Trung tâm tính cước và thanh khoản MobiFone chi nhánh trực thuộc Tổng công ty Viễn Thông MobiFone là một doanh nghiệp Nhà nước có địa chỉ tại số 5, ngõ 82 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
|
Được biết, Trung tâm này đã có hàng loạt các gói thầu trang thiết bị tin học qua các năm và các gói thầu khác đều được đấu thầu một cách 'đặc biệt' khiến dư luận đặt câu hỏi về những mập mờ, khó hiểu khi triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu do Trung tâm làm chủ đầu tư trong thời gian qua.
Hàng loạt các gói thầu được đấu thầu ra sao?
Nêu nhãn hiệu hàng hoá khi lập Hồ sơ mời thầu (HSMT), Hồ sơ yêu cầu (HSYC) là một trong những hành vi cấm trong đấu thầu được quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Điển hình như đối với 02 gói thầu trang thiết bị tin học năm 2016, 2018 thuộc các Dự án mua sắm phục vụ sản xuất kinh doanh của Trung tâm này. Cụ thể, Gói thầu “Trang thiết bị tin học năm 2018” thuộc Dự án mua sắm thiết bị tin học phục vụ SXKD năm 2018 của Trung tâm TC&TK Mobifone. Gói thầu được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước. Loại hợp đồng trọn gói. Nhà thầu trúng là Công ty cổ phần giải pháp Siêu Việt với giá trúng thầu: 771.728.600 VNĐ (Quyết định phê duyệt số 271/QĐ-TT.TCTK-KHĐT ngày 7/11/2018).
Theo HSYC Gói thầu được phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TT.TCTK-KHĐT do Giám đốc Trung tâm TC &TK Mobifone Trần Văn Thuý ký ngày 28/9/2018, trong phần yêu cầu kỹ thuật, Chủ đầu tư là Trung tâm TC&TK Mobifone yêu cầu chủng loại hàng hoá máy tính tại yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu trong HSMT được Trung tâm phát hành tới các nhà thầu phải thuộc dòng máy tính iMac và phải áp dụng Hệ điều hành: MAC OS…
Tương tự, đối với Gói thầu “Trang thiết bị tin học năm 2016” thuộc Dự án mua sắm thiết bị tin học phục vụ SXKD năm 2016, Gói thầu được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước. Loại hợp đồng trọn gói. Nhà thầu trúng là Công ty cổ phần dữ liệu và truyền thông Việt Nam với giá trúng thầu: 449.985.800 VNĐ (Quyết định phê duyệt số 459/QĐ-TT.TCTK-KHĐT ngày 23/12/2016).
Theo HSYC Gói thầu được phê duyệt tại Quyết định số 399/QĐ-TT.TCTK-KHĐT do Giám đốc Trung tâm TC&TK Mobifone Trần Văn Thuý ký ngày 17/1/2016, trong phần yêu cầu kỹ thuật, Chủ đầu tư là Trung tâm TC &TK Mobifone đã yêu cầu chủng loại hàng hoá máy tính xách tay và máy tính để bàn tại yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ đề xuất tại HSYC được Trung tâm phát hành tới các nhà thầu phải đáp ứng hệ điều hành Windows bản quyền.
Quy định pháp luật: 'Cấm nêu nhãn hiệu hàng hóa khi lập Hồ sơ mời thầu'
Nêu nhãn hiệu hàng hoá khi lập Hồ sơ mời thầu (HSMT), Hồ sơ yêu cầu (HSYC) là một trong những hành vi cấm trong đấu thầu được quy định tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT quy định, đối với gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, khi đưa ra yêu cầu đối với hàng hóa cần quy định đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn chế tạo, công nghệ mang tính chất trung tính, không đưa ra các đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn mang tính cá biệt hóa mà không phải là đặc tính cơ bản của sản phẩm để chỉ một hoặc một số ít nhà thầu đáp ứng yêu cầu làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Như vậy, dựa vào cơ sở pháp lý nào để Trung tâm TC&TK Mobifone có thể làm trái các quy định của pháp luật đấu thầu và Chỉ thị của Thủ tướng Chínhphủ khi tiến hành lập HSYC theo “cách riêng” của mình để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Điều đáng nói, 100% thông số kỹ thuật tại danh sách hàng hóa trúng thầu của 2 nhà thầu lại gần như tương đồng đến “kỳ lạ” so với “đầu bài” mà chủ đầu tư này phê duyệt tại HSYC của 2 gói thầu trên.
