Sắp xếp đơn giản hoá
Theo MarTech, tương lai của thương mại điện tử sẽ được thúc đẩy bởi tính cá nhân hóa (personalization). Bà Tracey Ryan O'Connor, Phó Chủ tịch Tập đoàn Qubit cho hay, để gia tăng lợi nhuận và độ chính xác thông tin, các thương hiệu sẽ phải đơn giản hóa nguồn dữ liệu và nền tảng thương mại điện tử của họ.
“Nhìn chung, các thương hiệu đã thu được lợi nhuận lớn thông qua đầu tư cho hoạt động cá nhân hóa. Tuy nhiên, nền tảng thương mại điện tử và tiếp thị kỹ thuật số phát triển rất phức tạp, dẫn đến xuất hiện nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, đe dọa hiệu quả việc cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa. Do đó, các thương hiệu đã bắt đầu đơn giản hóa hệ thống công nghệ và giảm tải nguồn dữ liệu khách hàng để nắm thông tin cần thiết”, O'Connor cho biết.
Bà nói thêm: “Tôi tin rằng những nỗ lực này sẽ tăng tốc vào năm 2022, lấy đơn giản hóa là động lực thúc đẩy sự đổi mới hơn nữa trong việc cá nhân hóa nhằm thúc đẩy khách hàng khám phá sản phẩm”.
Tính cá nhân hoá mạnh mẽ hơn
Như chúng ta đã thấy, trong các dịp lễ mua sắm gần đây, các sự kiện theo mùa đang kéo dài hơn. Ngày thứ Hai điện tử (Cyber Monday) đã trở thành Tháng điện tử. Và các chương trình khuyến mãi mùa hè trong hội Prime Day của Amazon thực sự giống như “Tuần lễ Prime”.
Năm 2022, hoạt động của người mua hàng sẽ tiếp tục được cá nhân hóa nhiều hơn. Các nhà tiếp thị cần chú ý đến điều này để đạt được lợi thế cạnh tranh.
“Bằng cách kết hợp cá nhân hóa và khám phá sản phẩm, các nhà tiếp thị thương hiệu và nhà bán hàng có thể tận dụng dữ liệu từ các nguồn này, bao gồm cả ý kiến khách hàng để đảm bảo họ điều chỉnh từng lượt truy cập và trải nghiệm ở mọi cấp độ, mọi điểm tiếp xúc trong quá trình mua sắm”, O'Connor nói.
Tối ưu hoá công cụ trí tuệ nhân tạo
O’Connor tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy, tính cá nhân hóa được AI hỗ trợ sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn vào năm 2022”. “Điều này đòi hỏi các mô hình học máy xem xét tất cả hành vi của khách hàng cũng như các nguồn dữ liệu khác nhau để hiểu rõ hơn về người tiêu dùng”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi đã chuyển từ mô hình AI cũ đáp ứng mọi đối tượng sang các thuật toán đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng mà không cần thử nghiệm và nghiên cứu lại sau mỗi lần thay đổi. Ví dụ: các mô hình AI mới có thể được sử dụng để cung cấp quảng cáo sản phẩm dựa trên vị trí, hành vi của bạn hoặc thậm chí là dựa trên thời tiết”.
Thương mại điện tử hợp nhất với mua sắm truyền thống
Khi hoạt động khám phá sản phẩm được cá nhân hóa, trải nghiệm tại cửa hàng (mua sắm truyền thống) và mua sắm trực tuyến sẽ hợp nhất. Để hiểu rõ xu hướng này sẽ diễn ra ra sao trong năm tới, cần lưu ý rằng, thương mại điện tử sẽ là động cơ thúc đẩy sự hợp nhất này.
“Khi mua sắm truyền thống và trực tuyến hợp nhất, thương mại điện tử sẽ bùng nổ vào năm 2022”, O’Connor nói và nhấn mạnh: “Trong khi người mua sắm đang quay trở lại các cửa hàng thực, chúng tôi không nhận thấy sự suy giảm trong mua sắm trực tuyến - trên thực tế, chúng tôi đang thấy sự tăng trưởng liên tục.
Năm 2021, nhiều người bắt đầu tiến trình mua sắm trực tuyến, tìm kiếm sản phẩm họ mong muốn ở mức giá tốt nhất và sau đó giao dịch thực tế diễn ra tại cửa hàng. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, mua sắm trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục nở rộ vì hành vi này hiện đã ăn sâu và trở thành thói quen của người tiêu dùng”.
O’Connor giải thích: “Năm 2022, các thương hiệu sẽ phải thích ứng với mua sắm kết hợp trực tuyến và truyền thống để phù hợp với những bước phát triển vượt bậc mà thương mại điện tử đã đạt được trong hai năm qua”.
Ảnh minh hoạ
Tiếp cận toàn diện với bán hàng truyền thống
Nikki Baird, Phó Chủ tịch phụ trách Đổi mới bán lẻ của Aptos mong đợi một cách tiếp cận toàn diện đối với bán hàng truyền thống kết hợp thương mại điện tử và cho phép khách hàng số nhận được những gì họ muốn khi đến mua hàng.
