Gia tộc Red Bull bắt đầu từ 2 bàn tay trắng
Chắc hẳn khi nhắc đến Red Bull, mọi người sẽ nhớ ngay đến lon nước tăng lực màu vàng từ trong ra ngoài, vô cùng quen thuộc với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Được biết, đây là loại thức uống giá rẻ đến từ Thái Lan, do ông Chaleo Yoovidhya sáng tạo ra và phát triển nó trở thành 1 trong những "gương mặt" nổi cộm trong làng nước giải khát khắp thế giới. Gia đình ông Chaleo nhờ đó mà trở thành đại gia tộc giàu có nhất nhì xứ sở Chùa Vàng. Nhưng cũng vì sinh ra đã "ngậm thìa bạc" nên hậu duệ của nhà Red Bull lại vướng rất nhiều scandal, nổi cộm nhất là vụ "chạy án" của cháu đích tôn.
Ông Chaleo là con trai của một người Hoa nhập cư sang vùng quê Baan Khao Chang ở Thái Lan sinh sống. Giữa những năm 1950, vị tỷ phú khi đó chỉ mới hơn 20 tuổi, quyết định từ bỏ vùng quê nghèo khó đến thành phố Bangkok để kiếm sống bằng nghề bán dược phẩm. Đến năm 1956, ông đã thành lập được công ty của riêng mình, mang tên T.C Pharmaceutical Industries, chuyên sản xuất thuốc kháng sinh.
Thời điểm đó, ông Chaleo đã sớm thấy được tiềm năng của nước tăng lực bởi bản thân ông cũng cần đến chúng để có thể giữ được sự tỉnh táo giải quyết công việc. Lúc bấy giờ, nổi bật nhất trên thị trường giải khát Thái Lan chỉ có nước tăng lực Nhật Bản Lipovitan D, ra đời hồi năm 1962. Không chần chừ quá lâu, ông Chaleo bắt tay vào nghiên cứu công thức của Lipovitan D và chế tạo ra loại nước tăng lực riêng với thành phần caffein, taurine và đường mía, mùi vị ngọt, đồng thời phù hợp với người dân xứ Chùa Vàng hơn, đặt tên cho nó là Krating Daeng (cũng có nghĩa là Red Bull trong tiếng Anh).
Ngay từ đầu, ông Chaleo đã xác định Krating Daeng là thức uống dành cho khách hàng nội địa. Chính vì vậy nên logo của lon nước, ông Chaleo cũng khéo léo chọn hình ảnh 2 chú bò đối đầu nhau làm gợi nhớ đến các trận đấu bò quen thuộc ở quê hương của ông. Tự biết lượng sức mình, ông Chaleo không mơ tưởng thương hiệu nước tăng lực của mình có thể cạnh tranh được với các loại nước uống khác trên thị trường, nên chỉ tập trung chỉ yếu phục vụ đối tượng là dân lao động, làm công việc tay chân.
Đầu tiên, Dietrich đề xuất đổi tên Krating Daeng sang thành Red Bull và góp ý thay đổi một vài thành phần trong sản phẩm để phù hợp với thị hiếu cũng như khẩu vị của người tiêu dùng quốc tế hơn. Nhờ ý kiến đóng góp của nhà tiếp thị người Áo mà các lon nước tăng lực mới có được diện mạo mới là sự kết hợp giữa 2 màu xanh dương và bạc vô cùng bắt mắt nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống mang đậm chất Thái Lan nhờ logo 2 con bò đối đầu nhau.
Nhờ sự thành công của doanh nghiệp mà ông Chaleo nhanh chóng vươn lên trở thành 1 trong những người giàu có nhất Thái Lan với khối tài sản lên đến 13 tỷ USD vào năm 2018 được công bố trên Forbes.
Giàu có từ 2 bàn tay trắng nên ông Chaleo dường như chưa bao giờ bị đồng tiền che mắt. Đến tận ngày hôm nay, ông vẫn được người dân ở Baan Khao Chang nhớ đến với hình ảnh một cụ già thường khoác lên mình chiếc áo cũ kỹ, đi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng. Thời điểm quê nhà gặp thiên tai, ông Chaleo đã chủ động gửi đến những gia đình gặp nạn món quà cứu đói, giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn. Trong lòng dân Thái, ông Chaleo mãi mãi là vị tỷ phú khiêm tốn và giản dị nhất.
|
Sai lầm của thái tử liệu có thể giết chết cơ nghiệp của cả gia tộc?
