Đang xét xử vụ Tập đoàn FLC kiện báo điện tử Giáo Dục Việt Nam

DTVN 11:23 30/09/2019

Sáng 30-9, TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội đã đưa vụ án kinh doanh thương mại giữa Công ty CP tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo Giáo dục Việt Nam.

Theo đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, ngày 1-10-2018, Báo Giáo dục Việt Namđã đăng tải bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng".

Tuy nhiên, Tập đoàn FLC cho rằng thông tin đăng trên báo về việc tập đoàn "vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền" cho 2 hợp đồng với Công ty CP tập đoàn xây dựng Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) là sai sự thật.

Đại diện LS phía FLC

Tập đoàn FLC và Công ty Hòa Bình vẫn đang trong quá trình đàm phán, trao đổi để thực hiện 2 hợp đồng trên.

Đến nay, việc thanh, quyết toán 2 hợp đồng trên chưa thực hiện được là do giữa 2 bên còn tồn tại một số bất đồng. Vì vậy, những thông tin được đăng tải tại bài viết: "Tập đoàn FLC còn nợ vốn gốc của Công ty Hòa Bình là 213 tỉ đồng Việt Nam" và bài viết "Mặc dù Công ty Hòa Bình đã gửi tới 13 công văn yêu cầu Tập đoàn FLC giải quyết thanh toán công nợ nhưng đến nay FLC vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền" là những thông tin sai sự thật.

Tập đoàn FLC cho rằng báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có hành vi cố ý đưa tin không chính xác, đưa thông tin mang tính chất tiêu cực, trực tiếp xâm phạm uy tín của Tập đoàn FLC, khiến đối tác và thị trường đánh giá, nhìn nhận không đúng về Tập đoàn FLC, từ đó gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động của Tập đoàn FLC.

Do đó, Tập đoàn FLC đã khởi kiện báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, đòi bồi thường 14 triệu đồng.

Đại diện Báo GDVN tại phiên tòa

Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng đề nghị tòa tuyên buộc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam phải gỡ bỏ tất cả các bài viết đưa thông tin không chính xác, công khai xin lỗi Tập đoàn FLC trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về phía mình, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết hoan nghênh Tập đoàn FLC khởi kiện và coi đó là hành vi văn minh.

Tại tòa, đại diện Công ty Hòa Bình cho biết họ gửi đơn tới nhiều cơ quan báo chí và khẳng định nội dung bài đăng trên Báo GDVN là hoàn toàn đúng với nội dung họ phản ánh.

Tiếp lời, vị này khẳng định khi gửi đơn, họ không có động cơ gì. Về câu hỏi "ông hiểu chây ì là như nào" mà luật sư của nguyên đơn đặt ra với mình, đại diện Công ty Hòa Bình cho biết họ chỉ là người đi làm thuê, sản phẩm đã hoàn thành, được sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa trả họ tiền.

"Chây ì là nợ không chịu trả, chây ì, thoái thác", đại diện Công ty Hòa Bình nói.

Công ty này cũng khẳng định không có chủ trương dùng việc gửi đơn để giải quyết tranh chấp hợp đồng vì bản thân họ không coi đó là tranh chấp mà đó là công nợ FLC phải trả họ.

Nhà báo Nguyễn Hoàng - tác giả bài viết khi được hỏi cũng khẳng định mình đã liên hệ với bà Hương Trần Kiều Dung, phó chủ tịch HĐQT FLC, liên hệ với người được bà Dung giao trả lời, gửi mail câu hỏi.

Tuy nhiên, anh đã không nhận được thông tin, phản hồi từ phía FLC.

Luật sư Trần Thu Nam - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho FLC đã đặt thêm câu hỏi với nhà báo Nguyễn Hoàng về việc khi liên hệ với bà Dung có gì để chứng minh rằng nhà báo là nhà báo thật? Khi gửi email thì có kèm theo thẻ nhà báo, giấy giới thiệu để doanh nghiệp tự tin, cung cấp tài liệu?

"Nhà báo có cung cấp gì cho FLC chứng minh mình là nhà báo?", luật sư Nam đặt câu hỏi. Nhà báo Nguyễn Hoàng cho biết khi xác minh, anh có nói mình là ai chứ. Câu hỏi này sau đó bị chủ tọa ngắt lời vì vấn đề này thuộc trách nhiệm của người được hỏi.

Sau khi các bên hỏi nhau xong, chủ tọa hỏi liệu vụ kiện này có thể giải quyết bằng biện pháp hòa giải hay không? Đại diện FLC cho biết trường hợp Báo GDVN ghi nhận sai phạm của mình, tiến hành xin lỗi công khai, dỡ bỏ bài báo thì mới hòa giải được.

Đại diện Báo GDVN cho biết họ chỉ có thể thương lượng trong trường hợp tập đoàn FLC rút toàn bộ đơn khởi kiện. "Nếu trong trường hợp FLC rút đơn khởi kiện, báo có dỡ bỏ bài đăng không", chủ tọa hỏi.

Đại diện Báo cho biết theo quy định, báo không có thẩm quyền quyết định rút bài. Vị này tiếp tục khẳng định thông tin tại bài báo là hoàn toàn chính xác.

Khi bị HĐXX hỏi về mặt quy định của pháp luật, giấy phép đăng ký kinh doanh cho một đơn vị kinh doanh 1 số mặt hàng nghành nghề mà đơn vị đó lại kinh doanh không đúng mặt hàng, ngành nghề đó thì liệu có đúng theo quy định của pháp luật không.

Đại diện Báo khẳng định lại "cho đến nay bài báo đó vẫn là một bài báo hợp pháp, được sản xuất đúng quy trình".

Về câu hỏi của HĐXX, vị này khẳng định hoạt động báo chí theo quy định của hiến pháp, luật phòng chống tham nhũng, luật báo chí… trong đó giấy phép chỉ là giấy phép con.

Cơ quan này đang khiếu nại quyết định xử phạt của Cục Báo chí vì trong giấy phép của họ có tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực giáo dục và phổ biến giáo dục pháp luật trong các trường đại học, cao đẳng.

"Chúng tôi cho rằng câu chuyện của Hòa Bình và Tập đoàn FLC là một trường hợp điển hình về thực hiện pháp luật và cần phải lấy đó làm bài học cho các học sinh, sinh viên của chúng tôi trong các trường học để rút kinh nghiệm cho bản thân mình, nếu kinh doanh thì phải kinh doanh cho nghiêm túc", đại diện Báo GDVN nói và cho biết đó là mục đích của họ khi thực hiện bài viết này nhưng vẫn bị Cục Báo chí xử phạt, họ đang khiếu nại.

Hiện phiên tòa đang diễn ra. Chúng tôi tiếp tục cập nhật.

Chi tiết xem trên các báo Giáo dục - Tuổi trẻ.

Bạn đang đọc bài viết Đang xét xử vụ Tập đoàn FLC kiện báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tại chuyên mục Tin tức 24h. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức 24h
Tin tức mới nhất