Bài 1: Cách TNG Holdings làm điện tái tạo

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:35 01/04/2022

Nguồn tài chính dồi dào từ MSB giúp TNG Holdings không mất nhiều thời gian để có chỗ đứng trong thị trường năng lượng tái tạo.

LTS: Thành lập từ giữa thập niên 90 với xuất phát điểm là một nhà máy da giày, TNG Holdings sau gần 30 năm phát triển, hiện nay đã là một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu cả nước, gồm 14 công ty thành viên, đơn vị liên kết, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài mảng tài chính với ngân hàng MSB, thì bất động sản, gồm bất động sản dân dụng - CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR) và bất động sản khu công nghiệp - CTCP Đầu tư Phát triển TNI Holdings Việt Nam (TNI) là hai mảng chủ lực, được TNG Holdings dành nhiều tâm huyết và nguồn lực. Bên cạnh đó, TNG Holdings còn có nhiều tham vọng trong mảng năng lượng tái tạo, xây dựng, nông nghiệp...

Để tài trợ cho các hoạt động đa ngành của mình, ngoài nguồn vốn dồi dào từ ngân hàng MSB rót trực tiếp vào các dự án, thì trái phiếu là kênh huy động vốn phổ biến của nhóm TNG Holdings. Người Đưa Tin xin giới thiệu loạt bài viết phác hoạ chân dung các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái TNG Holdings.

CTCP Năng lượng TNPower ngày 24/3/2022 vừa hoàn tất phát hành lô trái phiếu có mã TNPCH2128004, có giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm.

Trước đó, từ cuối năm ngoái, doanh nghiệp này đã phát hành thành công 4 lô trái phiếu khác, có giá trị từ 300-500 tỷ đồng, kỳ hạn từ 1-7 năm.

Như vậy, sau 4 đợt phát hành dồn dập, TNPower đã thu về số tiền lên tới 2.300 tỷ đồng. Mục đích sử dụng vốn không được đề cập.

TNPower là pháp nhân phụ trách mảng năng lượng của Tập đoàn TNG Holdings. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2015, ban đầu có tên gọi Công ty TNHH MTV Đầu tư Sao Mộc. Phải tới đầu năm 2019 mới đổi tên thành TNPower như hiện nay, đồng thời tăng mạnh vốn từ 1 tỷ đồng lên 1.140 tỷ đồng.

Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu 78 triệu USD

Dù tham gia tham gia thị trường năng lượng tái tạo chưa lâu, nhưng TNPower đã nhanh chóng có chỗ đứng nhất định. Theo giới thiệu tại website (tnpower.com.vn), năm 2019, doanh nghiệp này đã quản lý vận hành nhà máy điện mặt trời đầu tiên với công suất 65MW, năm 2020 sở hữu và vận hành 3 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 400MW, tới năm 2021 triển khai đầu tư xây dựng và phát triển nhiều nhà máy điện, đưa tổng công suất phát điện lên 500MW, tiếp tục nghiên cứu phát triển các dự án NLTT với tổng công suất trên 700MW.

Năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, giai đoạn 2021-2030, cần tới 10,16 tỷ USD mỗi năm đầu tư cho nguồn điện. Trong đó, cơ cấu năng lượng mặt trời là 22,57%, năng lượng gió là 5,16%. Tỉ lệ này có thể sẽ còn cao hơn nữa, khi Việt Nam tại Hội nghị COP26 vào cuối năm ngoái đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về Net Zero, đưa phát thành ròng về 0 vào năm 2050.

Trong bối cảnh đó, ngoài các doanh nghiệp chuyên về đầu tư năng lượng tái tạo, các tập đoàn tư nhân hàng đầu cũng tham gia vào lĩnh vực này, điển hình là T&T Group của bầu Hiển, và TNG Holdings.

Ngay sau khi đổi tên và tăng vốn, trong năm 2019, TNPower đã bắt tay với "ông lớn" BCG Energy thành lập CTCP Green Energy Bình Đại tại tỉnh Bến Tre, với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong đó TNPower chiếm 51%, thành viên Bamboo Capital Group sở hữu 44%.

