Dồn dập phát hành gần trái phiếu
Từ đầu tháng 5 đến nay TPBank tham gia khá tích cực vào thị trường trái phiếu. Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 5, TPBank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu, nâng số tiền huy động được từ kênh trái phiếu của nhà băng này lên gần 5.000 tỷ đồng chỉ trong vòng một tháng.
Theo đó, ngày 2/6, TPBank (Mã: TPB) thông báo đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn ba năm, lãi suất cố định là 3,8%/năm. Ngày phát hành là 28/5 và đáo hạn vào ngày 28/5/2024.
|
Thông tin về kết quả chào bán trái phiếu với số lượng 1.000 tỷ đồng |
Cùng ngày, TPBank tiếp tục thông báo kết quả phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn ba năm, lãi suất cố định là 3,8%/năm. Số trái phiếu này đã được phát hành ngày 31/5 và dự kiến đáo hạn ngày 31/5/2024.
Cũng trong tháng 5, TPBank thông báo đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn ba năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4,1%/năm. Ngày phát hành là 10/5/2021 và ngày đáo hạn là 10/5/2024. Trái phiếu được bán trực tiếp cho nhà đầu tư là một công ty chứng khoán trong nước.
|
Thông tin về kết quả chào bán trái phiếu với số lượng 600 tỷ đồng. |
Ngày 12/5, TPBank tiếp tục phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho một công ty chứng khoán, kỳ hạn cũng là ba năm. Tuy nhiên lãi suất phát hành là 3,8%/năm, thấp hơn so với lô 600 tỷ đồng trái phiếu nói trên cũng như so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của TPBank. Ngày đáo hạn là 12/5/2024.
Tương tự, ngày 5/5, TPBank phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 3%/ năm. Số trái phiếu này đã được phát hành ngày 5/5 và dự kiến đáo hạn ngày 5/5/2024.
Các trái phiếu nói trên đều là trái phiếu không chuyển đổi, không phải là nợ thứ cấp, trái phiếu không có tài sản đảm bảo kèm theo chứng quyền. Trái chủ là một tổ chức tín dụng trong nước.
Ngân hàng vẫn chuộng huy động vốn qua trái phiếu?
TPBank thuộc nhóm ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Không như các ngân hàng khác, TPBank tập trung vào hệ thống livebank và dự án ngân hàng số để đón lượng khách tương lai. Tuy nhiên, hiệu quả của định hướng này còn phụ thuộc vào nhận thức và thói quen của người tiêu dùng.
Kết thúc năm 2019, dư nợ tín dụng của TPBank tăng 24% trong khi huy động tăng với tốc độ thấp hơn (21,4%). Cơ cấu tín dụng cũng là chi tiết cần bàn, khi tỷ lệ cho vay ngắn, trung và dài hạn ở cuối năm 2019 lần lượt là 25%:27%:48%, trong khi đầu năm là 22,5%:31,7%:45,8%.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt 10,4%, cao hơn nhiều so với mức 3,26% toàn ngành và gần chạm hạn mức tín dụng ban đầu là 11,5%. Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tín dụng của TPBank tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2020 nhờ được hỗ trợ bởi trái phiếu doanh nghiệp và cho vay doanh nghiệp lớn.
Kết thúc năm 2020, dư nợ tín dụng của TPBank tăng 25,5% còn huy động tăng 25,4%. Đồng thời, tỷ lệ cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn cuối năm 2020 lần lượt là 29%:25%:46%, trong khi đầu năm là 25%:27%:47%.
Gần đây nhất, tính đến 31/3/2021, dư nợ tín dụng đạt 3,7% và huy động tăng 3,6%. Tỷ lệ cho vay ngắn, trung và dài hạn lần lượt 29%; 24%; 47%.
Đáng lưu ý, hiện tại lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn tại nhiều ngân hàng thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài nhưng người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn do tâm lý chờ đợi mức lãi suất có thể sẽ tăng trong tương lai. Mặt khác, tâm lý sợ lạm phát quay trở lại cũng làm người dân ít gửi tiết kiệm kỳ hạn dài khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn.
Ngoài ra, trong điều kiện môi trường lãi suất thấp như hiện nay, các thị trường khác như bất động sản hay chứng khoán được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn thay vì gửi tiết kiệm. Do đó, tâm lý khách hàng cũng sẽ chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn để dễ dàng rút tiền đầu tư vào các thị trường khác khi có cơ hội.
Do đó, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng đều không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, nên các ngân hàng buộc phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.
|
Thông tin về kết quả chào bán trái phiếu với số lượng 600 tỷ đồng. |
Tại thời điểm 31/3/2021, TPBank có 72.280 tỷ đồng cho vay trung dài hạn trong khi nguồn vốn trung dài hạn chỉ ở mức 56.858 tỷ đồng dẫn đến vốn ngắn hạn cho vay kỳ hạn dài là 15.422 tỷ đồng, chiếm 18% trong tổng nguồn vốn ngắn hạn.
Theo như quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN thì đến ngày 30/09/2021, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40%. Do đó, phát hành trái phiếu là một giải pháp để gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn nhanh chóng nhất, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.
Tuy nhiên, cần phải xem lại tính 2 mặt của việc phát hành trái phiếu.
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp những nhà băng này giải quyết được một số vấn đề cấp bách hiện tại. Tuy nhiên trong tương lai sẽ phải đối mặt với không ít áp lực gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Trong đó có rủi ro về lãi suất, vì huy động vốn trung và dài hạn thì thường có lãi suất cao. Điều này ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí vốn đầu vào tăng, khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng.
Do đó, phát hành trái phiếu chỉ là giải pháp mang tính "tình thế" đối với các ngân hàng hiện nay.
Trong quý đầu tiên của năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt 2.798 tỷ đồng, tăng 15,2% so với quý I/2020. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ vẫn đóng góp chủ yếu với kết quả đạt được lần lượt là gần 2.264 tỷ đồng (tăng 31%) và hơn 282 tỷ đồng (tăng 79,7%).
Mặt khác, các hoạt động kinh doanh khác lại lỗ 15,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 306 tỷ đồng. TPBank lý giải rằng kết quả của các hoạt động này giảm mạnh do trong kỳ, ngân hàng đã thu 400 tỷ đồng độc quyền bảo hiểm từ Sun Life.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối có sự cải thiện tích cực so với cùng kỳ khi ghi nhận lỗ 2,1 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 83,5 tỷ đồng năm trước.
Bên cạnh việc tăng thu nhập từ hoạt động kinh doanh, TPBank còn đồng thời cắt giảm được hơn 10% chi phí hoạt động so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận thuần đạt mức tăng trưởng 36% với 1.813 tỷ đồng.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo