Theo dự thảo Thông tư quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ,Bộ Công an đề xuất, với trường hợp trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân (mua hoặc được cho, tặng, điều chuyển) tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, chủ xe phải nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe. Nếu cùng tỉnh, chủ xe chỉ phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký; Phương tiện mang biển số loại cũ (biển chỉ có 3 số) phải nộp cả đăng ký và biển số.
Bộ Công an cũng quy định, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân (mua, được điều chuyển, cho, tặng xe) phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định.
Đối với trường hợp sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục.
|
Không phải đưa xe đến kiểm tra, ghi số định danh cá nhân, số hóa đơn điện tử, tên doanh nghiệp bán xe vào giấy khai sang tên di chuyển để cán bộ đăng ký xe kiểm tra thông tin của người đến đăng ký xe trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trường hợp chưa kết nối cơ sở dữ liệu với cơ quan đăng ký xe, phải xuất trình giấy tờ theo quy định.
Khi đăng ký xe từ tỉnh khác chuyển đến, chủ xe ghi số định danh cá nhân, mã hồ sơ lệ phí trước bạ điện tử để cán bộ đăng ký xe kiểm tra trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trao đổi với Lao Động, trung tá Phạm Việt Công - Trưởng Phòng đăng ký xe Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, cho biết: Hiện nhiều người khi mua - bán xe không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu dẫn đến tình trạng xe của chủ cũ bán cho chủ mới đi nhưng trên hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn chưa cập nhật.
Việc quy định chủ xe khi bán phải nộp lại đăng ký, biển số xe nhằm gắn trách nhiệm cho chủ phương tiện để nắm thông tin phục vụ việc quản lý xe, gửi thông báo vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến phương tiện khi lưu thông.
Theo giải thích của trung tá Phạm Việt Công, thực tế khi người bán xe cho người mới là họ cho rằng đã hết trách nhiệm. Người mua tự sang tên, hoặc cứ để tên cũ. Việc này gây khó khăn cho quá trình quản lý phương tiện, xử lý các hành vi vi phạm mà phương tiện gây nên.
"Khi chủ phương tiện mới gây tai nạn hoặc dùng phương tiện vi phạm pháp luật, nếu phương tiện vẫn đăng ký tên chủ cũ, ngoài việc cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác minh, ngay cả người chủ cũ cũng cảm thấy phiền hà", trung tá Công cho biết.
Vì vậy, trước khi bàn giao xe cho tổ chức, cá nhân (mua hoặc được cho, tặng, điều chuyển) tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, chủ xe phải nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe. Nếu cùng tỉnh, chủ xe chỉ phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký. Xe mang biển số loại cũ (biển chỉ có 3 số) phải nộp cả đăng ký và biển số.
Đối với các xe mua bán, di chuyển trong cùng tỉnh thì chỉ cần nộp đăng ký, không cần nộp biển số vì sau khi chuyển đăng ký thì người chủ mới vẫn sử dụng biển số xe đó theo quy định. Trường hợp biển 4 số mà chủ xe không muốn đổi sang 5 số thì chủ xe đề xuất và công an sẽ bấm cấp lại biển số như quy định của bộ.
Theo trung tá Phạm Việt Công, việc nộp lại đăng ký, biển số mới chỉ là đề xuất. Cơ quan chức năng sẽ tiếp thu ý kiến của người dân để hoàn thiện, phục vụ tốt nhất trong các thủ tục đăng ký, sang nhượng xe cho người dân.
Trung tá Phạm Việt Công cũng cho biết thêm, việc quy định chủ xe khi bán phải nộp lại đăng ký, biển số xe sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn phương tiện, biết những chiếc xe đang di chuyển trên đường là của ai để áp dụng vào công tác xử phạt nguội qua camera hiệu quả hơn.
Để đơn giản hoá thủ tục hành chính cho lĩnh vực này, đại diện Cục CSGT cho biết thêm, hiện nay đơn vị đang cho sao chụp (scan) các bộ hồ sơ của phương tiện trên toàn quốc để đưa lên hệ thống dữ liệu đăng ký xe chung.
Dự kiến đầu năm 2020 khi dữ liệu này có thể chạy thì người dân sẽ không phải làm thủ tục rút hồ sơ khi mua bán xe mà chỉ cần mang hợp đồng mua bán, cán bộ có thể tra trên hệ thống và hoàn thiện hồ sơ cấp biển, đăng ký mới.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