Theo đó, lũy kế năm 2019, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) ghi nhận 102.174 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 18,1% so với năm 2018.
Theo thống kê 4 năm trở lại đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần bình quân của MWG là 43,5%/năm, cao hơn khá nhiều mức tăng của năm 2019.
Mặc dù doanh thu thuần chỉ tăng 18,1% nhưng do giá vốn tăng chậm hơn đáng kể, ở mức 16,1%, nên lợi nhuận gộp của MWG tăng tới 27,4%. Biên lợi nhuận gộp theo đó được cải thiện lên mức 19,1%, tăng liên tục trong 4 năm qua.
Trong năm, doanh thu tài chính của MWG tăng tới 84,5%, trong khi chi phí tài chính tăng 30,5%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 27,1% và chiếm 14,2% doanh thu thuần, cũng tăng liên tục trong 4 năm qua.
Chốt năm 2019, MWG đạt lợi nhuận sau thuế (lãi ròng) 3.836 tỷ đồng, tăng 33,2% so với năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt ở mức 9,2% và 31,6%.
Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 của MWG âm tới 1.285 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho tăng mạnh.
Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của MWG đạt trên 41.700 tỷ đồng, tăng tới 48% sau một năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 62%. Trong đó, 71% tổng tài sản của MWG được hình thành từ nợ phải trả (chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn). Xét riêng nợ vay, tỷ lệ nợ vay so với tổng tài sản là 34%. Trong đó, tổng nợ đang ở mức hơn 21.063 tỷ đồng.
|
Thế Giới Di Động đặt kỳ vọng doanh thu vào Điện Máy Xanh trong năm 2020 |
Đáng chú ý, Bách Hóa Xanh đang chậm tiến độ hòa vốn trước chi phí quản lý doanh nghiệp. Theo đó, mảng đóng góp chính tăng trưởng của MWG năm 2020 dự kiến là Điện Máy Xanh với tốc độ mở rộng tương đối nhanh hiện nay.
Thông qua động thái tiếp tục chuyển đổi cửa hàng Thế giới di động có lưu lượng khách hàng cao thành các cửa hàng Điện máy xanh mini, thay đổi cách sắp xếp cửa hàng Điện máy xanh mini thành các cửa hàng Điện máy xanh lớn sẽ tiếp tục mang về tăng trưởng doanh thu ngành ICT.
Song song với nguồn thu tăng trưởng từ đồng hồ, điện thoại giá rẻ (đánh chiếm phân khúc mới cũng như đón đầu sự dịch chuyển tiêu dùng từ điện thoại cao cấp sang giá rẻ của khách hàng)… cũng sẽ đóng góp doanh thu và lợi nhuận Công ty.
Về giao dịch, đầu năm 2020, Pyn Elite Fund đã hoàn tất chuyển nhượng 7 triệu cổ phiếu MWG cho Arisaig Asia Consumer Fund Limited. Trước đó vào tháng 11/2019, Pyn Elite Fund cũng bán 2 triệu cổ phiếu MWG cho Arisaig Asia Consumer Fund Limited thông qua VSD.
Với động thái liên tục bán ra MWG thời gian gần đây, tỷ trọng MWG trong danh mục Pyn Elite Fund đã giảm đáng kể. Tính tới hết năm 2019, MWG chỉ còn chiếm tỷ trọng 8,13% và đứng thứ 4 trong danh mục Pyn Elite Fund. Trước đó, MWG là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất danh mục quỹ này trong nhiều năm.
Theo Pyn Elite Fund, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hoạt động kém tích cực trong những tuần gần đây và quỹ sẽ xem xét giải ngân số tiền vừa nhận được. Trong thời gian chờ đợi giao dịch MWG (từ cuối tháng 11/2019 tới 6/1/2020), quỹ đã theo dõi một số thương vụ mới. Trên thị trường, cổ phiếu MWG sau đợt giảm mạnh hiện đã hồi phục về vùng giá 120.000 đồng/CP.
T.Hà (TH)/Sở hữu Trí tuệ