Vinamilk tăng vốn đầu tư tại công ty con tại Lào
Quyết định vừa được hội đồng quản trị thông qua, sau khi nhận được giấy phép điều chỉnh vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hôm 10/8.
|
Trang trại ở Xiangkhouang của Công ty Lao-Jargo. Ảnh: VNM. |
Theo đó, việc rót thêm 41 triệu USD để hoàn thiện một số hạng mục bổ sung cho trang trại 4.000 con bò hữu cơ thứ nhất và đầu tư trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con cao sản thứ hai.
Như vậy, đến nay, Lao-Jagro đang xây dựng hai trang trại đầu tiên trong tổ hợp dự án trang trại bò sữa công nghệ cao tại Lào.
Tổ hợp này còn được biết đến với tên gọi "resort" bò sữa Organic, nằm trong chiến lược dài hạn của Vinamilk về phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi cả trong và ngoài nước. Được biết, dự án này được chia làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư dự kiến là 500 triệu USD.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng diện tích quy hoạch là 5.000 ha, quy mô tổng đàn bò 24.000 con, vốn đầu tư ban đầu là 120 triệu USD. Dự kiến cuối năm 2020, dự án sẽ hoàn thành việc xây dựng và đạt giấy chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu và Mỹ.
Ở giai đoạn 2, Vinamilk sẽ đầu tư để nâng quy mô đàn bò dự kiến lên đến 100.000 con, trên diện tích từ 15.000 đến 20.000 ha.
Vinamilk nắm giữ 51% cổ phần của Lao-Jagro, cùng các đối tác từ Nhật Bản và Lào, công ty này được thành lập từ năm 2015. Hiện Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên là Chủ tịch hội đồng quản trị Lao-Jagro, ngoài ra còn có 2 đại diện Vinamilk khác cũng có ghế trong HĐQT.
Vinamilk đang tăng trưởng chủ yếu nhờ vào thị trường nội địa
Vinamilk nhấn mạnh dự án này là sự hợp tác của doanh nghiệp ba nước Lào, Việt Nam và Nhật Bản nhằm phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi organic chuẩn quốc tế để cung cấp cho Việt Nam và khu vực châu Á, đồng thời đẩy mạnh ngành chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Lào.
Tại Lao-Jargo, Vinamilk là nhà đầu tư chính với nguồn lực tài chính, kinh nghiệm xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa tại vùng khí hậu nhiệt đới, cùng với thị trường tiêu thụ và thương hiệu. Đại diện Nhật Bản đóng vai trò cung cấp nguồn gen, thiết bị, công nghệ, các bí quyết trong ngành chăn nuôi gia súc và quản trị chất lượng.
Chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài đã được Vinamilk hiện thực hóa cách đây 10 năm. Năm 2010, Vinamilk lần đầu tiên đầu tư ra nước ngoài thông qua thương vụ rót 10 triệu USD sở hữu 19,3% vốn công ty Miraka Limited tại New Zealand, hiện đã tăng sở hữu lên 23%.
Từ đó đến nay, Vinamilk tiếp tục đầu tư tiếp vào 4 công ty nước ngoài khác. Tổng giá trị theo ước tính của Forbes Việt Nam hơn nửa tỉ đô-la Mỹ.
Trong đó hai công ty đóng góp đáng kể doanh thu của Vinamilk là Driftwood Dairy Holdings (Mỹ) do Vinamilk sở hữu 100% và công ty sữa Angkor Milk tại Campuchia. Năm 2019, thị trường nước ngoài mang về cho Vinamilk gần 3.600 tỉ đồng doanh thu, tăng 8,6% so với năm 2018. Trong đó Driftwood mang về doanh thu 114 triệu USD và AngkorMilk đóng góp hơn 50 triệu USD.
Sáu tháng đầu năm 2020 dưới tác động của đại dịch Covid-19, Vinamilk cho biết doanh thu của Driftwood bị ảnh hưởng mạnh, trong khi đó Angkor vẫn duy trì tăng trưởng hai chữ số.
Tính chung sáu tháng đầu năm, Vinamilk duy trì tăng trưởng 6,7% với doanh thu 29.648 tỉ đồng, tuy nhiên lãi ròng tăng nhẹ 2,8% với 5.861 tỉ đồng. Tăng trưởng chủ yếu nhờ vào thị trường nội địa, đóng góp 86% tổng doanh thu, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 của Forbes Vietnam, Vinamilk xếp thứ 2 sau Viettel, với định giá 2,4 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với định giá của lần xếp hạng trước.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