Giải ngân đầu tư công bứt phá ngay đầu năm, ngành nào hưởng lợi trực tiếp?

người đưa tin 09:58 19/01/2022

Với nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua, tình hình giải ngân đầu tư công sẽ cải thiện đáng kể trong năm 2022.

Báo cáo chuyên đề mới đây của VNDirect cho biết giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021, bứt phá ngay từ đầu năm.

Cụ thể, Quốc hội mới đây đã thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022-23 với tổng quy mô lên tới 347.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP 2021. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, ước tính gói kích thích này sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/năm giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, nguồn vốn thực hiện nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng lên tới 113.850 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các tuyến hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (giai đoạn 2), một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ với giá trị lên tới 103.164 tỷ đồng (chiếm 91% quy mô của gói giải pháp trên). Ngoài ra, Chính phủ dự kiến chi 5.386 tỷ đồng cho đầu tư chuyển đổi số và hạ tầng số.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30%

Theo VNDirect, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều điểm nghẽn trong công tác thực hiện dự án, giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020-2021 đều không đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ khi chỉ hoàn thành lần lượt 96,6-84,3% kế hoạch năm.

Do đó, Chính phủ đang rất quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 với hàng loạt động thái quyết liệt. Đầu tiên, giữa tháng 12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2022. "Điều này sẽ giúp các cơ quan trên có thể chủ động giải ngân ngay từ đầu năm, hạn chế tình trạng đầu năm thong thả, cuối năm vất vả" - báo cáo nêu.

Tiếp theo, Chính phủ đã cho phép thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong năm 2022 - một trong những vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án hạ tầng giao thông. "Việc hoàn thành giải phóng mặt bằng mới đấu thầu xây lắp sẽ giúp tránh tình trạng tăng chi phí, đội vốn và có thể sử dụng nguồn vốn sẵn có bố trí cho các dự án khác" - các chuyên gia của VNDirect nhận định.

VNDirect cho biết giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021.

VNDirect nhận định kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 14% so với kế hoạch năm 2021 lên 572.000 tỷ đồng nhờ dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 là 526.000 tỷ đồng và khoảng 46.000 tỷ đồng vốn từ Chương trình kích thích và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. "Trong năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công sẽ tiếp tục tăng 7% so với cùng kỳ năm trước lên 609.000 tỷ đồng" - VNDirect cho hay.

Đặc biệt, VNDirect cho rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 20-30% so với giải ngân thực tế năm 2021. VNDirect chỉ ra nguyên nhân do nguồn vốn bổ sung phát triển kết cấu hạ tầng từ gói kích thích kinh tế mới được thông qua. Ngoài ra, nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.

"Thực tế giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85% kế hoạch cả năm và nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm sau. Chính phủ cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng lớn trong năm 2022 như Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc-Nam…" - theo báo cáo của VNDirect.

Ngành nào sẽ hưởng lợi?

Theo VNDirect, nhóm ngành xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, hạ tầng viễn thông sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chủ đề đầu tư công.

Với ngành xây dựng hạ tầng giao thông, VNDirect kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng năm nay. Bên cạnh đó, việc nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông vượt qua được những điều kiện đấu thầu khắt khe trước đây sẽ có tạo thêm ưu thế để tiếp tục tham gia các dự án hạ tầng lớn tiếp theo trong giai đoạn 2021-2025.

Với ngành thép xây dựng, trong năm 2022, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam sẽ tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi việc tăng tốc phát triển hạ tầng nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư công và thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại trong năm 2022 do lãi suất giảm và nguồn cung mới mở bán cao hơn. "Đáng chú ý, các doanh nghiệp sở hữu thị phần hàng đầu và hệ thống phân phối rộng khắp sẽ được hưởng lợi chính từ tăng trưởng nhu cầu nguyên vật liệu trong năm nay" - VNDirect nêu rõ.

Với ngành thép xây dựng, trong năm 2022, VNDirect kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam sẽ tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ năm 2021.

Với ngành đá xây dựng, do đặc thù của ngành đá xây dựng, VNDirect cho rằng chi phí vận chuyển thường chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. "Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần các dự án cao tốc sẽ được ưu tiên huy động nhờ ưu thế về vị trí và chất lượng sản phẩm" - VNDirect cho hay.

"Chúng tôi ước tính các dự án hạ tầng lớn ở phía Nam (gồm cao tốc Mỹ Thuận Cần Thơ, Phan Thiết-Dầu Giây và Sân bay Long Thành) sẽ cần từ 30-32 triệu m3 đá xây dựng trong giai đoạn 2020-25, tương đương 150-160% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành" - các chuyên gia đến từ VNDirect nhận định.

Còn với ngành nhựa đường, VNDirect cho rằng do chưa có số liệu thống kê về ngành nhựa đường Việt Nam nên so sánh mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành dựa trên Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PCL), công ty đã duy trì khoảng 30% thị phần nhựa đường trong nước trong giai đoạn 2015-20. Doanh thu nhựa đường của PLC đã tăng vọt trong giai đoạn 2014-2015, khi giải ngân vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông tăng mạnh. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thấp trong năm 2016-2019 được cho là do ngân sách Nhà nước không ưu tiên và đầu tư tư nhân giảm nhiệt vào các dự án BOT, dẫn đến doanh thu nhựa đường của PLC giảm 50% so với năm 2014-2015.

"Do việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án xây dựng đường, nên chúng tôi kỳ vọng các công ty sản xuất nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong năm 2022-2023" - VNDirect cho hay

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-but-pha-ngay-dau-nam-nganh-nao-huong-loi-a540433.html

Bạn đang đọc bài viết Giải ngân đầu tư công bứt phá ngay đầu năm, ngành nào hưởng lợi trực tiếp? tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất