Phía sau những khoảnh khắc đắt giá ấy là nhiều câu chuyện khó tin của những tay "thợ săn" chuyên nghiệp.
“Cầu Vàng” - Trần Tuấn Việt
|
Ảnh: Trần Tuấn Việt |
Trên hành trình “đưa Việt Nam ra thế giới”, Trần Tuấn Việt hợp tác với Google trong dự án “Kỳ quan Việt Nam” để mang 1.369 ảnh thiên nhiên, văn hóa và ẩm thực Việt lên bảo tàng trực tuyến.
Những bức ảnh cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) của Việt đã xuất hiện nổi bật từ ảnh bìa của dự án. Đặc biệt, tấm ảnh cây cầu chụp bằng flycam còn nhận về giải thưởng cao nhất trong cuộc thi ảnh kiến trúc Architecture 2020 của Agora.
Bức ảnh được chụp lúc 5 giờ sáng, khi chuyến cáp treo đầu tiên còn chưa hoạt động, Trần Tuấn Việt đi đã bộ vòng qua núi để xuống cầu Vàng chụp ảnh. Trên cầu không một bóng du khách, Việt đứng dang tay selfie một tấm bằng flycam.
Anh thú nhận mình chỉ chụp tấm này cho… vui, sau này đổ ảnh ra thấy đẹp quá mới đem đi thi. Việc đặt con người lọt thỏm trong không gian núi non và cây cầu dường như là thủ thuật quen thuộc của tay máy Trần Tuấn Việt.
Anh giải thích rằng đôi mắt trần vốn không thể đo lường những đại cảnh, vậy nên anh đặt cho nó một "thước đo” đó là những thứ quen thuộc nhìn thấy hàng ngày, quen thuộc nhất chính là một con người.
“Tượng Phật trên nóc nhà Đông Dương” - Lê Việt Khánh
|
Ảnh: Lê Việt Khánh |
Ở một đỉnh núi khác – đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai), bức ảnh “Tượng Phật trên nóc nhà Đông Dương” của nhiếp ảnh gia Lê Việt Khánh đã xuất sắc giành Giải 3 thể loại ảnh Kiến trúc, hạng mục Professional, trong cuộc thi ảnh đen trắng uy tín - Monochrome Awards
Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc Đại tượng Phật bằng đồng tại Sun World Fansipan Legend tọa lạc giữa một biển mây huyền ảo và trùng điệp núi rừng. Đây là pho tượng Phật bằng đồng cao và được tạo tác kỳ công nhất Việt Nam, được Sun Group thực hiện bằng những kỹ thuật lần đầu tiên ứng dụng.
Chiều cuối tháng 8/2020, trời mưa và ảm đạm, nhiệt độ trên đỉnh Fansipan chỉ dưới 10 độ. Sau cơn mưa, những đám mây nhỏ bắt đầu liên kết dần và giăng ngang dãy Hoàng Liên Sơn. Bỗng từ dưới vực đùn lên một dải mây lớn. Nó trôi theo hướng gió thổi từ phía Lai Châu, sau lưng Đại tượng Phật, tràn qua bức tượng sang bên còn lại.
"Siêu phẩm đây rồi" - Khánh reo lên trong đầu. Anh đã thu được khoảnh khắc đám mây kỳ lạ tràn qua chân và phủ kín hết cả vùng núi, giống như Đại tượng Phật đang ngồi trên mây.
Đám mây đi qua sau một vài phút, trả lại bầu trời quang đãng. Lê Việt Khánh thì sung sướng đến quên cả việc anh đang đứng một mình trên độ cao 3.143m giữa tiết trời rét mướt.
“Đêm trên Vịnh Hạ Long” - Lê Việt Khánh
|
Ảnh: Lê Việt Khánh |
Một kỳ quan đá đứng giữa biển trời, chìm trong sắc xanh tím huyền hoặc và vũ điệu ánh sáng từ những chiếc du thuyền sang trọng. “Đêm trên Vịnh Hạ Long” của Lê Việt Khánh từng xuất hiện trong vô số ấn phẩm du lịch quốc tế, đạt giải trong cuộc thi ảnh "Khám Phá Việt Nam".
Gọi là “đêm” trên vịnh, thế nhưng bức ảnh này được ghi lại vào khoảnh khắc mặt trời chỉ vừa mới lặn xuống đỉnh núi.
