Thu phí sai luật
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động thu phí phương tiện vào sân bay của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV. Trong văn bản này, Bộ Tài chính đề cập đến việc ACV đã không làm tròn trách nhiệm nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với phần diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không.
Bộ Tài chính dẫn Điều 156 Luật Đất đai năm 2013, đất phục vụ cho hoạt động hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay được Nhà nước giao đất cho Cảng vụ hàng không.
Việc Cảng vụ hàng không để ACV sử dụng diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga, cảng hàng không có thu tiền là có mục đích kinh doanh nhưng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục về giao đất, cho thuê đất theo quy định là có hành vi vi phạm trong sử dụng tài sản nhà nước. Bộ Tài chính cho biết điều này sẽ phị xử phạt theo Nghị định 192/2013.
Đối nghĩa vụ tài chính của ACV trong việc sử dụng đất làm đường dẫn vào sân bay, Bộ Tài chính cho biết trường hợp đất công cộng không có mục đích kinh doanh thì ACV được giao đất mà không phải nộp tiền sử dụng.
Tuy nhiên, phần giá trị tài sản trên đất (đường dẫn vào sân bay) do ACV đầu tư và có thu tiền - khi đó là có mục đích kinh doanh nên phải nộp tiền thuê đất theo quy định.
Đáng lưu ý, từ khi triển khai thu phí sử dụng đường dẫn vào sân bay đến nay, ACV chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính là nộp tiền thuê đất cho Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, ACV phải nộp tiền thuê đất theo quy định của chính sách thu tiền thuê đất và số tiền tương đương với tiền chậm nộp tính trên số tiền thuê đất phải nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế tương ứng tại từng thời kỳ đối với diện tích đất làm đường dẫn vào nhà ga.
Cũng tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã đề cập đến việc xử lý kinh tế với số tiền ACV đã thu sai trong giai đoạn 2012-2017. Theo đó, liên Bộ Tài Chính và Giao thông Vận tải cùng thống nhất không xử lý kinh tế do ACV đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách như hạch toán, đóng thuế theo quy định.
|
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ACV có nhiều sai phạm như chỉ định thầu tùy tiện cho các đơn vị khai thác mặt bằng nhà ga, lạm thu, thu không đúng quy định đối với một số dịch vụ phi hàng không, đặc biệt là việc thu phí dịch vụ sử dụng đường dẫn.
21/22 cảng do ACV quản lý đang thu phí dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các xe hơi đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ giữ xe, chỉ tạm dừng dưới 3-5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ 1/10/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không là 551 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải chưa ban hành quy định về thu phí nhượng quyền khai thác dịch vụ phí hàng không mà để ACV tự tổ chức thu, dẫn đến việc triển khai thiếu tính thống nhất, có cảng thu, có cảng không thu, tỷ lệ thu khác nhau. Hiện chỉ có 7/22 cảng thu phí nhượng quyền dịch vụ phí hàng không, với số thu trong 2 năm 2014, 2015 là 102 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu này tuy mang lại lợi ích cho ACV và cho Nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa), nhưng lại vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để.
Kinh doanh giảm sút mùa dịch
Mới đây, ACV vừa công bố doanh thu và lợi nhuận quý I giảm đáng kể do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cụ thể, doanh thu giảm 18% xuống 3.635 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ hàng không giảm mạnh 20%, đạt 2.845 tỷ đồng; nguồn thu từ cung cấp dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng, quảng cáo, hạ tầng nội cảng... tăng nhẹ 5 tỷ đồng, lên 511 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng 27%, ghi nhận 545 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh nhưng giá trị thấp 41,6 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cùng giảm 24% còn 72 tỷ đồng và 174 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh 52% xuống 44 tỷ đồng. Các công ty có vốn góp của ACV chủ yếu liên quan đến lĩnh vực hàng không như CTCP Dịch vụ Nhiên liệu Hàng không Nội Bài, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn...
Dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc đến hàng không làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành, các công ty liên doanh, liên kết của ACV cũng không nằm ngoài xu hướng trên.
Với các ảnh hưởng trên, lợi nhuận sau thuế ACV đạt 1.550 tỷ đồng, giảm 22%. ACV dự kiến doanh thu năm 2020 đạt 11.339 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng. Như vậy, riêng quý I, doanh nghiệp đã thực hiện vượt lợi nhuận dự kiến.
Tính đến ngày 31/3, tổng công ty có tài sản 58.742 tỷ đồng. Riêng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là 32.915 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu kỳ và chiếm 56% tài sản. Nợ vay tài chính là 14.890 tỷ đồng, phần lớn là các khoản dài hạn.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