Tập đoàn FLC vừa công bố chốt quyền chào bán gần 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ chào bán 42,2% với mức giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP.
Để giá cổ phiếu của FLC từ 4.050 đồng/CP hiện nay tăng lên trên 10.000 đồng/CP, tương đương mức tăng 158% và với biên độ giao dịch 7%/phiên của sàn HOSE thì cổ phiếu FLC cần thêm 14 phiên tăng trần liên tiếp.
Như vậy, trong kịch bản "tích cực" nhất, cổ phiếu FLC sẽ có 17 phiên tăng trần liên tiếp. Với giá trị giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất của FLC là 26,2 tỷ đồng/phiên. Giả định đây là mức giá trị giao dịch bình quân 14 phiên tăng trần tiếp tiếp theo của FLC thì cần khoảng 367 tỷ đồng giá trị giao dịch để cổ phiếu FLC tăng lên trên mệnh giá.
Tuy nhiên, trên thực tế giá trị giao dịch của cổ phiếu thường có xu hướng tăng mạnh khi giá cổ phiếu tăng cao do hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư. Như phiên giao dịch ngày 16/10, khối lượng giao dịch của cổ phiếu FLC tăng vọt từ mức trung bình 10 phiên là 4,2 triệu CP/phiên lên 30,7 triệu CP/phiên, tương đương mức tăng 631%.
Bên cạnh đó, kịch bản tăng trần 17 phiên liên tiếp của một cổ phiếu là hiếm khi xảy ra trên thị trường chứng khoán. Do đó khả năng cao sẽ cần nhiều hơn dòng tiền 367 tỷ đồng đổ vào cổ phiếu FLC và nhiều hơn 14 phiên giao dịch nữa để cổ phiếu FLC tăng lên trên mệnh giá.
Theo kế hoạch, số tiền gần 3.000 tỷ đồng FLC dự kiến thu được từ đợt phát hành thêm lần này sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động và thực hiện một số dự án bất động sản, tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways…
BCTC hợp nhất năm 2017, năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019 cho thấy dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của FLC trong kỳ đều không đủ tài trợ cho hoạt động đầu tư trong kỳ. Do đó, việc tăng cường hoạt động tài chính để có thêm dòng tiền phục vụ cho hoạt động đầu tư trong thời gian tới là điều tất yếu FLC cần làm.
Các nhà đầu tư trung thành chăc chắn đang kỳ vọng giá cổ phiếu của FLC sẽ sớm vượt mệnh giá 10.000 đồng/CP, kế hoạch phát hành thêm gần 300 triệu cổ phiếu của FLC sẽ thành công và họ sẽ có lợi nhuận hoặc ít nhất là không bị lỗ trong trường hợp mua cổ phiếu mới phát hành của FLC.
Theo BCTC hợp nhất năm 2017 dòng tiền thuần từ SXKD của FLC dương 3.134 tỷ đồng, cho hoạt động đầu tư âm 4.536 tỷ đồng. Năm 2018 dòng tiền thuần từ SXKD dương 2.017 tỷ đồng, cho hoạt động đầu tư âm 2.740 tỷ đồng. 06 tháng đầu năm 2019 dòng tiền thuần từ SXKD dương 1.185 tỷ đồng, cho hoạt động đầu tư âm 1.768 tỷ đồng. Lũy kế cả giai đoạn năm 2017, năm 2018 và 06 tháng đầu năm 2019, chênh lệch dòng tiền từ hoạt động SXKD và hoạt động đầu tư của FLC là âm 2.708 tỷ đồng; FLC đã sử dụng các hoạt động tài chính dương 2.472 tỷ đồng để bù đắp dòng tiền, phục vụ cho hoạt động đầu tư.
Theo Tài chính Doanh nghiệp