Vào giữa năm 2019, TNPower từng được chấp thuận tìm hiểu dự án điện mặt trời nổi khu vực hồ Mạch Điểu, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi; hay dự án điện mặt trời nổi hồ Phước Hoà, huyện Chơn Thành, Bình Phước có công suất 160MWp, vốn đầu tư 2.972 tỷ đồng. Tại Bình Phước, doanh nghiệp này cũng được chấp thuận khảo sát dự án điện mặt trời nổi hồ Suối Gia, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú với công suất 49MWp, vốn đầu tư 800 tỷ đồng.

Trong khi các dự án "sơ cấp" này đến nay chưa có thông tin mới, thì TNPower đã tham gia mạnh mẽ vào nhiều dự án với vai trò "thứ cấp".

Dự án đầu tay của TNPower phải kể tới Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19, công suất 61MWp, vốn đầu tư 73 triệu USD tại Thuận Nam, Ninh Thuận. Dự án ban đầu thuộc về Tasco, hiện do TNPower nắm giữ 49%, còn Risen Energy của Trung Quốc sở hữu 51%. Dự án đã hoàn thành phát điện và đang được hưởng giá FIT 9,35 UScent/kWh.

Một dự án khác tại Ninh Thuận, cũng được hưởng giá FIT 9,35 UScents/kWh đã về tay TNPower là Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu, công suất 65MW, vốn đầu tư 78 triệu USD. Dự án ban đầu thuộc về Vịnh Nha Trang Group của đại gia Lê Anh Đức, song sau đó đã được doanh nhân có biệt danh Đức "Cá Tầm" sang tay toàn bộ cho nhóm TNG Holdings. Hiện các cổ đông của dự án gồm TNPower (5 triệu CP), CTCP Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt nam (10 triệu CP), và ông Đinh Thái Chung (5 triệu CP).

Dự án điện mặt trời Phước Hữu, trước khi hoàn tất mua lại dự án từ nhóm Vịnh Nha Trang được chính MSB năm 2019 tài trợ tín dụng để doanh nghiệp của doanh nhân Lê Anh Đức phát triển dự án.

Đây không phải cái bắt tay đầu tiên giữa 2 doanh nhân có "gốc" Đông Âu, khi Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) - nhà băng trong hệ sinh thái TNG Holdings là một trong các đối tác cấp vốn chủ yếu cho nhóm Vịnh Nha Trang Group trong vài năm trở lại.

Vào giữa năm 2019, MSB chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh đã mua trọn lô trái phiếu 650 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm của CTCP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang. Vào tháng 8-9/2021, cũng là MSB chi nhánh Tp.HCM đã nhận thế chấp 5,91 triệu cổ phần CTCP Trần Thái Cam Ranh thuộc sở hữu của vợ chồng ông Lê Anh Đức và Vịnh Nha Trang.

Vào tháng 9/2021, MSB chi nhánh Tp.HCM nhận thế chấp 11 triệu cổ phần của CTCP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh thuộc sở hữu của ông Đức và vợ là bà Hà Thị Phương Thảo.

Ở diễn biến đáng chú ý, từ 3/12/2021-9/2/2022, CTCP CLB Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh đã huy động thành công 2.500 tỷ đồng trái phiếu có mã NCRCH2123001, kỳ hạn 2 năm. Mục đích của lô trái phiếu không được công bố, song Du thuyền và Nghỉ dưỡng Cam Ranh, nên biết, là chủ đầu tư dự án Cam Ranh City Gate quy mô 47,2ha cạnh Sân bay Quốc tế Cam Ranh. Bản thân dự án này đã được thế chấp tại MSB Tp.HCM từ tháng 9 năm ngoái.

Trở lại với dự án điện mặt trời Phước Hữu, trước khi hoàn tất mua lại dự án từ nhóm Vịnh Nha Trang, thì cũng chính MSB năm 2019 đã tài trợ tín dụng để doanh nghiệp của doanh nhân Lê Anh Đức phát triển dự án.

Chiến lược "lạ" của TNG Holdings

Việc tài trợ tín dụng rồi sau đó mua lại dự án dường như là một phần trong chiến lược đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của TNG Holdings.