Khoảnh khắc Khánh chờ đợi được giới chuyên môn gọi là "giờ xanh". Mặt trời vừa lặn, ánh sáng đang ở độ hoàn hảo nhất, nhưng cũng vừa đủ tối để những du thuyền trên vịnh đồng loạt bật sáng đèn. Khánh chỉ có 5 phút để ghi lại cảnh này. Từng ấy thời gian đủ cho một khoảnh khắc du thuyền Hạ Long hút hồn du khách quốc tế được ra đời.
Cơn sốt cầu Vàng trên Instagram - Jason Goh
|
Ảnh: Jason Goh |
Ít ai biết rằng người tạo nên “cơn sốt” cầu Vàng lớn khủng khiếp trên các mạng xã hội không phải một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thậm chí không phải một người Việt Nam mà là một vị khách du lịch từ Malaysia - Jason Goh.
Bức ảnh chụp cầu Vàng của Jason trên Instagram đạt hơn 30.000 lượt thích chỉ trong vòng 3 tuần. Những kênh du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới đều đưa lại bức hình, mỗi bài đăng lại thu về hàng trăm chục nghìn lượt tương tác:: "Đây là đâu?"; "Địa danh này có thật không vậy?"; "Chúng ta phải đi Việt Nam thôi"...
Cuối tháng 7/2018, Jason đưa bố mẹ tới Việt Nam du lịch trong một tuần. Lúc đến Sun World Ba Na Hills, Jason hơi bất ngờ vì Cầu Vàng đông người quá. Anh chụp mãi chưa ưng ý. Sau đó, anh lùi về góc cuối cầu và bay flycam để chụp. Một bức hình đẹp đến nghẹt thở đã ra đời.
Cây cầu Vàng được ôm trọn bởi thiên nhiên bao la, hùng vĩ của Bà Nà, dưới cái nắng hửng nhuộm hồng chân trời khiến bất kỳ người xem nào cũng bị hớp hồn. Với sức lan tỏa khủng khiếp, hình ảnh đã khởi nguồn cho “cơn sốt cầu Vàng” ghi tên Đà Nẵng, Việt Nam vào danh sách những điểm đến phải ghé qua một lần trong đời.
Bức ảnh cầu Vàng trên Reuters - Nhà báo Huy Khâm
|
Ảnh: Huy Khâm |
Rất nhanh sau đó, bài báo với những hình ảnh tường tận về Cầu Vàng “Giant hands hold Vietnam's Golden Bridge” của cựu phóng viên ảnh Huy Khâm xuất hiện bùng nổ trên Reuters.
Bức ảnh bàn tay đá nâng đỡ “dải lụa” vàng nhanh chóng trở thành “Bức ảnh được xem nhiều nhất trong ngày” trên Reuters. Sau 1 tháng, ảnh lại nằm ngay đầu danh sách “Những bức ảnh nổi bật tháng 8”.
Trong loạt ảnh còn có một tấm vượt ra ngoài khuôn khổ của ảnh thắng cảnh thông thường. Bức ảnh thu lại cảnh đôi bàn tay khổng lồ nằm giữa nền trời âm u sau cơn mưa, phía sau là cầu vồng và đám mây lơ lửng như khói xịt lên từ những ngón tay.
Kể về quá trình sản xuất những bức ảnh này, Huy Khâm cho biết anh chuẩn bị rất kỹ ngay khi nhận được yêu cầu đưa tin về cầu Vàng. Ngủ một đêm trên Sun World Ba Na Hills để hôm sau đi bộ xuống từ sớm chụp những bức ảnh cầu không người, những hành khách đầu tiên, ngang dọc mọi góc của cây cầu.
Tới giờ chiều, anh lại ra cầu chờ đợi sự thay đổi thời tiết của Bà Nà. Đến khi hoàng hôn, trời bất ngờ đổ mưa rồi ngớt rất nhanh. Một cảnh kỳ ảo bất ngờ xuất hiện: Giữa nền trời bao la, ánh nắng hoàng hôn rất gắt chiếu xiên chéo xuống cây cầu, mây vần vũ và cầu vồng kép hiện lên. Đây chính là bức ảnh anh thích nhất trong một ngày tác nghiệp.
Trong 5 bức ảnh đưa Việt Nam tới thế giới, có đến 4 bức chụp tác phẩm do bàn tay con người tạo tác; những biểu tượng mới của du lịch Việt Nam. Và, bằng cách làm nghệ thuật tâm huyết, các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên, đã biến nó thành thông điệp có sức lan tỏa mạnh mẽ, về hình ảnh một Việt Nam của thế kỷ mới hấp dẫn và đầy tự hào.