Sản lượng thép thô thế giới tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong tháng 10, tăng 7% so với cùng kì năm trước đạt gần 161,9 triệu tấn, theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới. Trong đó, Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh 12,7% và tiếp tục là động lực chính tạo đà phục hồi của thị trường thép toàn cầu.
Nhu cầu thép đang được thúc đẩy nhờ sự hồi sinh trong sản xuất công nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, luỹ kế 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng thép thô thế giới vẫn giảm 2% so với cùng kì năm trước, đạt 1.512,7 triệu tấn. Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran là số ít những nước có sản lượng cao và tiếp tục tăng trưởng trong 10 tháng đầu năm.
Tháng 11, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép các loại trong nước tháng 11 tăng 4,34% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019. Trị giá xuất khẩu tháng 10 của Việt Nam đạt 539 triệu USD giảm không đáng kể so với tháng 9/2020 nhưng tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 10 tháng đầu năm, ASEAN và Trung Quốc vẫn là hai thị trường xuất khẩu chính của thép Việt. Đáng lưu ý xuất khẩu thép sang Trung Quốc tăng mạnh cả về lượng và giá trị đạt 2,98 triệu tấn tương đương với giá trị 1,9 tỷ USD, chiếm 36,56% tỷ trọng xuất khẩu thép 10 tháng 2020 của Việt Nam.
|
Thị trường thép tháng 11/2020 phục hồi trên toàn cầu |
Về thị trường thế giới
1. Sản lượng thép thế giới
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới (tại 64 nước) tăng mạnh 7% trong tháng 10 so với cùng kì năm trước đạt gần 161,9 triệu tấn.
Trung Quốc, nước có sản lượng thép lớn nhất thế giới, tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh 12,7% về sản lượng trong tháng 10 với hơn 92,2 triệu tấn.
Tháng 10, ngoài Trung Quốc, có 16 nước ghi nhận sản lượng thép thô đạt trên 1 triệu tấn, trong đó có 7 nước ghi nhận giảm về sản lượng, đây là một dấu hiệu tích cực cho thị trường thép chung.
Ấn Độ sản xuất được 9,1 triệu tấn thép thô vào tháng 10, tăng 0,9% so với tháng 10/2019; Nhật Bản sản xuất được 7,2 triệu tấn, giảm 11,7%; Mỹ sản xuất được 6,14 triệu tấn, giảm 15,3%, là hai nước có mức giảm mạnh nhất trong nhóm 16 nước kể trên.
Tại Liên minh châu Âu, Đức sản xuất 3,4 triệu tấn (tăng 3,1%), Italy sản xuất 2,1 triệu tấn (giảm 4,6%) và Tây Ban Nha sản xuất 1,1 triệu tấn thép thô trong tháng 10 (giảm 7,7%). Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) có sản lượng ước tính là 8,4 triệu tấn, tăng 4,7% so với cùng kì năm trước.
Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng với sản lượng thép tăng gấp đôi so với cùng kì năm trước, từ gần 1,6 triệu tấn trong tháng 10/2019 lên 3,37 triệu tấn trong tháng 10/2020.
Thống kê từ Viện Sắt Thép Mỹ (AISI), sản xuất thép tại Mỹ trong tháng 11 vẫn ổn định so với tháng liền trước mặc dù lượng người nhiễm mới COVID-19 ngày càng tăng cao ở nhiều bang. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất thép giảm 13,3%.
Trong tuần kết thúc ngày 7/11, sản lượng thép thô của nước này đạt 1,57 triệu tấn, tăng 1% so với tuần trước đó, trong khi giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 71,1%, tăng 0,7% so với tuần trước đó song giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến tuần kết thúc ngày 7/11, sản lượng thép thô của Mỹ đạt 67,38 triệu tấn, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất sử dụng đạt 66,8%, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
2. Diễn biến giá
Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Vitic), giá thép châu Á biến động theo chiều hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ thép hồi phục mạnh tại nhiều nước.
Tại Trung Quốc, giá thép cây tăng mạnh do nhu cầu xây dựng tăng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong khi các biện pháp hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm ngặt hơn, tồn kho giảm.
Tại Nhật Bản, sau khi tăng giá vào tháng 10 do chi phí sản xuất cao, các nhà sản xuất thép Nhật Bản đã giữ ổn định giá trong tháng này.
Tại Hàn Quốc, cung và cầu thép đều giảm do nhu cầu tiêu thụ ô tô, tàu thủy, xây dựng giảm, sản lượng thép thô trong 9 tháng đầu năm giảm 7,5%.
Tại Ấn Độ, giá thép tăng thêm 750 - 1000 rupee/tấn trong tháng qua do nhu cầu hồi phục và giá nguyên liệu thô tăng. Các nhà máy đang tìm cách tăng giá thép cuộn cán nóng xuất khẩu thêm 20 USD/tấn vì giá thép này trong nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng cuối năm.
Tại Đài Loan, nhu cầu tiêu thụ thép tăng cùng với giá nguyên liệu cao đã khiến các nhà máy nước này tiếp tục tăng giá bán thép. Sau khi E-Sheng Steel tăng giá thêm 500 TWD/tấn, giá thép hình V SS400 cỡ nhỏ đạt 18.900 - 19.900 TWD/tấn, trong khi thép hình V A36 là 18.900 TWD/tấn. Giá thép thanh dẹt A36 và SS400 là 18.900-20.800 TWD/tấn. Giá sắt tròn A36 là 16.900-17.900 TWD/tấn.
