Shark Hưng chia sẻ về chuyện đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế

DTVN 10:48 30/10/2019

Câu chuyện của Món Huế ở thời điểm này đã trở thành case study cho hoạt động kinh doanh chuỗi.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch tập đoàn CenGroup, người đang rót vốn cho rất nhiều công ty startup với vai trò nhà đầu tư (shark) đã lên tiếng về sự sụp đổ của thương hiệu này.

Shark Hưng chia sẻ founder đầu tiên của Món Huế là một Việt Kiều Mỹ gốc Huế, anh ấy đã bán lại cho người chủ sau này với giá chỉ 1 - 2 triệu USD, khi đó hệ thống không lớn như bây giờ. Anh ấy đã gửi tâm hồn và tâm huyết của mình vào món ăn khiến sản phẩm cực ngon. Tuy nhiên việc thay đổi cơ cấu cổ đông đã dẫn đến kết cục của Món Huế sau này khiến rất nhiều người tiếc nuối một thương hiệu.

Theo Shark Hưng, những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Món Huế phải chỉ ra ở đây, đó là giá trị sản phẩm cốt lõi đã không còn giữ được như ban đầu. Thứ hai là bản thân các món ăn mang tính địa phương, dân tộc, cổ truyền khó có thể nhân rộng quy mô thành chuỗi. "Ở Việt Nam duy nhất có một nhà hàng được ghi vào trong cuốn sách hướng dẫn khi đến Việt Nam buộc phải thử, có thương hiệu trên 100 năm là chả cá Lã Vọng. Họ có mở thêm 1 cửa hàng ở Ba Đình nhưng không thành công", Shark Hưng nhận định.

Ông Hưng cho rằng "có thể hệ thống Món Huế sập, các cổ đông có thể mất tiền nhưng chủ món Huế chưa chắc đã mất tiền vì ít nhất những người tôi biết họ bán rất được giá. Lần bán cuối cùng lên tới 70 triệu USD cho hàng trăm cửa hàng. Sau khi bán với giá 70 triệu USD thì người mua sau này họ sẽ làm gì với thương hiệu này?".

Khi các nhà đầu tư tài chính chiếm quá lớn thì người vận hành không còn quyền lợi, không còn động lực sáng tạo và đây là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến cái kết của Món Huế ngày hôm nay.

Như câu chuyện của Phở 24, khi bán lại thương hiệu cho doanh nghiệp nước ngoài, người bán thành công nhưng người mua lại hỏng. Món Huế, Phở Hùng... đều gặp vấn đề tương tự. Đối với mô hình này, việc đầu tư phát triển chuỗi đã khó, việc quản trị còn khó hơn rất nhiều khi tính chất nó phụ thuộc lớn vào con người. Shark Hưng cho biết ông không thích đầu tư vào các sản phẩm mang tính chất truyền thống, phụ thuộc quá nhiều vào con người vì khi con người đó rút ra rồi thì không còn có ý nghĩa gì nữa.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch tập đoàn CenGroup (Ảnh: Nguồn Internet).

Theo Shark Hưng, các bạn khởi nghiệp đang kêu gọi vốn đừng quá cố gắng gọi số lượng vốn lớn mà hy sinh tỷ lệ sở hữu của mình. Gọi vốn bằng cách bán cổ phần là trường hợp cực chẳng đã, phải nghĩ đến cuối cùng vì vốn của chủ sở hữu là thứ quan trọng nhất, quyết định đến quyền trong quản trị của mình.

"Trong quản trị doanh nghiệp có khái niệm "Tam Đối": Đối nhân, đối vốn, và đối tác. Đối nhân là quan trọng nhưng đối vốn quan trọng hơn bởi tất cả các vấn đề liên quan đến quản trị là liên quan đến đối vốn. Ai vốn lớn là người có quyền quyết định, có quyền chi phối. Vợ chồng với nhau thậm chí còn không thống nhất được huống hồ là 4 – 5 người", Shark Hưng chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, hôm nay đã quá thời gian Món Huế cam kết trả tiền cho các nhà cung cấp tuy nhiên các nhà cung cấp vẫn chưa thể liên lạc được với ban lãnh đạo công ty. Một, hai nhà cung cấp cho biết họ được trả vài chục triệu "nhỏ giọt" nhưng vẫn không đúng như cam kết. Trong khi đó hàng trăm nhà cung cấp khác vẫn đang ngồi trên đống lửa.

Mùa đông năm 2015, một trang tin tài chính Hongkong đưa tin Huy Việt Nam - chủ sở hữu chuỗi Món Huế, Phở Ông Hùng… lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của vùng lãnh thổ này vào năm 2016.

4 năm sau, một loạt trang báo Việt Nam đưa tin gần 200 cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy… đóng cửa hàng loạt. Kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Hongkong nhắm mốc huy động vốn 100 triệu USD chỉ còn là cái mốc huy hoàng một thời được nhắc đến, dù chưa thể thực hiện.

Website chính thức của Huy Việt Nam cũng như các thương hiệu F&B không còn truy cập được. Hàng chục nhà cung cấp, theo cập nhật mới nhất đã lên tới con số 60, tố chuỗi nhà hàng này nợ cả chục tỷ đồng.

Bình luận về câu chuyện Món Huế, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CENGroup không nói nhiều về câu chuyện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mà nhắc tới mô hình kinh doanh và nhấn mạnh tới nguyên nhân sâu xa đến từ mối quan hệ giữa Founder - người vận hành thực tiếp với các nhà đầu tư tài chính đơn thuần.

