Sau 9 tháng bị Covid-19 tàn phá, Vietnam Airlines dự kiến lỗ 10.750 tỷ đồng

DTVN 11:18 13/10/2020

Ông Trần Thanh Hiền cũng cho biết thêm: "Mức tàn phá của Covid-19 đối với ngành hàng không rất khủng khiếp. Tôi học tài chính đã nhiều năm nay, nhưng không có một kịch bản nào khốc liệt như vậy”

Vietnam Airlines dự kiến lỗ 10.750 tỷ đồng

Ông Trần Thanh Hiền cũng cho biết thêm: "Mức tàn phá của Covid-19 đối với ngành hàng không rất khủng khiếp. Tôi học tài chính đã nhiều năm nay, nhưng không có một kịch bản nào khốc liệt như vậy”.

“Cũng nên nhớ rằng, trước Covid-19 rất nhiều hãng hàng không trong khu vực đã lỗ và gặp khó khăn như Thai Aways, tuy nhiên với Vietnam Airlines dòng tiền vẫn dương trên 4.000 tỷ đồng. Đây là điều rất quan trọng nói lên tiềm lực của 1 hãng hàng không".

"Tuy nhiên, khi Covid-19 lan rộng từ tháng 2/2020, nhưng đến đầu tháng 4/2020, Vietnam Airlines chỉ còn 5% đưa ra năng lực sản xuất, hoạt động cầm chừng. Đến tháng 6,7/2020, thị trường bắt đầu phục hồi (thậm chí tăng hơn 30% so với cùng kỳ), tuy nhiên dòng tiền lại tăng không nhiều do các hãng cùng kích cầu giảm giá", ông Hiền nói.

Ông Trần Thanh Hiền cũng cho biết: Cuối tháng 7/2020, đợt dịch thứ 2 tiếp tục khiến cho doanh thu các hãng hàng không sụt giảm mạnh. Nhưng Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vẫn liên tục nỗ lực khẳng định vị trí chủ lực tại thị trường nội địa với 51,7% thị phần vận chuyển hành khách.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group đã thực hiện an toàn tuyệt đối 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hoá.

Trong quý II/2020, Vietnam Airlines đã mở thêm 22 đường bay nội địa mới, tính đến thời điểm hiện tại, Hãng đang khai thác hơn 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thời điểm vượt đến 12% so với cùng kỳ, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng kể từ sau đợt dịch Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong hơn 8 tháng, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã thực hiện hơn 100 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 30.800 công dân Việt Nam từ gần 30 quốc gia về nước an toàn. Hơn 2.660 chuyến bay chở hàng hóa, trong đó có những tấn hàng là trang thiết bị y tế được vận chuyển miễn cước, đã đến khắp mọi miền Việt Nam và nhiều quốc gia, góp phần đảm bảo giao thương và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên phạm vi toàn cầu.

Bước sang quý IV/2020, hoạt động vận tải hành khách của Vietnam Airlines ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong bối cảnh Chính phủ kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả, thị trường nội địa trên đà phục hồi và một số đường bay quốc tế thường lệ được mở lại trong sự kiểm soát chặt chẽ theo quy định phòng, chống dịch.

Trong các tháng cuối năm, Vietnam Airlines Group sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khôi phục mạng bay phù hợp, đảm bảo ưu tiên cao nhất là phòng, chống dịch và đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển của hành khách.

Các hãng hàng không giá rẻ trước nguy cơ phá sản

Hãng hàng không giá rẻ AirAsia Japan vừa tuyên bố sẽ chính thức đóng cửa toàn bộ 4 đường bay trong nội địa Nhật Bản từ ngày 5/12.

Lý do được AirAsia Japan đưa ra là do lượng khách giảm mạnh khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát. Như vậy, đây sẽ là hãng hàng không đầu tiên rút khỏi thị trường Nhật Bản do ảnh hưởng của Covid-19.

