|
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines) vừa công bố thông tin về việc lùi thời gian tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 từ ngày 8/8 theo dự kiến ban đầu sang ngày 13/8.
“Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Tổng công ty cần thêm thời gian để thực hiện một số thủ tục, biện pháp cần thiết trong chuẩn bị tổ chức Đại hội nhằm đảm bảo cho Đại hội được diễn ra an toàn, tuân thủ các quy định phòng chống dịch”, Thông báo nêu rõ.
Đây đã là lần thứ 4 trong vòng 1 năm qua, Vinalines phải thay đổi thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ. Trước đó, thời điểm dự kiến tổ chức đại hội cổ đông của Vinalines là quý I/2019 rồi lùi tới ngày 24/6/2019 và lại rời sang ngày 29/7/2019.
Vào giữa tháng 6/2020, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 277/QĐ – UBQLV điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines.
Theo đó, vốn điều lệ của Công ty mẹ - Vinalines được điều chỉnh giảm chỉ còn 12.005,88 tỷ đồng so với mức 14.046 tỷ đồng được quy định tại Quyết định số 751/QĐ – TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Vinalines.
Ngoài tác động tiêu cực do dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, thanh lý các tàu biển; việc phải phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn DNNN chưa được xử lý lên tới hơn 940 tỷ đồng cũng khiến lợi nhuận dự kiến năm 2020 của Công ty mẹ chuyển từ lãi mỏng sang lỗ sâu.
Theo lãnh đạo Vinalines, thời gian từ khi xác định giá trị doanh nghiệp lần gần nhất (31/12/2016) đến thời điểm Tổng công ty chính thức trở thành công ty cổ phần (dự kiến giữa tháng 8/2020) kéo dài gần 4 năm.
Trong thời gian đó, các biến động về tài sản, công nợ là rất lớn, đặc biệt với Tổng công ty, các tồn tại về tài sản, công nợ nêu trên đã kéo dài nhiều năm với giá trị lớn, chưa đủ điều kiện loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp những vẫn chưa thể xử lý dứt điểm trong giai đoạn CPH trong khi lại không được phép trích lập, phân bổ trong giai đoạn chưa chính thứ chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
“Vì vậy, ngay sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty phải tiếp tục gánh chịu các tổn thất về tài sản, công nợ trong giai đoạn DNNN chưa được xử lý”, lãnh đạo Vinalines cho biết.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