Gần đây, các hộ dân ở nhiều khu đô thị thuộc địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, ở địa bàn này nhiều ngày nay đã xảy ra sự cố nước có mùi lạ, sốc như mùi hóa chất. Tuy nhiên giải đáp về vấn đề này, ông Vũ Đức Toản, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư nước sạch sông Đà khẳng định: nhà máy nước sạch sông Đà đang vận hành bình thường theo đúng quy trình "đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".
CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (mã VCW) tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex. Tháng 3/2009 Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập theo Quyết định của Hội đồng quản trị Tổng Công ty.
Cuối năm 2009, VCW được cổ phần hóa và lấy tên là CTCP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco). Một năm sau đó, Vinaconex đã chuyển nhượng 21,8 triệu cổ phần tại VCW (43,6% vốn) cho Công ty Acuatico Pte Ltd của Singapore. Sau 6 năm gắn bó, vào tháng 4/2016, Acuatico Pte Ltd bất ngờ công bố thoái toàn bộ phần vốn cho một doanh nghiệp trong nước là CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái.
Đến tháng 12/2017, Vinaconex tiếp tục thoái toàn bộ 25,5 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn tại VCW cho CTCP Cơ điện lạnh (REE) và CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái, thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó REE đã mua 17,3 triệu cổ phần và CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái mua gần 8,2 triệu cổ phần với cùng mức giá khởi điểm là 39.904 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì đến tháng 1/2018 CTCP Đầu tư và phát triển sinh thái cũng đã tiến hành bán hết số cổ phần nắm giữ tại VCW. Trong khoảng thời gian thay máu cổ đông, VCW cũng đã đổi tên thành CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà. Ở diễn biến ngược lại, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex lại tỏ ra khá mặn mà với Nước sạch Sông Đà khi liên tục gom vào lượng lớn cổ phiếu VCW của công ty này.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ cấu cổ đông của Nước sạch Sông Đà khá cô đặc khi phần lớn tỷ lệ sở hữu chỉ nằm trong tay hai công ty là Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (60,46%) và CTCP Cơ điện lạnh (35,88%).
Mặc dù gắn liền với bê bối vỡ ống nước song hiệu quả hoạt động của Viwasupco đứng trên góc độ đầu tư là không phải bàn cãi. Cụ thể, năm 2015, công ty này phải đối diện với 6 lần sự cố vỡ đường ống nước truyền tải Sông Đà, bên cạnh đó còn có biến động tỷ giá rất lớn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhưng VCW vẫn báo lãi 147,2 tỷ đồng, cao hơn 35% so với kế hoạch đề ra.
Từ năm 2016 đến nay, VCW vẫn liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, năm 2016, công ty đạt lợi nhuận 161 tỷ đồng nhưng đến năm 2018 con số này đã tăng lên hơn 218 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng 35,5%. Đà tăng tiếp tục kéo dài sang nửa đầu năm 2019 nhờ vào hoạt động cấp nước đạt hiệu quả cao.
|
Cụ thể, nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của công ty đạt 263,6 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là doanh thu cấp nước đạt đến 257 tỷ đồng, còn lại là doanh thu hợp đồng xây dựng 4,9 tỷ đồng. Trong kỳ ghi nhận sự giảm mạnh của các khoản chi phí, trong đó, chi phí tài chính giảm gần 4 tỷ đồng, dẫn đến lãi sau thuế của công ty đạt 126,5 tỷ đồng, tăng 31% so với nửa đầu năm 2018.
Năm 2019, công ty đề ra kế hoạch đạt 476,2 tỷ đồng doanh thu và 75,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 55,3% kế hoạch doanh thu và 167% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của công ty đạt 1.477 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 20%, chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn 158,5 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 1.175 tỷ đồng, bao gồm tài sản cố định 548 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 620,5 tỷ đồng và tài sản dài hạn khác 6,5 tỷ đồng. Trong đó, theo thuyết minh BCTC, cuối tháng 6/2019, tài sản cố định là nhà cửa, vật liệu kiến trúc, máy móc thiết bị với giá trị còn lại khoảng 526 tỷ đồng đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Hồ. Đây là khoản vay cho dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây-Hòa Lạc-Xuân Mai-Miếu Môn-Hà Nội-Hà Đông.
Bên kia bảng cân đối kế toán, công ty có 453,4 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 30,6% tổng nguồn vốn. Chiếu theo thuyết minh tài chính thì Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Tây Hồ đang là chủ nợ lớn nhất của VCW với khoản tiền hơn 320 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu VCW hiện đang giao dịch quanh mức 33.000 đồng/cổ phiếu, tăng 3% kể từ thời điểm đầu năm.
Theo Nhà đầu tư