Lavifood của Chủ tịch Lê Thành liên quan gì đến 'hệ sinh thái' Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan?

DTVN 08:00 23/11/2023

Sau khi mua lại Lavifood từ ông Lê Thành, bà Trương Mỹ Lan giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long. Trong quá trình hoạt động, bà Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Lavifoo

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị liên quan.

Trong vụ án này, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố về 3 tội là “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Ngoài ra, bị can Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua việc phát hành trái phiếu và rửa tiền. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã tách vụ án này ra để tiếp tục điều tra và xử lý sau.

Đáng chú ý, kết luận điều tra của Bộ Công an có nhắc đến Công ty CP Lavifood (Lavifood) của doanh nhân Lê Thành.

Cụ thể, theo kết luận điều tra, năm 2021, Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biết sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long- Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần), cùng với Võ Hồng Khanh (được cho đứng tên sở hữu 34%), Hồ Xuân Dũng (được cho đứng tên sở hữu 35%).

Trong quá trình hoạt động, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác. Ngoài ra, Lan còn thống nhất, chỉ đạo Vân cho thành lập các Công ty “ma” để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Lavifood nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của Lan và Vân.

Về Lavifood, doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2014 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng; gồm 3 cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH Thương mại Thiện Nhân (50%), ông Phạm Ngô Quốc Thắng (40%), bà Phạm Ngô Hoàng Thùy Trang (10%). Người đại diện theo pháp luật lúc này là ông Phạm Ngô Quốc Thắng (SN 1981)- Tổng Giám đốc.

Sau nhiều thay đổi, đến ngày 20/1/2021, ông Lê Thành (SN 1974) giữ chức Tổng Giám đốc, Người đại diện pháp luật của Lavifood thay cho ông Đặng Ngọc Cẩn (SN 1957).

Doanh nhân Lê Thành.

Và 5 ngày sau đó (ngày 25/1/2021), ông trở thành Chủ tịch HĐQT công ty, đồng thời tăng vốn Lavifood từ 400 tỷ đồng lên mức 1.030 tỷ đồng. Chỉ 3 ngày sau (ngày 28/1/2021), Lavifood tiếp tục tăng vốn lên mức 2.880 tỷ đồng.

Thế nhưng, chỉ sau đó hơn 1 tháng, đến cuối tháng 2/2021, doanh nhân Lê Thành không còn ngồi "ghế nóng" của Lavifood nữa, thay vào đó, ông Nguyễn Phi Long (SN 1975) trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp. Ông Long được biết đến là người có liên quan đến “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.

Ngoài ông Long, một cá nhân khác cũng liên quan đến “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát tham gia vào ban lãnh đạo của Lavifood là Đặng Quang Nguyên- Phó Tổng Giám đốc Lavifood.

Tại kết luận của cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an, Đặng Quang Nguyên khai nhận, Nguyên làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2019, dưới sự quản lý, chỉ đạo của Trương Huệ Vân. Ban đầu, Nguyên làm việc tại Công ty Alpha King và đến tháng 3/2021 thì giữ chức Phó Tổng Giám đốc Lavifood.

Quá trình điều hành hoạt động của Lavifood, Đặng Quang Nguyên được Nguyễn Phi Long và Trương Huệ Vân chỉ đạo trực tiếp thành lập và quản lý 26 pháp nhân (trong đó có 4 công ty được lấy từ nhóm Nguyễn Phương Anh đã thành lập) sử dụng phương án kinh doanh liên quan đến hoạt động của Công ty Cổ phần Lavifood (phương án khống, không thực hiện), để phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung- Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB và các nhân viên ngân hàng lập 544 hồ sơ vay vốn khống, nhằm lấy tiền phục vụ cho hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cá nhân Trương Huệ Vân và Trương Mỹ Lan.

Nguyên xác nhận hiện 61 khoản vay này còn tổng dư nợ là hơn 1.165,5 tỷ đồng (gồm: Dư nợ gốc 1.157,65 tỷ đồng và dư nợ lãi 7,815 tỷ đồng). Đặng Quang Nguyên thừa nhận việc thành lập 22 ty “ma” và mượn 4 công ty thuộc nhóm Nguyễn Phương Anh để làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng SCB là hành vi vi phạm pháp luật. Số tiền sau khi giải ngân của các công ty này được Nguyên giao lại cho các nhân viên thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo chỉ đạo của Trương Huệ Vân.

Quay trở lại với Lavifood, theo đăng ký thay đổi gần nhất của doanh nghiệp này, tháng 6/2022, ông Lê Thành đã quay trở lại ghế Chủ tịch HĐQT, trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt chỉ vài tháng (tháng 10/2022).

Link gốc : https://antt.nguoiduatin.vn/lavifood-cua-chu-tich-le-thanh-lien-quan-gi-den-he-sinh-thai-van-thinh-phat-cua-ba-truong-my-lan-5908.html

Bạn đang đọc bài viết Lavifood của Chủ tịch Lê Thành liên quan gì đến 'hệ sinh thái' Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan? tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Tin tức mới nhất