3. Dự báo
Nhu cầu tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch COVID-19 và thời tiết. Giá thép được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới khi các nền kinh tế đang phục hồi và nhu cầu thép tăng trở lại.
Trước đó, Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) đã dự báo rằng nhu cầu thép sẽ giảm 2,4% xuống 1.725,1 triệu tấn trong năm 2020 và tăng lên 1.795,1 triệu tấn vào năm 2021, tăng 4,1% so với năm 2020.
Về thị trường trong nước
1. Sản lượng thép Việt Nam
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép các loại trong nước tháng 11 đạt 2.454.736 tấn, tăng 4,34% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019.
Bán hàng thép các loại đạt 2.455.845 tấn, tăng mạnh 36,88% so với tháng 10/2020 và tăng 20,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 478.375 tấn, tăng 21,52% so với tháng trước, và tăng 40,0% so với cùng kỳ tháng 10/2019.
Luỹ kế 11 tháng đầu năm, Việt Nam đã sản xuất được hơn 15,5 triệu tấn thép thô tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Bán hàng đạt 15.377.101 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ 2019. Trong đó xuất khẩu đạt 2.999.382 tấn, tăng gấp 4,23 lần.
Đối với thép thành phẩm các loại, sản xuất thép các loại đạt 23.331.689 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ 2019. Bán hàng thép các loại đạt 21.016.002 tấn, giảm 0,9%, trong đó, đặc biệt xuất khẩu thép các loại đạt 4.111.838 tấn, giảm 2,8%.
2. Tình hình xuất nhập khẩu, tồn kho
Nhập khẩu
Theo số liệu của VSA, nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 10 năm 2020 đạt 919.000 tấn với kim ngạch 599 triệu USD, giảm 9% về lượng và 4% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm lần lượt là 34,4% và giảm 31,4%.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu thép về Việt Nam là 11,28 triệu tấn với trị giá trên 6,6 tỷ USD, giảm lần lượt 7% về lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là gần 2,98 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu gần 1,9 tỷ USD, chiếm 26% tổng lượng thép nhập khẩu và 28% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tiếp theo đó là các nước Ấn Độ (chiếm 19,5%), Nhật Bản (19,3%), Hàn Quốc (13,3%), Đài Loan (12%).
Xuất khẩu
Tháng 10, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 1 triệu tấn, giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt 539 triệu USD giảm không đáng kể so với tháng 9/2020 nhưng tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Luỹ kế 10 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 7,99 triệu tấn, với trị giá đạt 4,19 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,98 triệu tấn tương đương với trị giá 1,9 tỷ USD, tăng đột biến cả về lượng và trị giá xuất khẩu so với 10 tháng năm 2019, chiếm 36,56% tỷ trọng xuất khẩu thép 10 tháng 2020 của Việt Nam.
ASEAN, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 3,45 triệu tấn, tương đương với trị giá 1,8 tỷ USD, tăng 2% về lượng xuất khẩu nhưng giảm 9,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tiêu thụ trong nước
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép, lượng thép xây dựng bán ra trong 11 tháng năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 2,7% trong đó xuất khẩu tăng 4,1% và tiêu thụ nội địa giảm 3,7%.
Thị trường thép cây dựng nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn trong quý III. Mặc dù sản xuất thép xây dựng trong quý III giảm nhẹ lần lượt 5% và 2% so với các quý I và II. Nhưng bán hàng thép tăng trưởng so với hai quý trước lần lượt là 6% và 19%.
Tồn kho thời điểm ngày 30/11/2020 là 417.337 tấn. Đây là mức tồn kho tương đối thấp so với các tháng trước, để gối đầu bán hàng các tháng sau.
3. Diễn biến giá nguyên liệu
Giá quặng sắt loại 62% Fe ngày 02/12/2020 giao dịch ở mức 136,5 - 137 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng đáng kể khoảng 20 USD/tấn tương ứng với 16-17% so với đầu tháng 11/2020.
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia (giá FOB) 02/12/2020: Premium Hard coking coal: khoảng 102,2USD/tấn, giảm nhẹ so với đầu tháng 11/2020.
Thép phế liệu: Giá thép phế HMS 1⁄2 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 380 USD/tấn CFR Đông Á ngày 02/12/2020. Mức giá này tăng 72USD/tấn so với hồi đầu tháng 11/2020. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Đông Á có xu hướng tăng mạnh, châu Âu và châu Mỹ có chiều hướng đi ngang.
Điện cực graphite: Khi tình hình thị trường thép đang được cải thiện, sản xuất thép lò điện hạ nguồn đã tăng lên. Cũng do đại dịch, nhiều đơn vị GE quy mô nhỏ đã phải đóng cửa, 21 dẫn đến nguồn cung cấp điện cực graphite kích thước nhỏ trở nên eo hẹp và niềm tin của các nhà sản xuất GE khác được nâng cao.
Giá cho điện cực loại 450mm HP hiện được đánh giá là 14.000-14.200 CNY/tấn (2.130 - 2.160 USD/tấn) trong khi giá 600mm là khoảng 18.000 - 20.500 CNY/tấn (2.685 - 2.980 USD/tấn).
Theo Kinh tế Chứng khoán