"Có thể hệ thống Món Huế sập, các cổ đông có thể mất tiền nhưng chủ Món Huế chưa chắc đã mất tiền. Ít nhất những người tôi biết, người đầu tiên bán lại hệ thống Món Huế với một giá rất tốt", ông Hưng chia sẻ trên Kênh TV của Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trước câu chuyện đóng cửa hàng loạt ở doanh nghiệp F&B lớn thứ 3 Việt Nam về số điểm bán, Shark Hưng chỉ ra 2 vấn đề: Giá trị sản phẩm cốt lõi không còn giữ lại được và Vấn đề thay đổi cơ cấu chủ sở hữu.

Đề cập tới vấn đề đầu tiên của chủ sở hữu chuỗi Món Huế, Shark Hưng nhận định Giá trị sản phẩm cốt lõi, bao gồm cả Giá trị hữu hình (sản phẩm) và Giá trị tinh thần (tinh thần, cốt cách của người Huế truyền đạt trong sản phẩm) không còn giữ được.

"Bản thân các món ăn mang tính địa phương, dân tộc, cổ truyền thực sự rất khó nhân rộng ở quy mô chuỗi", Shark Hưng nhìn nhận.

Ở Việt Nam duy nhất một nhà hàng được tác giả Patricia Schultz đưa vào cuốn "1.000 nơi nên biết trước khi chết" (1000 Places to See Before You Die) - Chả cá Lã Vọng, trong đó Chả cá đứng ở vị trí thứ 5 trong 10 món nên ăn trước khi chết.

"Thương hiệu trên 100 năm mà họ chỉ có 1 món là chả cá Lã Vọng. Không có menu đồ ăn, duy nhất 1 món. Chúng ta cứ muốn nhà hàng phải đa dạng hóa, nhiều món ăn, Đông, Tây, Á các kiểu, nhưng họ chỉ có 1 món ăn. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" là vậy. Nhất là các món ăn cổ truyền mang tính địa phương hoặc những món ăn đặc biệt như vậy, thì khả năng nhân rộng là khó".

"Tại sao họ không nhân rộng? Nhân rộng ra có khi chưa chắc đã còn giá trị cốt lõi như vậy. Sau họ mở thêm 1 cửa hàng ở Ba Đình nhưng không thành công. Vì nó không còn cốt cách, từ hương vị, bài trí, nhà cổ, cầu thang gỗ… tất cả yếu tố đấy tạo ra một nét đặc trưng của riêng nó", Shark Hưng nói.

"Trong câu chuyện của Món Huế tôi nhận thấy còn một vấn đề thứ 2: Khi nhân rộng ra chuỗi thì việc quản lý và điều hành bắt đầu có vấn đề. Vấn đề bếp trung tâm có đảm bảo chất lượng thực phẩm? Phong cách phục vụ của nhân viên có tốt hay không?… Rất nhiều người đã đưa bàn luận sau các quan sát. Nhưng tôi muốn nói một ý: Chính việc thay đổi cơ cấu chủ sở hữu có thể đã làm mất đi toàn bộ bản chất của hệ thống này".

"Có thể hệ thống Món Huế sập, các cổ đông có thể mất tiền nhưng chủ món Huế chưa chắc đã mất tiền vì ít nhất những người tôi biết, người đầu tiên founder họ bán lại hệ thống Món Huế với một giá rất tốt - mấy triệu USD", Shark Hưng nói.

Mấy triệu USD hồi đó cho một chuỗi hệ thống hơn chục cửa hàng là rất "được giá", Phó Chủ tịch HĐQT CENGroup nhìn nhận. Các nhà đầu tư tiếp theo đẩy chuỗi cửa hàng phát triển lên hàng trăm điểm và "bán" với giá 70 triệu USD.

"Khi bán được với giá đó thì những người mua với giá 70 triệu USD họ làm gì với chuỗi cửa hàng này nữa? Đó là quan điểm mà cá nhân tôi không bao giờ, và không thích đầu tư vào những sản phẩm mang tính chất truyền thống, nghệ nhân và mang tính chất phụ thuộc quá nhiều vào con người".

"Bởi con người đó, linh hồn của nó rút ra rồi thì những nhà đầu tư không còn gì nữa. Quay trở câu chuyện của CENLand. Chúng tôi là công ty thuần môi giới, dịch vụ, vì sao các quỹ đầu tư của chúng tôi chỉ đầu tư đến 25 - 30%, và họ bắt buộc chúng tôi - những người founder ra hệ thống này phải nắm giữ 51% và cam kết trong suốt thời gian họ đầu tư ở đấy thì chúng tôi không được rút vốn? Bởi chúng tôi mà rút ra thì hệ thống sập", Shark Hưng nói.

Và ông cho rằng trong câu chuyện sụp đổ của chuỗi cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng có vấn đề tương tự.

"Các nhà đầu tư cứ tham lam, thích đầu tư chiếm tỷ lệ chi phối, thậm chí là chi phối tuyệt đối. Tôi nghe nói hiện các nhà đầu tư tài chính thuần túy đang chiếm tới 90% cổ phần của Món Huế. Chỉ còn giữ 10% thì động lực của người vận hành không còn nữa. "Các anh đầu tư tài chính đến mà quản lý, vận hành, chúng tôi chỉ làm được thế thôi"".

"Founder không còn quyền lợi gắn kết nữa. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân sâu xa nhất", ông Hưng bình luận.

Theo Thu Hoài/TBCK

Bạn đang đọc bài viết Shark Hưng chia sẻ về chuyện đóng cửa chuỗi nhà hàng Món Huế tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Tin tức mới nhất