Website của TNPower còn giới thiệu một dự án rất lớn có công suất 200MWp, diện tích 240ha, vốn đầu tư 163 triệu USD tại Đông Nam Bộ, triển khai từ tháng 6-12/2020, TNPower cho biết đây là dự án điện mặt trời lớn nhất của doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại. Tìm hiểu của Người Đưa Tin cho thấy nhiều khả năng đây chính là dự án Điện mặt trời Lộc Ninh 4, nằm trong cụm dự án Điện mặt trời Lộc Ninh tại Bình Phước của Tập đoàn Hưng Hải.

Việc tài trợ tín dụng rồi mua lại dự án dường như là một phần trong chiến lược đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của TNG Holdings.

Đầu năm 2021, MSB tổ chức lễ ký kết gói tín dụng 2.400 tỷ đồng phát triển dự án ĐMT Lộc Ninh 4. Tuy nhiên trước đó ít tuần, vào ngày 22/12/2020, 39,2 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn doanh nghiệp dự án đã được nhóm Hưng Hải sang tay cho doanh nhân Phan Văn Dũng. Cùng thời điểm, toàn bộ số cổ phần dự án, gồm cả 51% của Tập đoàn Hưng Hải, cùng quyền tài sản, lợi ích của dự án đã được thế chấp tại MSB chi nhánh Sở giao dịch.

Đồng thời, nhà băng này công bố gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo với mức lãi suất ưu đãi nhất.

"Việc tài trợ vốn cho dự án năng lượng mặt trời Lộc Ninh 4 một lần nữa khẳng định sự ưu tiên của Ngân hàng trong việc góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng xanh, bám sát chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước... Thông qua Hợp đồng tài trợ dự án Lộc Ninh 4 và gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, MSB mong muốn tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm đồng hành, phát triển bền vững cho cả hai bên cũng như góp phần vào việc phát triển năng lượng sạch của Việt Nam", thông cáo báo chí của sự kiện cho hay.

Báo cáo tài chính thể hiện cơ cấu tín dụng dành cho sản xuất điện, năng lượng của MSB tăng nhanh trong 4 năm qua, từ 1.639 tỷ đồng đầu năm 2019 lên gấp 4,4 lần, đạt 7.126 tỷ đồng cuối năm 2021, tương đương tỷ trọng trong cơ cấu tín dụng từ 2,63% lên 7,02%.

Ngoài Vịnh Nha Trang hay Hưng Hải Group, một đối tác chính yếu của TNG Holdings trong mảng năng lượng phải kể tới Tài Tâm Group của đại gia Đỗ Lê Quân.

Theo đó, MSB là nhà tài trợ vốn cho 2 dự án điện gió của Tài Tâm Group ở Quảng Trị là dự án Tài Tâm Hoàng Hải (công suất 50MW, vốn đầu tư 98,5 triệu USD) và dự án Tài Tâm Quảng Trị (50MW, vốn 1.800 tỷ đồng). Cùng với đó, dự án điện gió Thạnh Phú Bến Tre (120MW, vốn 5.000 tỷ đồng) đã và đang được thế chấp tại chính TNPower.

Kế hoạch đến năm 2025, TNPower cho biết sẽ đạt tổng công suất phát điện 5.000MW, hướng tới trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Với tầm nhìn như vậy, sẽ không bất ngờ nếu thời gian tới chứng kiến thêm nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của TNG Holdings, đặc biệt ở các dự án mà MSB đang cấp tín dụng.

TNPower, với 2.300 tỷ đồng thu về qua 5 đợt phát hành trái phiếu vừa qua, được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình M&A này. Trái phiếu, lưu ý, là kênh huy động vốn ưa thích của vợ chồng doanh nhân Trần Anh Tuấn - Nguyễn Thị Nguyệt Hường, sẽ được Người Đưa Tin đề cập trong kỳ tới.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/chan-dung-tng-holdings-bai-1-cach-tng-holdings-lam-dien-tai-tao-a548342.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 1: Cách TNG Holdings làm điện tái tạo tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần
Tin tức mới nhất