Mặc dù không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào nhưng anh Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1987 lại có niềm đam mê đặc biệt với phát minh, sáng chế. Anh nhận thấy bà con làm chè ở địa phương gặp nhiều khó khăn trong canh tác, hiệu quả kinh tế chưa cao và quá vất vả. Vì vậy anh đã sáng chế thành công ra máy cày mini có tính ứng dụng cao, giúp tiết kiệm công lao động.
Anh Cường Chia sẻ: Máy cày Mini của anh chế tạo có thể cày dãy bón phân cho chè, rạch ngô, rạch lạc và kết hợp một phụ kiện nữa có thể bơm nước, đánh cỏ, rất đa năng, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao mà chi phí đầu tư lại thấp. Khi mà qua nhiều lần thất bại thì bây giờ hoàn thành cũng rất mãn nguyện, so với công sức mà mình bỏ ra, bà con nông nhân cũng ủng hộ cái máy của mình thì anh cảm thấy rất là vui sướng.
|
Phú Thọ: Chân dung anh nông dân Nguyễn Mạnh Cường sáng chế máy cày mini phục vụ bà con |
Máy cày Mini của anh Cường được lắp ghép từ hệ thống động cơ máy phát cỏ và hộp số giảm tốc máy rạch nước, tạo thêm bánh xe, khung giúp máy thăng bằng và dễ sử dụng. Để làm ra chiếc máy cày Mini như hiện tại anh đã mất rất nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu từng chi tiết, từng phụ kiện khác nhau. Anh đã mất khoảng 2 năm để hoàn thành chiếc máy cày Mini ưng ý, khi sản phẩm anh làm ra đã giúp người dân giảm được trên 20 lần công lao động và cày được trên mọi địa hình đồi núi, được người dân đón nhận.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng sáng kiến của anh Cường và có thể sẽ hỗ trợ về kĩ thuật để tới đây nhân rộng mô hình, áp dụng trên địa bàn toàn xã.
Trước đó, lão nông Cà Mau Nguyễn Văn Rô (Tư Rô) cũng đã thành công với sáng chế máy cày siêu nhẹ chỉ nặng khoảng 100 kg, chạy được trên nền đất yếu, sình lầy đang giúp nhiều nông dân miền Tây cải tạo đất, làm mô hình tôm – lúa hiệu quả.
Vốn nhạy bén, nên khi trưởng thành ông Tư đã tự mày mò và hành nghề sửa chữa máy móc ở địa phương. Sau đó, ông được đưa vào làm Giám đốc của một Hợp tác xã chuyên về xây dựng của xã. Ông được đi nhiều nơi và nghe người dân than phiền về môi trường ô nhiễm, nuôi tôm ngày càng khó thành công. Từ đó, lão nông bỏ nghề xây dựng để nghiên cứu chế tạo máy cày, giúp nông dân cải tạo đáy ao nuôi.
|
Lão nông Tư Rô và chiếc máy cày siêu nhẹ |
Sau khoảng 1 năm mày mò, cuối năm 2014, ông Tư đã chế tạo ra chiếc máy cày đầu tiên dùng cải tạo đáy ao nuôi tôm công nghiệp. Chiếc máy ông tạo ra nhỏ hơn rất nhiều so với các loại máy cày phổ thông, tuy nhiên, người nuôi tôm công nghiệp đã quen việc cải tạo bằng hóa chất nên không dùng máy cày của ông.
Ông Tư Rô tiến hành cải biến máy cày để phù hợp vùng đất nuôi tôm quảng canh và tôm - lúa. Đặc trưng của các mô hình canh tác này là mương, máng nhiều, nền đất yếu nên ông thay động cơ máy dầu thành động cơ xăng để nhẹ hơn. Ông tính toán tỷ lệ, chế tạo ra cặp bánh lồng gọn hơn. Để máy cày nổi và có thể đi qua các mương, máng ông đã lắp thêm thùng phuy trong bánh.
Chiếc máy cày nặng 180kg này đạt giải ba hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau” lần thứ 3 năm 2015 - 2016 và bắt đầu được người dân biết đến và mua về sử dụng. Đã có thêm những ý kiến đóng góp: thùng phuy dùng trong bánh quá lớn, cày đất thịt lưỡi bị dính... ông tiếp nhận tất cả để rồi thiết kế thêm một ụ sắt nhỏ trên lưỡi cày, giải quyết vấn đề đất dính. Ông chỉnh sửa hộp số của thân máy để dùng động cơ xăng thông dụng nhỏ hơn, thiết kế bánh lồng nhỏ hơn nữa và dùng những can nhựa thay cho các thùng phuy.
Chiếc máy cày cải tiến xong hai thanh niên có thể nhấc bổng vì chỉ nặng khoảng 100 kg. Không chỉ người dân Cà Mau mà người dân làm tôm - lúa các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang... cũng tìm về mua.
Trong hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau” lần thứ 6 năm 2018 – 2019, ông vinh dự đạt giải nhất. Ông Tư Rô cũng là một trong những điển hình tiên tiến được tuyên dương trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Cà Mau được tổ chức vào tháng 9 vừa qua. Cục Sở hữu Trí tuệ cũng đã công nhận “Sản phẩm độc quyền về giải pháp hữu ích” cho sản phẩm máy cày của ông nông dân sáng chế.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo