|
-- |
Liên tiếp các phiên thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động kinh doanh tốt của Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không thành công, cũng như nhiều đợt thoái vốn của các doanh nghiệp khác không thể triển khai trên thực tế đang đặt ra yêu cầu bức thiết về việc xem xét chỉnh sửa các quy định hợp lý.
Tám tháng đầu năm 2019, SCIC bán vốn thành công tại vỏn vẹn 5 doanh nghiệp, chỉ đạt 6% kế hoạch về số lượng.
Có những doanh nghiệp từng được giới đầu tư đánh giá thuộc danh sách được mong chờ như CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC), Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex (VOC)... được đem ra thoái vốn, nhưng đều không có nhà đầu tư đăng ký mua.
Giám đốc tư vấn một công ty chứng khoán cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều đợt thoái vốn của SCIC không thu hút nhà đầu tư là đưa ra mức giá khởi điểm không phù hợp với thị trường.
Ðơn cử, giá khởi điểm đấu giá DMC là 119.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 64% so với thị giá thời điểm đưa cổ phần ra đấu giá là 72.900 đồng/cổ phiếu.
Những mức giá trên trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp được chấp nhận. Ví dụ, với cổ phiếu SGC, thị giá duy trì ở mức cao gần 130.000 đồng/cổ phần, nhưng thanh khoản lại rất thấp, chỉ đạt vài nghìn đơn vị/phiên.
Có ý kiến cho rằng, với thanh khoản và cơ cấu cổ đông cô đặc, những cổ phiếu này rất dễ bị kéo giá lên khi một số cổ đông của doanh nghiệp muốn “phá” đợt thoái vốn.
Trong khi đó, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC cho hay, việc định giá doanh nghiệp theo các quy định mới là rất chặt chẽ, phải tính đủ, tính tối đa theo các phương pháp định giá dựa trên tiềm năng doanh nghiệp, chứ không đơn thuần theo phương pháp định giá tài sản.
Ngoài ra, SCIC còn phải tuân thủ quy định là giá khởi điểm không thấp hơn trung bình giá cổ phiếu trong ít nhất 30 phiên liên tục trước khi chọn thời điểm chốt giá.
Tại cuộc họp mới đây của SCIC và các công ty chứng khoán, công ty thẩm định giá, một ý kiến chung được chia sẻ là việc áp dụng một số quy định mới về cơ chế bán vốn nhà nước tại Nghị định 32/2018/NÐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NÐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, đang khá bế tắc.
Chẳng hạn, Nghị định 32 yêu cầu “Xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài, bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hằng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật”.
Giám đốc một công ty chứng khoán phân tích, thực tế triển khai xác định giá khởi điểm bán cổ phần tại các doanh nghiệp cho thấy, các tài sản vô hình của doanh nghiệp (nếu có) thường là giá trị quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng, giá trị tiền thuê đất trả tiền một lần cho toàn bộ thời gian thuê, phần mềm máy tính, nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, bằng phát minh, sáng chế, bản quyền thuốc và các tài sản quyền sở hữu trí tuệ khác.
Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 về thẩm định giá doanh nghiệp thì việc xác định giá trị tài sản vô hình nói chung và giá trị quyền sở hữu trí tuệ nói riêng được quy định trong Phương pháp tài sản.
Trong nhiều trường hợp việc xác định giá trị là không khả thi vì: Doanh nghiệp không hợp tác trong việc cung cấp thông tin, hoặc chỉ cung cấp các thông tin cho cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
Nhiều tài sản vô hình là các sáng chế, phát minh, phần mềm đặc thù liên quan đến bí quyết kinh doanh nên doanh nghiệp không cung cấp thông tin;
Một số tài sản vô hình, quyền sở hữu trí tuệ khó xác định hoặc không xác định được vì không đủ điều kiện để ghi nhận là tài sản vô hình trên bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp (ví dụ như nhãn hiệu).
Trong các trường hợp này, đơn vị tư vấn sẽ không thể xác định được giá trị doanh nghiệp nói chung và giá trị các tài sản vô hình khác (nếu có) theo quy định tại Phương pháp tài sản thuộc Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12.
Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có quy định, hướng dẫn việc tính các “giá trị văn hóa, lịch sử khác” khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần.
Ðặc biệt, việc xem xét giá trị đất đai nảy sinh nhiều trường hợp rất phức tạp.
Theo chia sẻ của một công ty thẩm định giá, hiện nhiều doanh nghiệp đang vướng vào tình trạng có những khu đất có giấy tờ không hoàn chỉnh, nhưng thành phố hoặc tỉnh vẫn cho tiếp tục sử dụng đất, thậm chí thời gian hết hạn sử dụng đã kéo dài tới cả chục năm, dù hàng năm doanh nghiệp vẫn đóng tiền sử dụng đất.
Trong trường hợp này rất khó định giá bởi doanh nghiệp có thể bị thu hồi đất bất cứ lúc nào.
Thoái vốn được Chính phủ đặt trọng tâm tiếp tục triển khai quyết liệt trong thời gian từ nay đến hết năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra những vấn đề cần sớm có giải pháp tháo gỡ về chính sách, nếu không quá trình này được nhận định sẽ ách tắc và dồn toa ngày càng khó khăn hơn.
Theo Đầu tư Chứng khoán