Tuy nhiên, thương hiệu đồ uống từng được coi là niềm tự hào của người Thái gần đây đã nhanh chóng biến thành biểu tượng của sự bất bình đẳng ở quốc gia này, cũng là khởi nguồn gây ra những vụ biểu tình phản đối chính phủ thời gian gần dây. Nguyên nhân xuất phát từ người cháu trai của ông Chaleo, Vorayuth Yoovidhaya. Anh này đã bị buộc tội có liên quan tới một vụ tai nạn giao thông chết người từ 8 năm trước nhưng cho đến giờ vẫn chưa phải đối diện với bất kỳ phiên tòa nào. Người dân Thái cho rằng đây là trường hợp điển hình minh chứng cho sự đối xử đặc biệt của chính phủ với tầng lớp siêu giàu.
"Thế giới xin hãy giúp chúng tôi tẩy chay Red Bull và tất cả những sản phẩm liên quan tới họ. Con trai của gia tộc sở hữu Red Bull được miễn mọi hình phạt ở Thái Lan", nội dung một bài đăng trên Twitter vào tháng 7.
Hashtag #BoycottRedBull bắt đầu lan rộng trên mạng xã hội sau khi phía Tòa án ở Thái Lan nói rằng mọi tội danh với Vorayuth đều được xóa bỏ vào tháng trước.
Vụ tai nạn chết người mà Vorayuth liên đới xảy ra vào tháng 9/2012 khi chiếc Ferrari mà anh này lái đã đâm phải một cảnh sát viên đang đi xe máy, sau đó viên cảnh sát bị kéo lê nhiều mét trước khi tử vong. Nồng độ cồn và cocaine đã được phát hiện trong cơ thể Vorayuth.
Thời điểm đó, phía cảnh sát điều tra nói rằng chiếc Ferrari được lái ở tốc độ 170km/h khi gây ra tai nạn. Lần theo dấu vết dầu loang vì tìm tới dinh thự nhà Vorayuth, một người hầu của anh này đã bất ngờ ra nhận tội với cảnh sát là người lái chiếc Ferrari nhưng "âm mưu" tráo người đã không trót lọt. Ngay sau đó, gia đình Vorauth đã trả cho gia đình viên cảnh sát xấu số 100.000 USD.
Vorayuth đã bị tạm giữ nhưng sau đó được thả và chưa từng tham dự bất kỳ phiên tòa xét xử nào. Anh ta đã rời Thái Lan bằng máy bay riêng. Báo chí đã phanh phui cuộc sống phóng túng của anh này tại Anh mặc cho sự phẫn nộ của người dân quê nhà. Sự xuất hiện thường xuyên của anh ta tại những giải đua Công thức 1 để cổ vũ đội Red Bull cũng làm thổi bùng thêm ngọn lửa tức giận.
Vụ án đột ngột gây xôn xao trở lại khi những bằng chứng mới được đưa ra vào năm 2016 cho thấy chiếc Ferrari chỉ chạy với tốc độ 70km/h và xe của viên cảnh sát xấu số đã đột ngột cắt ngang làn đường của Ferrari và gây ra tai nạn.
Đến ngày 24/7, nhóm công tố viên đã công bố rằng mọi cáo buộc với Vorayuth đều bị xóa bỏ. Chính lúc này, sự phẫn nộ của người dân đã bùng nổ.
Rắc rối tiếp tục xảy ra khi thông tin tiết lộ rằng T.C Pharmaceutical Industries – công ty sở hữu Red Bull tại Thái Lan vốn có nguồn hỗ trợ lớn với chính phủ Thái.
T.C Pharma đã đưa ra tuyên bố vào ngày 25/7 rằng Vorayuth không liên quan gì tới hoạt động quản lý của công ty.
Mộc Diêp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