Mới đây, Cục Trồng trọt đã chính thức ra thông báo chấp nhận tự công bố lưu hành giống đậu nành VINASOY 02-NS cho khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Giống mới này có khả năng thích ứng tốt tại các vùng sản xuất, quả chín đồng đều, kích thước hạt lớn, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại, năng suất 25-35 tạ/ha, cao gấp 1,5-2 lần so với giống đậu nành truyền thống.
|
Vùng nguyên liệu đậu nành được Vinasoy phát triển. |
Ngoài bước tiến trên, Vinasoy cho biết đã thử nghiệm thành công việc đưa cây đậu nành trồng trên đất lúa tại miền Bắc (Hà Nội và Vĩnh Phúc) từ vụ Đông năm 2019. Đến đầu năm 2020, doanh nghiệp này đã bắt đầu đưa cây đậu nành xuống đồng bằng sông Cửu Long thử nghiệm trên đất lúa tại Đồng Tháp và Vĩnh Long - kết quả cho thấy loại giống có nhiều ưu điểm hơn so với giống địa phương.
Hiện nay, Vinasoy đang phát triển vùng nguyên liệu tại bốn vùng trong cả nước: miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long theo mô hình hợp tác toàn diện. Vinasoy cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng với giá cạnh tranh, đảm bảo nông dân có lời. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển trở lại diện tích trồng đậu nành tại Việt Nam, vốn dĩ thấp hơn nhiều so với với mục tiêu 166 nghìn ha của Chính phủ Việt Nam trình bày trong "Kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2016-2020".
Theo đánh giá, sự liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân là mô hình hiệu quả để các địa phương trên cả nước mở rộng diện tích trồng đậu tương giống mới, góp phần tạo thu nhập cho nông dân.
Theo Mai Ca/Báo Công Thương Điện Tử