Trái phiếu hấp dẫn vì lãi suất cao
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu, trị giá 10.030 tỷ đồng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 do che giấu, công bố thông tin sai sự thật. Sự việc không chỉ gây hoang mang cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến các tổ chức, doanh nghiệp chân chính phát hành trái phiếu theo đúng luật.
Đánh giá về sự phát triển của kênh trái phiếu doanh nghiệp, trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp là kênh cần thiết để các doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án đầu tư. Như vậy, có tác dụng rất tốt trong việc huy động nguồn vốn cho kinh doanh.
“Về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn tốt, cũng là một kênh bổ sung trong hệ thống thị trường tiền tệ, thị trường vốn”, đại biểu Cường nói.
Đồng quan điểm với đại biểu Cường, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá những năm gần đây trái phiếu, chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp phát triển rất rầm rộ và tốt, là dấu hiệu phục hồi, phát triển tình hình kinh tế của đất nước.
Theo đại biểu Hòa, việc mua trái phiếu sẽ có lợi hơn gửi tiết kiệm tại ngân hàng, tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị Ngân hàng, Chính phủ cần quan tâm đến các doanh nghiệp huy động trái phiếu không sử dụng đúng mục đích, lừa gạt người mua trái phiếu.
Đại biểu Hòa nhấn mạnh, tình hình mua bán chứng khoán, bán cổ phiếu, trái phiếu “chui” thời gian qua của một số doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cổ phiếu, trái phiếu trong hoạt động chứng khoán.
Phân tích về những rủi ro dễ gặp phải của trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Cường cho hay, rủi ro là khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đủ khả năng đảm bảo nguồn lực để thanh toán, cũng như các nguồn thu để trang trải cho lãi suất cam kết.
Theo đại biểu, ngay trong Luật Chứng khoán đã quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có điều kiện để phát hành, đảm bảo công khai thông tin, minh bạch, đủ độ tin cậy.
Tuy nhiên, những năm qua, do khó khăn của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp không có khả năng huy động tiếp vốn tín dụng để duy trì hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc lại vốn… khi không huy động vốn được ở các kênh tín dụng của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với lãi suất cao, trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lại thấp. Điều này, đã tạo độ hấp dẫn rất mạnh đến những nhà đầu tư cá nhân.
Nhưng, đằng sau đó là các rủi ro mà nhà đầu tư cá nhân không nhìn thấy được, đơn cử như vụ Tân Hoàng Minh đã bị cơ quan điều tra vào cuộc do sử dụng tiền không đúng mục đích như công bố thông tin.
Từ những phân tích trên, đại biểu Cường cho rằng, đối tượng để phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng phải là các tổ chức chuyên nghiệp.
“Đối tượng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, bởi lẽ bất cứ ai thấy lợi nhuận, lãi suất cao là bỏ tiền ra mua thì rất dễ gặp rủi ro”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Rà soát những mối quan hệ sở hữu chéo
Nhìn từ câu chuyện trái phiếu của Tân Hoàng Minh mới đây, không ít các nhà đầu tư rơi vào tình cảnh khó xử, đại biểu Hòa cho rằng, việc mua bán trái phiếu không được lành mạnh, ảnh hưởng đến thị trường chung nhất là trong cạnh tranh có tính chất “cá lớn nuốt cá bé” rất nguy hiểm, nên khi kinh doanh trên lĩnh vực này cần phải hết sức cảnh giác, phải tìm hiểu cặn kẽ khi tham gia chơi.
Bên cạnh đó, đại biểu Hòa nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần phải thể hiện đẳng cấp và việc làm chân chính, có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức để làm sao hoạt động trái phiếu có hiệu quả, người mua trái phiếu cũng có lợi nhuận thì sẽ có lợi cho hoạt động kinh tế khắp cả nước.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới. Đại biểu Hòa cho biết việc sửa lại các luật này là điều hết sức cần thiết, bởi trong quá trình tổ chức thực hiện có những phát sinh mà các đại biểu chưa lường trước được.
Về mối quan hệ giữa các ngân hàng và doanh nghiệp sân sau thường mua trái phiếu của nhau, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu ngân hàng lại mua trái phiếu của doanh nghiệp mà có quan hệ với ngân hàng thì điều đó không đúng quy định.
“Ngân hàng không được quyền đầu tư tài chính vào những doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của mình, về mặt pháp luật là không được phép. Còn về mặt hậu quả, vô hình trung là đã tìm cách lách những quy định của pháp luật trong việc khống chế dòng tiền vào những kênh, những khu vực đang cần phải kiểm soát. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng, mất hiệu lực của các chính sách điều tiết tiền tệ của Nhà nước", đại biểu Cường nói.
Ông Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh: "Đặc biệt, khối lượng lớn trái phiếu lại tập trung vào những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực Nhà nước đang hạn chế như bất động sản, điều này gây ra hậu quả là dòng tiền lại đổ tập trung vào các lĩnh vực đầu cơ, khiến dòng tiền không được luân chuyển vào các doanh nghiệp sản xuất".
Về vấn đề sở hữu chéo - mua bán trái phiếu với các doanh nghiệp sân sau của ngân hàng, đại biểu Phạm Văn Hoà Hòa nói việc kiểm soát cần có sự quan tâm nhiều hơn của Ngân hàng Nhà nước. Cơ quan này cần có quy định cụ thể, rõ ràng cho người mua bán trái phiếu do các doanh nghiệp, ngân hàng phát hành.
Nếu thực hiện đầy đủ các quy định về mặt pháp luật hiện hành, thị trường trái phiếu sẽ phát huy tốt tiềm năng vốn có để doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cả hai đại biểu đều đồng tình cần tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và phát hiện kịp thời những trường hợp phát hành không đủ cơ sở, điều kiện. Đồng thời, ĐBQH cho rằng cần khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân mua bán trái phiếu phải am hiểu về doanh nghiệp, để tránh “tiền mất tật mang”