Kịp thời ngăn chặn lượng lớn thuốc lá điện tử nhập lậu
Đến hẹn lại lên, thời điểm cận Tết Nguyên đán là dịp các “đầu nậu” thuốc lá lậu gom hàng đợi thời cơ đưa ra thị trường. Thời gian gần đây, bên cạnh thuốc lá điếu, thuốc lá làm nóng (còn gọi là thuốc lá nung nóng), thuốc lá điện tử được các đối tượng nhập lậu với số lượng 'khủng'.
Cụ thể, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh, mới đây tại số nhà 18A, tổ 2 khu 4, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành khám xe ô tô Mazda CX5 và Ford Ranger.
Thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên 2 xe vận chuyển 12.505 điếu thuốc lá điện tử loại POD SYSTEM, nhãn hiệu LIO, do Trung Quốc sản xuất.
Theo ghi nhận ban đầu, trị giá theo kết quả định giá với cơ quan tài chính là 1.719.437.500 đồng. Chủ của toàn bộ số thuốc lá điện tử trên là Nguyễn Văn Đông sinh năm 1995, thường trú tại phường Hưng Đạo, thị xã Đông Triều. Toàn bộ lô hàng trên không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
|
Quảng Ninh chặn đứng hành vi nhập lậu thuốc lá điện tử lớn nhất từ trước tới nay. Ảnh: Cục QLTT Quảng Ninh |
Làm việc với cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Đông khai nhận số thuốc lá điện tử trên được thu mua từ các nguồn trôi nổi trong nội địa, sau đó quảng cáo sản phẩm trên facebook cá nhân và phân phối cho nhiều cá nhân tại các tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu tập trung tại TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đội QLTT số 5 đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm.
Trước đó, Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác 368 - Tổng cục QLTT tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 102 ngõ 259 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện quả tang tại cơ sở đang có 4.670 điếu thuốc lá điện tử các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Bước đầu đại diện cơ sở khai nhận, toàn bộ hoạt động kinh doanh được giao dịch mua bán trên môi trường Internet thông qua các mạng xã hội.
Chế tài nào đối với hành vi nhập lậu thuốc lá điện tử?
Theo nhận định của lực lượng QLTT, trong thời gian vừa qua, việc mua, bán thuốc lá điện tử chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội facebook, nhằm vào đối tượng thanh, thiếu niên. Để thu hút người sử dụng, các đối tượng quảng cáo thuốc lá điện tử có tác dụng cai nghiện thuốc lá truyền thống, không gây hại. Kèm theo đó là nhiều chiêu thức bán hàng trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ như: giá thành rẻ, tạo xu hướng thời thượng cho sản phẩm; thiết kế hiện đại, bắt mắt, đa đạng kiểu dáng và kích thước; nhiều hương vị… tạo ấn tượng cho thanh thiếu niên về sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy sử dụng.
Cũng theo lực lượng chức năng, đây là sản phẩm chưa được cơ quan chức năng Nhà nước nghiên cứu, đánh giá về tác hại đối với người sử dụng và cũng chưa có chế tài quy định xử lý đối với mặt hàng này. Do đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương ban hành khung pháp lý điều chỉnh quy định thuốc lá điện tử là hàng cấm như thuốc lá điếu nhập lậu khác bởi những hệ lụy mà nó mang lại.
Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ - CDC, tính đến tháng 02/2020, tại Mỹ có trên 2.800 trường hợp nhập viện vì hội chứng viêm phổi và nhiều loại bệnh khác do hút thuốc lá điện tử, trong đó có 68 trường hợp đã tử vong. Ngoài ra, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, nicotine có trong thuốc lá nói chung, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người hút và người bị phơi nhiễm.
Chất này còn gây ra biến chứng bất thường ở trẻ sơ sinh như đột tử, giảm thính lực, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận: Không như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng bỏ thuốc lá, thuốc lá điện tử không giúp hỗ trợ cai nghiện.
Theo Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP dù chỉ buôn bán 1 bao thuốc lá điếu nhập lậu, người bán đã có khả năng bị xử phạt tới 3 triệu đồng. Nhưng với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhập lậu, mức phạt được áp dụng thế nào, cơ quan quản lý thị trường vẫn còn lúng túng do hiện chưa có bất kì văn bản pháp luật nào quy định cụ thể đề cập tới “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá làm nóng”. Theo đó, đối với thuốc lá thế hệ mới các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Việc xử lý vì vậy chưa sát với hành vi vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc buôn bán các nguồn hàng phạm pháp này diễn ra ngày một tăng, công khai thách thức cơ quan quản lý. Đến nay, pháp luật dành cho các sản phẩm này đang được đề xuất cần quản lý riêng lẻ bao gồm thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Theo đó, những sản phẩm có chứa thuần nguyên liệu thuốc lá (ví dụ như thuốc lá làm nóng) thì có thể xem xét để quản lý như là thuốc lá. |
Theo Chất lượng Việt Nam online