Đặc biệt là ngành nông nghiệp bởi hiện nay có tới 70% kim ngạch nông sản thô xuất khẩu của nước ta là thị trường Trung Quốc.
|
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
Nhận định về tác động do dịch virus Corona, TS. Đặng Kim Sơn-nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân vẫn là vấn đề thị trường. Dịch Corona tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng.
Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ Corona. Điều này khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực thực phẩm, bỏ qua những sản phẩm khác như hoa quả... Bên cạnh đó, nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Thứ hai kết cấu sản xuất tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để đáp ứng nhu cầu từ thị trường này.
Mặt khác, theo ông Sơn, chưa tính đến dịch bệnh này, từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Ví dụ như dịch tả lợn châu Phi khiến người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn… Hay như tình trạng hạn hán trên sông Mekong năm nay sẽ gay gắt, lâu lắm không diễn ra tình trạng này. Dịch virus Corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là khó khăn chúng ta phải vượt qua. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm nay được.
|
Do không xuất khẩu được sang Trung Quốc nên những ngày qua giá dưa hấu giảm chóng mặt, có nơi 1.000/1kg. |
Tuy nhiên, theo TS. Đặng Kim Sơn, chúng ta không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có thể là những hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… Về dài hạn chúng ta phải làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… tất cả đều là những vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp giữa dịch Corona thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trước mắt phải tổng rà soát lại khối lượng nông sản, các nhóm mặt hàng để xuất khẩu sang Trung Quốc, cụ thể theo từng tháng từ nay cho đến những tháng cuối năm, căn cứ diễn biến tình hình từng giai đoạn có phương án ứng phó; tổ chức tăng cường công tác thương mại ở trong nước; tập trung chế biến, đề nghị các doanh nghiệp chế biến phải liên kết chặt chẽ với những vùng nguyên liệu, giảm bớt xuất khẩu tươi, xuất khẩu thô...
Dịch Corona chưa biết đến khi nào mới dừng lại. Ngay trong tháng 2, Bộ NN&PTNT sẽ xúc tiến thương mại tại một số thị trường, điển hình như cử đoàn công tác sang Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất; đoàn công tác tiếp tục sang thị trường Mỹ, thị trường Nhật Bản, thị trường Brazil và các thị trường khác...
"Đi xúc tiến không phải vì lúc này có dịch mới đi mà đi vì chiến lược dài hơi hơn, nhân dịp này thì càng thúc đẩy hơn. Đối diện khó khăn do dịch nCoV tiếp tục là một trong những bài học và là cơ hội cấp thiết để chúng ta tiếp tục tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng vùng hàng hóa, chế biến sâu hơn, liên kết chặt chẽ tạo ra chuỗi giá trị dài, mở ra nhiều thị trường để tránh bỏ trứng vào một giỏ", ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Số liệu từ Bộ NN&PTNT chỉ ra, trong tháng 1, giá trị XK các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 3 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị XK nhóm hàng nông sản chính ước đạt 1,3 tỷ USD, bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2019. Một số mặt hàng có giá trị XK tăng so với cùng kỳ năm 2019 là gạo, đạt 203 triệu USD (tăng 5,4%); rau đạt 50 triệu USD (tăng 17,2%). XK thủy sản ước đạt 644 triệu USD, bằng 87,5%. Tương tự, XK lâm sản chính tháng 1 ước đạt 883 triệu USD, bằng 84,4%. Về mặt NK, tính đến hết tháng 1, giá trị NK nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,7 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, thặng dư thương mại trong tháng đầu tiên của năm 2020 ước đạt 266,9 triệu USD, chỉ bằng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. |