Chị Hồng, con dâu NSND Trần Hạnh xác nhận với PV, NSND Trần Hạnh trút hơi thở cuối cùng vào 2h50 sáng 4/3 tại nhà riêng bên gia đình. Vài năm gần đây, NSND Trần Hạnh ít tham gia phim ảnh dù được rất nhiều đạo diễn mời, nhưng sức khoẻ không cho phép.

Ông qua đời do tuổi cao sức yếu và hiện gia đình đang tổ chức trợ niệm theo nghi thức của Phật giáo.

Hơn 2 năm nay, sức khỏe của NSND Trần Hạnh xuống dốc, mắt phải của ông hỏng hoàn toàn, thị lực mắt trái chỉ còn 30%. Tay, chân yếu dần khiến NSND Trần Hạnh phải từ bỏ việc đi xe máy. Dù di chuyển chậm chạp, khó khăn hơn trước, nghệ sĩ cố gắng tự lo mọi sinh hoạt hàng ngày.

Căn nhà rộng 20 m2 ở phố Linh Lang của gia đình ông bố trí tầng một để xe máy, bàn tiếp khách, phòng ăn ở tầng hai, phòng ngủ của ông tầng ba, hai vợ chồng con trai ở tầng bốn. Thỉnh thoảng, ông phải nhờ người dìu xuống vì chân chậm, tay run.

Sáng sáng, con dâu chở NSND Trần Hạnh ra cửa hàng ở ga Trần Quý Cáp ngồi chuyện trò, hàn huyên với bạn bè cho đỡ buồn. Buổi chiều, ông ở nhà nghỉ ngơi. Vốn là người thích đi đây đi đó, nghệ sĩ ví von cảnh ở nhà một mình "bí bách như đi tù".

NSND Trần Hạnh.

NSND Trần Hạnh xuất thân là công nhân đóng giày. Sáng sáng, Trần Hạnh làm việc ở xưởng, tối về sinh hoạt ở Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội cùng những người bạn như Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Đoàn Dũng, Trần Minh Ngọc. Sau này, ông về Đoàn Kịch Hà Nội, chấp nhận cuộc sống chật vật với vài chục đồng lương mỗi tháng.

NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, là nghệ sĩ gạo cội, gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội từ khi tốt nghiệp tới nghỉ hưu năm 1989. Trên sân khấu, nghệ sĩ Trần Hạnh có nhiều vai diễn xuất sắc qua với vở như “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Tiền tuyến gọi”, “Già kén”, “Âm mưu và tình yêu”.
Là gương mặt nghệ sĩ gạo cội, nhưng ông lại lận đận để có được danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Ông là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước trao tặng năm 1994. Sau hơn 20 năm, cho tới ngày 29.8.2019, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Ông nổi tiếng với các vai diễn và rất được khán giả nhiều thế hệ yêu quý, như ông bí thư đảng ủy trong phim “Làng nổi”, bố An trong phim "Truyện cổ tích tuổi 17", bố Lài trong "Tướng về hưu", ông Khiển trong phim "Người cầu may", ông Lâm trong phim "Chiếc bình tiền kiếp", bố Mai trong phim "Hãy tha thứ cho em"... Năm 2017, ông còn tham gia một vai nhỏ trong phim điện ảnh “Cha cõng con”.

Trên sân khấu, nghệ sĩ Trần Hạnh có nhiều vai diễn xuất sắc qua với vở như “Lam Sơn tụ nghĩa”, “Tiền tuyến gọi”, “Già kén”, “Âm mưu và tình yêu”.

Diễn xuất của nghệ sĩ Trần Hạnh được giới trong nghề, đồng nghiệp cùng thời ghi nhận. Ông từng giành Huy chương vàng với vai Nguyễn Trãi trong “Lam Sơn tụ nghĩa”. Khi ấy, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng nói trong số các diễn viên đóng vai Nguyễn Trãi, Trần Hạnh toát lên phong thái hào hoa của người Hà Nội.
Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 11, Nghệ sĩ Trần Hạnh đã giành giải Nam diễn viên diễn viên xuất sắc nhất" với vai diễn trong phim "Nước mắt đàn bà". Năm 2010, ông cũng nhận được giải cống hiến cho phim “Ngõ lỗ thủng” của đạo diễn Quốc Trọng.
T.Mai (TH)/SHTT
Bạn đang đọc bài viết NSND Trần Hạnh qua đời sáng 4/3 ở tuổi 92 tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống
Tin tức mới nhất