Thời khó, Vietravel lộ ra một "cỗ máy xay tiền"?
Mới đây, sự bùng phát của dịch CoVid-19 ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch trong dài hạn.
Liên quan đến câu chuyện này, ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc công ty lữ hành Vietravel nhận định: "Du lịch vốn dĩ là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều nhóm ngành khác như vận chuyển, lưu trú, dịch vụ ăn uống..., vì vậy bất kỳ tác động nào tới những nhóm ngành khác, du lịch sẽ bị ảnh hưởng".
Dịch CoVid-19 đã khiến khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia Vietravel đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày khởi hành vì e ngại dịch bệnh. Không riêng các tour đi Trung Quốc, các tour du lịch nội địa cũng chịu chung số phận.
|
Dịch CoVid-19 đã khiến khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia Vietravel đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày khởi hành vì e ngại dịch bệnh. |
Tiền thân là Trung tâm Tracodi Tour trực thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển giao thông - vận tải, năm 1995, Vietravel chính thức phát triển độc lập. Với những bước tiến mạnh mẽ, Vietravel vượt qua một số “tên tuổi” cùng thời như Fiditour, Saigontourist, dẫn đầu thị trường du lịch Việt Nam về doanh thu.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019 vừa qua, Vietravel công khai khoản lỗ sau thuế hơn 14 tỷ đồng trong báo cáo quý IV hợp nhất (chưa soát xét). Sự sụt giảm doanh thu trong quý IV/2019 đã khiến lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Công ty giảm 32% so với năm 2018, chỉ đạt 39,93 tỷ đồng.
Lợi nhuận mỏng, trong khi phải gánh các khoản chi phí cao là yếu tố chủ đạo đưa Vietravel vào thế khó. Hệ thống gồm 9 công ty con chịu sự kiểm soát của công ty mẹ cùng mạng lưới 55 chi nhánh ở trong nước và nước ngoài từng là sức mạnh của Vietravel, nay đang trở thành “cỗ máy xay tiền”, khi chi phí quản lý doanh nghiệp (373 tỷ đồng, trong đó 1/3 là chi phí nhân viên) chiếm gần 80%.
Với mô hình bán lẻ truyền thống khi Internet chưa phát triển, việc sở hữu lượng chi nhánh dày đặc là lợi thế và Vietravel đã phát huy tối đa lợi thế này. Nhưng với sự phát triển vượt bậc của Internet và công nghệ, nhiều doanh nghiệp đã tối ưu chi phí tiếp cận khách hàng để có mức giá cạnh tranh hơn.
Vietravel cũng thừa nhận, sự vươn lên mạnh mẽ từ các đối thủ là một trong 3 nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lãi gộp trong quý IV/2019.
Trong khi đó, việc sở hữu Hãng hàng không Vietravel Airlines chưa thể hiện rõ lợi thế của Vietravel, nhất là khi chi phí hoạt động của doanh nghiệp này đang khá cao vì bộ máy cồng kềnh. Hơn nữa, để lập hãng hàng không, Vietravel đã phải phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 9,25%/năm trong 15 tháng đầu tiên và tăng lên 11%/năm trong thời gian còn lại.
|
Việc sở hữu Hãng hàng không Vietravel Airlines chưa thể hiện rõ lợi thế của Vietravel. |
Năm 2019, Thomas Cook, doanh nghiệp du lịch của Anh với hơn 170 năm kinh nghiệm đã buộc phải phá sản. Mô hình cồng kềnh với khoảng 600 văn phòng cùng việc mở hãng hàng không riêng vào năm 2013 đã đẩy công ty này vào thế khó khi thị trường du lịch trọn gói biến động mạnh do quy mô ngày càng thu hẹp dần, cộng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Đây là lời cảnh báo đối với bất kỳ doanh nghiệp du lịch nào trên thế giới.
Thời 'bão' CoVid, khó khăn chồng chất khó khăn
Đặc trưng đối với các công ty du lịch là dòng tiền mặt dồi dào. Khi khách đã nộp trước tiền tour, họ có thể dùng khoản tiền đó để mở một tour khác và cứ thế xoay vòng vốn.
Đổi lại, nợ ngắn hạn của công ty du lịch luôn lớn hơn nợ dài hạn và tình trạng của Vietravel cũng tương tự. Vì vào cuối năm, các công ty du lịch, nhất là lữ hành quốc tế, đều phải đặt cọc tiền cho các hãng hàng hàng không để có vé máy bay (yếu tố quan trọng nhất trong giá thành tour) và các nhà cung cấp dịch vụ để triển khai chiến lược kinh doanh cho năm sau.
Vậy nên, nếu một số lượng lớn tour không thành, doanh nghiệp sẽ mất dòng tiền, cộng với việc đã đặt cọc cho các nhà cung cấp dịch vụ, khiến lượng tiền mặt càng khan hiếm. Lúc đó, nhân lực càng nhiều, số lượng chi nhánh, văn phòng càng lớn, thì áp lực chi phí của doanh nghiệp sẽ càng nặng nề.
Ngày nay, khách du lịch có xu hướng lên kế hoạch đi du lịch và đặt tour từ trước nhiều ngày. Cũng vì thế, xác suất huỷ tour khi có những biến động lớn, như dịch bệnh, là rất cao.
|
Xác suất huỷ tour khi có những biến động lớn, như dịch bệnh Covid là rất cao. |
Với riêng ngành du lịch Việt Nam, ông Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, dịch bệnh dẫn đến ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.
Tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong khi đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019.
Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa. Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại Châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Khu vực Đông Nam Á, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế (138 triệu khách quốc tế trong năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7.8% trong vòng 9 năm trở lại đây) thì dự kiến trong thời gian tới khu vực sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn.
Một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ Châu Âu, Úc, Mỹ,...do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tác động thứ ba phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hàng hay khu vực vui chơi giải trí. Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, ông có niềm tin rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự hồi phục vào nửa cuối năm 2020 và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam.
Và với Vietravel thì doanh nghiệp này cũng không ngoại lệ. Thêm vào đó, việc sụt giảm doanh thu từ trước khi dịch xảy ra rõ ràng không có lợi cho doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của Covid-19 khiến Vietravel chỉ còn mảng outbound tour (đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) để “gỡ gạc” trong thời gian tới. Đây cũng là thị trường sống còn của hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam hiện nay.
Trên thực tế, Vietravel có đủ năng lực và kinh nghiệm tổ chức tour tới các thị trường này nhờ vào chiến lược định vị phân khúc khách hàng trung lưu trong thời gian qua. Hơn nữa, với thương hiệu đã được khẳng định, khả năng thu hút khách hàng của Vietravel trong “cuộc chiến” giảm giá giữa bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch là rất cao.
Thế nhưng, với gánh nặng từ chi phí vận hành hệ thống, việc giảm giá liên tục sẽ là thử thách lớn đối với sức chịu đựng và có thể làm lung lay mục tiêu giữ vững vị trí dẫn đầu trong số các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam của Vietravel.
Nhìn rộng ra, không chỉ Vietravel, Covid-19 còn đang thách thức “hệ miễn dịch” của các doanh nghiệp du lịch có mô hình tương tự. Và không chỉ Vietravel, các ngành du lịch, hàng không, logistics và xuất nhập khẩu là những nhóm ngành đang chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh do vi-rút corona (nCoV) gây ra.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