Đầu tư hơn 82 tỷ đồng làm 1,2 km đường tại Quảng Nam
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến giao thông từ nút giao gần Trường THPT Thái Phiên đến Quốc lộ 14E, huyện Thăng Bình. Tổng mức đầu tư của Dự án là 82,419 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2023.
|
Dự án có tổng chiều dài khoảng 1,2 km, diện tích sử dụng đất khoảng 4 ha, do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Mê Kông tư vấn lập dự án.
Trong tổng mức đầu tư dự án, chi phí xây dựng là 39,569 tỷ đồng; chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là 33,103 tỷ đồng... Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh chiếm 17,5 tỷ đồng; ngân sách huyện Thăng Bình sẽ bố trí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và đầu tư phần còn lại của dự án.
Kiến nghị bố trí vốn đầu tư QL37 và cầu sông Hóa qua Thái Bình
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Thái Bình về đề nghị bộ trí vốn cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa đang dừng thi công, gây mất ATGT, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại 6 xã có dự án đi qua.
|
Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa (giai đoạn 1) quy mô đường cấp III, 2 làn xe, kinh phí đầu tư 600 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự án khởi công tháng 11/2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, đến nay nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 30 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho biết, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 bố trí cho Bộ GTVT rất khó khăn và theo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT về tiêu chí phân bổ nguồn vốn này, chủ yếu tập trung trả nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả nguồn vốn ứng trước và vốn đối ứng ODA, không còn kinh phí để đầu tư hoàn thành 25 dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp QL37 đoạn qua tỉnh Thái Bình và cầu vượt sông Hóa nên hiện nay dự án chưa có nguồn để tiếp tục triển khai.
“Bộ GTVT đã đưa dự án vào danh mục các công trình đề nghị bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch 2016 - 2020 trình Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp được bố trí vốn, Bộ GTVT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình để tiếp tục triển khai đầu tư dự án”, Bộ GTVT nêu rõ.
Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Nhà đầu tư “ngóng” hầu bao ngân hàng
|
Cho đến thời điểm này, việc thu xếp nguồn vốn tín dụng cho Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang là một thách thức lớn đối với nhà đầu tư - Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và UBND tỉnh Tiền Giang trong vai trò Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ vào giữa tuần trước, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, nhóm 3 ngân hàng tài trợ vốn cho công trình cao tốc huyết mạch về miền Tây này mới thống nhất cho vay tối đa 5.800 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cam kết cung cấp 3.300 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết cung cấp 1.500 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cung cấp khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo TBCK