiền xăng cho các bạn”
Theo ghi nhận của Pháp Luật VN, đây chính là một trong những địa chỉ lưu trú mà các bệnh nhân nghèo ở các tỉnh miền Tây đang truyền tai nhau tại TP Cần Thơ - điểm lưu trú Kiến An Resident.
Nằm trong hẻm 16, đường 30/4, phường An Phú, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, mặc dù chỉ mới đi vào hoạt động vài tháng nay, nhưng khách sạn này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với nhiều người dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Kiến An Resident với vị trí gần với ba bệnh viện lớn (Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Bệnh viện Quân y 121) có tổng cộng 13 phòng với gần 60 giường nghỉ (gồm 12 phòng 4 giường và 1 phòng tập thể 12 giường).
|
Một góc phòng nghỉ của Kiến An Resident. |
Khách hàng gồm nhiều thành phần ở nhiều tỉnh, thành về đây sinh sống, trị bệnh, nhưng chủ yếu là bệnh nhân của các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Cần Thơ cần điều trị dài ngày. Bên cạnh đó còn có những người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ và một số sinh viên nghèo.
Bắt đầu hoạt động từ sau Tết Nguyên đán 2019, lúc mới thành lập, khách đến lưu trú chỉ có một số bệnh nhân điều trị dài ngày (chạy thận, xạ trị) và thân nhân người bệnh. Hiện trung bình mỗi ngày có 40 – 50 khách lưu trú.
Sau đó, những người từng lưu trú cứ truyền tai nhau về chỗ ở giá rẻ cho những người quen và cứ thế chỉ sau thời gian ngắn, tiếng lành đồn xa, thông tin về khách sạn 1.500 đồng đã đến tai nhiều người nghèo ở miền Tây, trở thành địa chỉ tin yêu của nhiều mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ.
1.500 đồng/ngày chỉ là thu cho có
Kiến An Resident chính xác là nơi lưu trú từ thiện với mức giá chưa từng thấy. Đối với người vô gia cư, người già, người khuyết tật khi thuê chỗ ở tại đây chỉ có giá 1.500 đồng/ngày đêm.
Người bệnh nan y chữa trị lâu dài, người có hoàn cảnh khó khăn là 17.500 đồng/ngày.
Người bình thường là 16.000 đồng/ngày và 22.000 đồng/đêm (khung giờ ban ngày là từ 7h sáng đến 18h chiều; và khung giờ ban đêm từ 18h chiều đến 7h sáng hôm sau).
Những người ngủ theo giờ thì chỉ 3.000 đồng/tiếng.
|
Bảng giá "siêu rẻ" cho người nghèo. |
Chi phí rẻ như vậy, nhưng khách đến lưu trú không khỏi bất ngờ vì ở đây họ tìm thấy chỗ ở giá rẻ nhưng phòng vẫn đầy đủ thiết bị tiện nghi (có trang bị máy lạnh, giường nệm, gối mền sạch sẽ).
Theo ghi nhận từ Người Lao Động, với mặt bằng thuê làm nhà lưu trú mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, số tiền thu lại khi cho người nghèo thuê nơi nghỉ với giá như trên không đủ trả tiền mặt bằng. Theo lời chị Lữ Thanh Linh (27 tuổi, quản lý Kiến An Resident), phía công ty đã dành một khoản lợi nhuận hàng tháng để bù vào và điều này được mọi người trong công ty rất ủng hộ.
Ở phòng nghỉ và những khu vực dùng để rửa chén bát, giặt đồ, tắm rửa, vệ sinh đều có nội quy rõ ràng để tránh việc khách lưu trú gây bừa bộn. Ngoài ra, khu nhà lưu trú cũng gắn camera đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực và để những vị khách an tâm nghỉ ngơi tại đây.
Tuy diện tích không lớn và khả năng lưu trú số lượng có hạn, nhưng ai cũng hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng, đồng hành cùng với những mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ.
Để người nghèo không có cảm giác mang nợ Khi khách đến đây, cả quản lý cùng nhân viên đều niềm nở để người nghèo bớt đi mặc cảm. "Lý do mà chúng tôi vẫn thu tiền dù giá khá rẻ chứ không miễn phí hoàn toàn vì không muốn bà con ỷ lại. Có người cho rằng họ vào viện có cơm từ thiện ăn, rồi nếu cho chỗ ở không tốn tiền nữa thì họ sẽ nghĩ "có chỗ ăn ở rồi mắc mớ gì đi làm". Dù chúng tôi thu ít nhưng để những người khó khăn khi trả tiền họ không có cảm giác mang nợ", chị Linh nhấn mạnh. |