Baird cho biết: “Trước khi xảy ra đại dịch, mọi người rất quan tâm đến khái niệm cửa hàng trải nghiệm, đây gần như là phương thức cạnh tranh với kênh bán hàng trực tuyến. Vì vậy, năm 2022, chúng ta sẽ thấy các nhà bán lẻ theo đuổi phương thức bán hàng trải nghiệm này”.
Baird gợi ý, một công cụ mà các nhà bán lẻ có thể sẽ áp dụng rộng rãi là “phòng thay đồ ảo”. Khách hàng sẽ mang theo tất cả sản phẩm dưới dạng số hóa mà họ sở hữu từ nhà bán lẻ đó. Họ có thể tham khảo các sản phẩm này khi tiến hành mua sắm, hoặc cũng có thể lưu trữ vào kho hàng.
Trao quyền cho các cộng tác viên bán hàng
Baird cho hay: “Vẫn có một tỷ lệ lớn người mua sắm đến các cửa hàng để nhờ tư vấn từ cộng tác viên. Năm 2022, các nhà bán lẻ nên tìm cách nâng cao vai trò của cộng tác viên trong trải nghiệm cửa hàng và tận dụng các công nghệ di động để hỗ trợ điều này.
Chắc chắn, các nhà bán không muốn thất bại khi chuyển đổi giữa mua sắm số và truyền thống. Do vậy, Baird gợi ý: “Các cộng tác viên bán hàng cần được đào tạo phương thức bán hàng số để đóng góp vào trải nghiệm khách hàng”.
Nâng cấp công nghệ thông tin
Khi ngày càng nhiều cửa hàng truyền thống vẫn mở ra, bối cảnh mua sắm số sẽ đòi hỏi sự đầu tư, nâng cấp công nghệ thông tin để cá nhân hóa, tối ưu hóa và tăng cường trải nghiệm. Những thách thức về chuỗi cung ứng trong năm qua cùng với kỳ vọng của người tiêu dùng tăng lên, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải cung cấp thông tin chính xác về những mặt hàng có sẵn để mua và khi nào chúng có thể được giao.
Baird nói: “Đã đến thời điểm các nhà bán lẻ nhận thức rằng họ không thể làm giả được nữa. “Họ phải hiểu đúng những điều cơ bản - và điều này bao gồm khả năng hiển thị hàng tồn kho theo thời gian thực. Nếu các nhà bán lẻ không thể cung cấp khả năng hiển thị hàng tồn kho theo thời gian thực họ sẽ thất bại”.
Quảng cáo giúp mua sắm dễ dàng hơn
Cá nhân hóa và khả năng hiển thị theo thời gian thực đối với hàng tồn kho sẽ tác động đến quảng cáo, tạo thuận lợi hơn cho việc mua sắm hàng hóa.
“Quảng cáo hiện đang đóng vai trò lớn hơn bao giờ hết, đặc biệt khi thói quen mua sắm tại nhà đang ảnh hưởng đến các vấn đề của chuỗi cung ứng“, Oz Etzioni, Giám đốc điều hành của nền tảng Clinch cho biết.
“Quảng cáo còn cung cấp cho các nhà bán lẻ thông tin về sở thích của người tiêu dùng, phục vụ các chiến dịch marketing trong tương lai”.
Các kênh như email và SMS từ lâu đã sử dụng dữ liệu được cá nhân hóa để phù hợp với khách hàng và tăng doanh số. Các yếu tố cá nhân hóa này sẽ được tích hợp nhiều hơn trong quảng cáo hiển thị hình ảnh và quảng cáo truyền hình vào năm 2022.
Đa dạng hoá các hoạt động thương mại xã hội
Các nền tảng truyền thông xã hội từ lâu đã trở thành thông tin truyền miệng có giá trị cho các thương hiệu và sản phẩm. Trong năm 2022, đây sẽ là phương thức để đem lại doanh thu.
Rob Van Nuenen, Giám đốc điều hành nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử Channable cho biết: “Đa dạng hóa hoạt động mua sắm trên mạng xã hội sang các kênh mới sẽ là chìa khóa quan trọng. Tik Tok có thể tạo ra gần 2 tỷ người dùng vào năm 2022, trong khi Instagram và Pinterest cũng đang cung cấp trải nghiệm thương mại xã hội. Doanh thu từ thương mại xã hội đã sẵn sàng đạt tới 50 tỷ USD, vì vậy điều quan trọng là phải tạo ra một chiến lược sử dụng các kênh này”.
Các nhà tiếp thị sẽ tăng chi tiêu cho quảng cáo trên truyền thông xã hội bằng cách kết hợp “bằng chứng xã hội” (nhận xét và đánh giá do người dùng tạo) và quảng bá các sự kiện đặc biệt hay các chiến lược tương tác khác, theo Rosa Hu, Phó chủ tịch Tiếp thị Sản phẩm của Yotpo.
“Quan hệ đối tác gần đây của TikTok với Shopify - và khả năng mua hàng trên ứng dụng - sẽ mang lại cho các thương hiệu lợi tức chi tiêu quảng cáo tốt hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh vào năm 2022,” Hu nói.
Tóm lại, để gặt hái lợi nhuận, các nhà tiếp thị cần nhanh chóng nghiên cứu thực hiện chiến lược cá nhân hóa, tối ưu hóa quảng cáo và đẩy mạnh tương tác trên mạng xã hội nhằm xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với khách hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp thị trong năm 2022.