Vẽ tiêu chuẩn để hạn chế nhà thầu tham gia?
Mặc dù pháp luật đấu thầu mà cụ thể tại khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong HSMT, HSYC không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, tuy nhiên, có không ít HSYC do Trung tâm TC&TK Mobifone phê duyệt lại bổ sung điều kiện rất trái khoáy và chỉ cho phép số ít nhà thầu tham gia.
Điển hình tại HSYC Gói thầu “Trang thiết bị tin học năm 2017” thuộc Dự án Mua sắm thiết bị tin học phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2017, Trung tâm TC&TK Mobifone cũng đưa ra những tiêu chí đánh giá HSDT rất “đặc biệt”. Gói thầu được tổ chức theo hình thức chào hàng cạnh tranh, loại hợp đồng trọn gói. Nhà thầu trúng: Công ty cổ phần Viettronics Tân Bình. Giá trúng thầu: 494.186.000VNĐ (Quyết định phê duyệt số 397 /QĐ-TT.TCTK-KHĐT ngày 11/12/2017).
Tương tự, Gói thầu “Thuê dịch vụ hỗ trợ thiết lập nghiệp vụ đáp ứng chuyển mạng giữ số cho hệ thống Bigdata”, hình thức đấu thầu rộng rãi. Loại hợp đồng: trọn gói. Nhà thầu trúng Công ty cổ phần TELSOFT, giá trúng thầu 1.700.000.000 VNĐ (theo Quyết định phê duyệt số 193/QĐ-TT.TCTK-KHĐT ký ngày 14/8/2018).
Gói thầu “Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật phần mềm” thuộc Dự án Thuê dịch vụ hỗ trợ phần mềm cho các hệ thống phụ trợ IN năm 2019, hình thức đấu thầu rộng rãi; Loại hợp đồng: trọn gói, Nhà thầu trúng Công ty cổ phần TELSOFT, với giá trúng thầu là 2.156.000.000 VNĐ (Quyết định phê duyệt số 156/QĐ-TT-TCTK-KHĐT, ngày 30/5/2019).
Tất cả các Gói thầu trên, tiêu chí đánh giá Hồ sơ dự thầu được quy định tại HSMT của các gói thầu này, chủ đầu tư/Trung tâm TC&TK Mobifone đều đưa ra yêu cầu nhà thầu phải có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc trung tâm bảo hành hỗ trợ kỹ thuật tại Hà Nội và TP.HCM nếu không sẽ bị đánh giá “Không đạt” và loại ngay từ đầu.
Đáng chú ý, tiêu chí này không hề có tính chất bắt buộc trong các mẫu HSMT và HSYC theo quy định của pháp luật đấu thầu. Chỉ thị số 47/CT-TTg, ngày 27/12/ 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước đã nghiêm cấm chủ đầu tư đưa những tiêu chí trên khi xây dựng nội dung của HSMT. Tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được…
Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu cho biết, để chứng minh năng lực kinh nghiệm, nhà thầu chỉ cần xác định khả năng sẵn sàng huy động để đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Ngoài ra, để khuyến khích sự tham gia của nhà thầu nhằm tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu, pháp luật đấu thầu còn cho phép nhà thầu được thuê thiết bị, máy móc, nhân sự để đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Trung tâm TC&TK Mobifone với cách đấu thầu như thế này đang khiến dư luận đặt câu hỏi về những mập mờ, khó hiểu khi triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu do Trung tâm làm chủ đầu tư trong thời gian qua.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
LP (T.H)/ Sở hữu trí tuệ