Mất nghề
Vào mùa cao điểm du lịch, dù nóng nắng như thiêu đốt nhưng anh Trần Đình Chiến (28 tuổi) – hướng dẫn viên của CTCP Đầu Tư Du Lịch Toàn Cầu vẫn tất bật ngược xuôi với những tour du lịch. Thậm chí, nhiều khi “đắt tour” anh phải đi liên tục, có hôm vừa đặt chân đến nhà, chưa kịp thay quần áo đã phải tiếp tục hành trình với những tour mới.
Tuy nhiên, đó chỉ là những hồi tưởng của anh Chiến về công việc hướng dẫn viên cách đây 2 năm trước. Hiện tại, viễn cảnh ấy đối với anh và những người làm trong ngành du lịch đã quá xa vời.
Bởi, công ty anh đã tạm dừng hoạt động từ đợt dịch bùng phát hồi Tết Nguyên đán. Đối với hướng dẫn viên du lịch làm việc theo hợp đồng, lĩnh lương theo từng tour như anh thì nghỉ việc đồng nghĩa với thất nghiệp và không có thêm bất cứ khoản trợ cấp nào khác.
Sau một tháng tạm nghỉ việc, thấy tình hình dịch không khả quan, anh xin vào làm lễ tân trong một khách sạn với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng.
“Mức thu nhập hiện tại chỉ bằng 1/6 so với việc đi dẫn tour trước đó, nhưng trong lúc chờ dịch bệnh lắng xuống để tiếp tục công việc cũ, tôi vẫn cần tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày”, anh chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Văn Mạnh (30 tuổi) cũng phải ngậm ngùi từ bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch, chuyển sang bán cơm online. Anh cho biết, dù bị “dập tơi tả” từ những đợt dịch trước, song anh và nhiều đồng nghiệp vẫn cố gắng gượng bám trụ với hy vọng du lịch sẽ có cơ hội phục hồi vào dịp nghỉ lễ, nghỉ hè.
Thế nhưng, đợt dịch bùng phát lần này đã dập tắt hoàn toàn hy vọng của anh. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng khiến anh phải từ bỏ công việc yêu thích gắn bó suốt 8 năm trời.
“Không chỉ riêng tôi, nhiều đồng nghiệp cũng không còn đủ kiên nhẫn với nghề. Nhiều người đã chuyển hướng sang bán hàng online, môi giới bất động sản,.. những việc mà trước giờ chúng tôi chưa từng nghĩ đến”, anh Mạnh chia sẻ.
Cầm cự qua ngày
Theo số liệu từ Sở Du lịch TP.HCM, tính đến hết tháng 5/2021 chỉ còn hơn một nửa số doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động cầm chừng, số còn lại đã ngừng hoạt động. Còn tại Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2021, số doanh nghiệp lữ hành dừng đóng cửa tại địa bàn lên đến khoảng 95%.
Cũng theo một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, hiện trên cả nước có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50 - 80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.
Trước những khó khăn đó, mùa hè năm nay được kỳ vọng sẽ là “cú huých” thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm ròng rã chiến đấu với Covid-19. Song, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn đốn khi khách liên tục huỷ, hoãn tour, kế hoạch đề ra cho du lịch hè cũng “tan tành mây khói”.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Trần Văn Long - Giám đốc Công Ty Du Lịch Việt Phong cho biết, công ty đã phải dừng hoạt động từ đầu tháng 5 do ảnh hưởng của dịch.
“Dịch Covid-19 quay trở lại đúng thời điểm vàng của ngành du lịch khiến bao nhiêu kế hoạch của chúng tôi coi như đổ sông đổ bể. Chưa kịp vui mừng khi lượt khách đặt tour tăng vọt trong dịp 30/4 thì dịch bệnh lại tiếp tục ập đến. Hiện, lượng khách dời tour, huỷ tour đã lên tới 70-80% trong dịp hè”, ông Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Lịch - Giám đốc Công Ty Du Lịch Việt Mỹ (Vietmytravel) cũng cho biết, thế mạnh của Vietmytravel từ trước đến nay là các tour du lịch đi Mỹ. Vì vậy, dịch bệnh bùng phát đã khiến hoạt động của Vietmytravel đóng băng hoàn toàn. Đặc biệt, nguồn nhân lực cũng giảm mạnh từ 70 - 80 người vào năm 2020, hiện chỉ còn khoảng 10 người.
Song, doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào những sản phẩm ngắn hạn mang lại nguồn thu để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này. “Để tồn tại trước những khó khăn do dịch bệnh, chúng tôi đang tập trung vào loại hình gói dịch vụ vé máy bay, làm thủ tục, công văn, tìm khách sạn cách ly cho một số khách từ nước ngoài về Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhằm kích cầu du lịch, công ty cũng triển khai các tour du lịch kết hợp tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Mỹ, song vướng mắc nhiều vấn đề về điều kiện nhập cảnh nên công ty đã tạm ngừng”, Giám đốc Vietmytravel cho hay.
Vị lãnh đạo này cũng mong muốn tiếp cận được những gói hỗ trợ của Nhà nước như giảm thuế, vay vốn với lãi suất thấp để góp phần tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện tại.
Kiên trì với những giải pháp phục hồi du lịch
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bà Nguyễn Thị Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, đợt bùng dịch lần này khiến các doanh nghiệp du lịch khó khăn chồng chất khó khăn.
“Trong thời gian qua, Nhà nước đã triển khai nhiều gói hỗ trợ cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng những chính sách đó áp dụng chung cho tất cả các ngành nên không thực sự phù hợp với thực tế ngành du lịch.
Vì vậy, mới đây Hiệp hội cũng đã có kiến nghị hỗ trợ về thuế, tín dụng, bảo hiểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn.
Song, theo tôi, những giải pháp đó chỉ mang tính ngắn hạn, quan trọng nhất là việc triển khai xã hội hoá chương trình vaccine để đẩy lùi lịch bệnh. Một khi vaccine được sử dụng rộng rãi, ngành du lịch có thể nhanh chóng phục hồi”, bà Khánh chia sẻ.
Cũng bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nguyên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, bên cạnh những gói hỗ trợ từ Nhà nước, chủ động và sáng tạo chính là “chìa khoá vàng” giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch.
|
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nguyên cứu Phát triển Du lịch |
Cụ thể, các doanh nghiệp cần tìm cho mình những giải pháp phù hợp, ví dụ như việc cơ cấu lại sản phẩm du lịch, xem xét thị trường, chuyển đổi hình thức tiếp thị qua nền tảng trực tuyến để thích ứng với hoàn cảnh.
Hiện tại, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cũng đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giúp ngành du lịch ứng phó với dịch Covid-19.
Theo Người đưa tin pháp luật