Theo báo Yomiuri, mặc dù ngành hàng không thế giới chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, song các hãng hàng không giá rẻ (LCC) với nguồn lực không mấy dồi dào là những đối tượng có nguy cơ phải đóng cửa sớm hơn.

Khởi nguồn từ Malaysia, Air Asia là hãng hàng không giá rẻ có tốc độ phát triển nhanh chóng kể từ sau năm 2000 với sự dẫn dắt của nhà sáng lập và tổng giám đốc Tony Fernandes. Air Aisa được biết đến như là một trong những hãng tiên phong trên thị trường LCC với chiến lược nâng cao hiệu suất sử dụng của máy bay để cắt giảm chi phí.

Với những thành công nhanh chóng, Air Asia đã liên tục mở thêm các công ty liên doanh ở Thái Lan, Philippines. Chủ trương của Air Asia là tập trung khai thác các đường bay ngắn và tầm trung trong châu Á và nhắm tới lượng khách có thu nhập trung bình khá ngày càng tăng tại khu vực này.

Tại Nhật Bản, Air Asia cũng đã thành lập AirAsia Japan từ năm 2014 với sự góp vốn của tập đoàn thương mại Rakuten và tập đoàn thể thao Alpen. AirAsia Japan đóng trụ sở tại sân bay Chubu (Nagoya) và bắt đầu khai thác 4 đường bay nội địa từ năm 2017.

Bước vào năm 2020, tình hình kinh doanh của AirAsia Japan gặp nhiều khó khăn kể từ khi chính phủ nhiều nước hạn chế người dân đi lại để khống chế dịch Covid-19. Theo thông báo, hãng này đã lỗ 25 tỷ yên (238 triệu USD) trong thời gian từ tháng 4-6/2020.

Không chỉ AirAsia Japan, các hãng hàng không giá rẻ khác trên thế giới cũng đang gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hãng hàng không Flybe của Anh đã đệ đơn xin phá sản hồi tháng 3/2020, trong khi hai hãng hàng không giá rẻ khác tại Thái Lan là NokScoot và Nok Air cũng đã lần lượt tuyên bố phá sản từ tháng 6/2020.

Tại Nhật Bản, tình hình kinh doanh của các hãng LCC cũng không mấy khả quan. Jetstar Japan, hãng bay giá rẻ do hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines chiếm 50% cổ phần, ra thông báo mức lỗ 7,7 tỷ yên (73,3 triệu USD) trong tháng 6/2020.

Để khắc phục khoản lỗ này, Jetstar đang nỗ lực cắt giảm chi phí bằng cách cho 600 phi công và tiếp viên thôi việc theo nguyện vọng hoặc nghỉ việc không lương dài han.

Zipair Tokyo, công ty con với 100% vốn của Japan Airlines, cũng đã phải quyết định hoãn khai thác các chuyến ban quốc tế mặc dù Zipair Tokyo vốn dự định đưa vào hoạt động từ tháng 5/2020.

Hiện nay, hãng này đang duy trì hoạt động bằng cách vận chuyển hàng hóa để không mất chi phí cho phi hành đoàn. Peach Aviation, công ty do hãng hàng không ANA đầu tư, đã thông báo mức lỗ 9,4 tỷ yên (89,5 triệu USD) trong tháng 3/2020.

Khó khăn lớn đối với ngành hàng không là dù có giảm chuyến hay ngừng bay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì vẫn phải mất chi phí cho những vấn đề khác như bảo dưỡng máy bay, chi phí bãi đỗ, trả lương cho nhân viên.

Nguồn thu sụt giảm mạnh, nhưng chi phí không thể cắt giảm mạnh theo mức đó. Do vậy, khó khăn về tài chính là tình trạng chung của cả ngành.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Sau 9 tháng bị Covid-19 tàn phá, Vietnam Airlines dự kiến lỗ 10.750 tỷ đồng tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Tin tức mới nhất