Từ ‘cú quỳ gối nghìn tỷ’ nghĩ về phẩm giá doanh nhân

ĐTVN 10:52 13/04/2021

Mới đây, việc quỳ lạy trước đối tác của một chủ doanh nghiệp bất động sản đã gây ra cú shock và tạo ra cuộc tranh cãi lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Vậy phẩm giá của doanh nhân là đáng giá?

Nhiều bình luận trên các diễn đàn cho rằng đây là màn kịch vụng về có sự sắp xếp dàn dựng chuẩn từ trước. Hình ảnh này sau đó đã được xóa bỏ trên báo chí nhưng vẫn tạo ra cuộc tranh luận xoay quanh chủ các doanh nhân Việt có thực sự “nhẫn để vươn lên” hay đang bất chấp tất cả để đạt được lợi ích?
Xin mượn câu của doanh nhân dầu khí nổi tiếng Phùng Tuấn Hà nói với nhân viên: “Gánh phân mà được giá, ra tiền thì cũng nên làm.”
Câu nói thể hiện quyết tâm, nỗ lực làm những công việc chân chính, không vi phạm pháp luật để thu lại thành quả. Khi đó, người ta sẽ nhìn nỗ lực “gánh” chứ không phải suy xét ở vật thấp kém là “phân”.
Câu chuyện về chữ nhẫn, nhịn hoặc thậm chí là chịu nhục trong lịch sử có rất nhiều. Ngay cả bố đẻ của bà Trần Uyên Phương (người bị bà Oanh quỳ lạy) cũng đã từng nói với các sinh viên khởi nghiệp: “Thà cúi đầu để chiến thắng, còn hơn gánh thất bại mà tự vuốt ve rằng mình đã ngẩng cao đầu”.

Doanh nhân Việt có thực sự “nhẫn để vươn lên” hay đang bất chấp tất cả để đạt được lợi ích.

Độc giả hẳn chưa quên sự kiện năm 2017 ở Hà Nội, doanh nhân Hiroaki Honjo - Tổng giám đốc Công ty Idemitsu Q8 Nhật Bản đứng dưới mưa, cúi đầu cảm ơn khách hàng vào mua xăng của mình.
Cái cúi đầu của ông Hiroaki Honjo khi đó đã gây xôn xao vì người tiêu dùng Việt Nam dường như chưa bao giờ cảm thấy được tôn trọng như thế. Cái cúi đầu này không chỉ là văn hóa, mà thể hiện sự quyết tâm chinh phục thị trường, chinh phục khách hàng.
Với một thị trường xăng dầu mà các ông chủ Việt Nam thống trị từ trước đến nay, được nhà nước bảo bọc, thì một ông chủ tư nhân từ nước ngoài đến đã là một sự can đảm ghê gớm. Chưa kể, các công ty xăng dầu trong nước có mấy ngàn cửa hàng, chiếm hết phần lớn các điểm kinh doanh tốt nhất, IQ8 đến sau, cạnh tranh quả là một thử thách cực kỳ cam go.
Ông Hiroaki Honjo đứng trong mưa cúi đầu trước khách hàng Việt Nam là một lời mời gọi tha thiết, một ý chí chinh phục không thể lay chuyển. Tinh thần Samurai của Nhật không chỉ có trong tiểu thuyết và phim ảnh, nó hiển hiện ngay trong đời sống, thương trường – dưới hình hài của doanh nhân cúi đầu. Nhiều người đã gọi đó là cái cúi đầu của Samurai.
Quay trở lại sự kiện doanh nhân Bình Dương Đặng Thị Kim Oanh quỳ gối. Hành động “quỳ” này chắc chắn xuất phát từ ý chí của bà Oanh bởi không ai bắt bà phải quỳ - bà Phương không bắt – công chúng không bắt – pháp luật không bắt. Đó là lựa chọn của bà! Bà quỳ gối để xin mua lại dự án do chính bà đã bán trước đây. Bởi lẽ, sau khi bà bán đi, giá đất đã tăng lên gấp nhiều lần.
Tháng 10/2020, bà đã gửi đơn khiếu kiện khắp nơi về vụ việc. Ít ngày sau, bà chủ động đến quỳ và ngay khi bà quỳ xuống, lập tức nhân viên của bà phía sau quay phim, chụp ảnh.
Sau khi thông tin được lan truyền trên mạng và báo chí, nhiều ý kiến cho rằng những hình ảnh, thước phim đó được tính toán kỹ lưỡng để tung ra sau đó như một cách để đẩy vụ việc lên đến cao trào.
Một bài báo đã mô tả nực cười là “bà mẹ khổ đau kéo theo đàn con nheo nhóc khóc lóc cầu xin”. Nhưng kỳ thực, phía bà Trần Uyên Phương cho xác nhận thông tin rằng đó là đoàn làm việc của doanh nhân nghìn tỷ và tùy tùng!
Ông chủ của Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn đã từng nói: "Khi làm việc ở đẳng cấp cao hoặc không cao mà muốn vươn lên tầm cao, thì điều rất quan trọng là đạo đức nghề nghiệp. Đừng gian dối! Gian dối họ biết hết. Có doanh nghiệp Việt nói người Việt hiểu người Việt hơn, nhưng người nước ngoài hiểu mình hơn gấp chục lần mình".

Một doanh nhân muốn phát triển sự nghiệp thì phẩm chất chân thành, chính trực là rất cần thiết.

Một doanh nhân muốn phát triển doanh nghiệp của mình bằng các doanh nghiệp lớn của thế giới thì phẩm chất chân thành, chính trực là rất cần. Trên thế giới, không ai sẵn sàng làm việc với một đối tác khó lường, gian dối.
Vậy nên, ông Hiroaki Honjo “cúi đầu” hay bà Kim Oanh “quỳ gối” - về hình ảnh không khác nhau là mấy - nhưng cái khác ở đây chính là mục đích ẩn dấu trong hành động. Trong hành động đó có hay không sự “chính trực, chân thành”? - Điều này có lẽ tự bản thân những người quỳ gối phải tự nhận được.
Mặc dù bài báo đăng hình ảnh quỳ lạy đã bị xóa bỏ, nhưng sự cố và hình ảnh đó vẫn lưu lại trong tâm trí công chúng, trong tâm thức của cộng đồng doanh nghiệp như một bài học kinh nghiệm cho các doanh nhân Việt!
Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/tu-cu-quy-goi-nghin-ty-nghi-ve-pham-gia-doanh-nhan-30907.html

Bạn đang đọc bài viết Từ ‘cú quỳ gối nghìn tỷ’ nghĩ về phẩm giá doanh nhân tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất