Hành trình thâu tóm đất vàng 69 Nguyễn Du của Hợp Thành
Theo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, cơ quan này sẽ thanh tra một số nội dung đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, lô đất 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, rộng 570m2, được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc theo văn bản số 1665/TTg-KTN ngày 6/10/2008.
Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã thu hồi và giao cho Tổng công ty xây lắp Dầu khí (PVC) cải tạo làm trụ sở trong thời hạn 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép.
|
Lô đất 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự, rộng 570m2, được Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc. |
PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi "Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du", quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2 dự kiến cung cấp các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu làm việc hàng ngày của PVC và các đối tác thuê văn phòng tại đây.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, ngày 31/12/2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành với giá gần 96 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính Phủ, tại thời điểm thanh tra PVN, Công an Hà Nội đang tiến hành điều tra việc mua, bán nhà đất tại 69 Nguyễn Du nên TTCP đã có văn bản đề nghị cơ quan này tiếp tục xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Vậy là “cá mập” Hợp Thành đã có được đất vàng 69 Nguyễn Du với giá gần 95,9 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Hợp Thành mua với giá khoảng 168 triệu đồng/m2 x 596,7m2.
Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 22/7/2016, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã thông tin: Năm 2011, Thanh tra Chính phủ thanh tra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong đó, nhiều đơn vị thành viên, có cả Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
“Lúc ông Thanh làm lãnh đạo, PVC thua lỗ 3.300 tỷ đồng như kết luận Thanh tra Chính phủ công bố. Ngoài ra PVC còn nhiều vi phạm khác. Trách nhiệm của ông Thanh đã được Tổng Bí thư chỉ đạo làm rõ”, ông Khánh cho hay.
Còn việc xử lý trách nhiệm của ông Thanh cũng như việc bổ nhiệm, cân nhắc các chức vụ là do các Bộ, ngành khác, không thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. Ông Khánh cũng cho biết, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra những sai phạm trong một số dự án lớn như: Nhà máy nhiên liệu Xăng sinh học (Phú Thọ), Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) và bước đầu kết luận, PVC có sai phạm trong thi công các dự án này.
Qua ghi nhận của Pháp luật Plus vào ngày 8/4, khu đất 69 Nguyễn Du không có dấu hiệu triển khai thi công xây dựng, cánh cửa bằng sắt nặng hàng tạ vẫn đóng kín. Bên trong vẫn là một ô đất trống, bên ngoài tấm biển Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du - Nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã bạc phếch theo thời gian.
'Cá mập' Hợp Thành - Họ là ai?
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Khoáng sản Hợp Thành là doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực khai khoáng, luyện thép, bất động sản, xây lắp... Năm 2002, ông Lê Hồng Thái thành lập Công ty TNHH Hợp Thành tại Thành phố Thái Bình, chuyên sản xuất xơ sợi polyester.
Cuối tháng 9/2010, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Uỷ viên HĐQT của PVC. Ông Thái là đại diện do nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và CTCP Chứng khoán Thăng Long đề cử.
Trước đó, ông Lê Hồng Thái đã có 2 năm làm Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC-IMICO) - đơn vị thành viên của PVC.
CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành - nhà đầu tư chiến lược sở hữu Cảng Quy Nhơn được ông Lê Hồng Thái thành lập năm 2007 và nhanh chóng phát triển trở thành một tập đoàn đa ngành với quy mô rất lớn.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra quá trình cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn. Tại văn bản này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm của nhiều cơ quan, tổ chức, từ Vinalines, UBND tỉnh Bình Định cho đến Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng Chính phủ. Cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi toàn bộ 75% vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã bán cho 1 công ty. Và công ty đó chính là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành.
Cảng Quy Nhơn là một trong 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%. Tuy nhiên, từ tháng 9/2015 đến nay, sau hai lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, Cảng Quy Nhơn đã không còn vốn nhà nước. Trong khi Khoáng sản Hợp Thành nắm giữ hơn 86%.
|
Như vậy, sau 6 năm hoạt động, vào thời điểm bắt đầu thâu tóm Cảng Quy Nhơn (năm 2013), Khoáng Sản Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...
Cũng trong khoảng thời gian này, Khoáng sản Hợp Thành đầu tư mạnh vào mảng bất động sản với dự án 69 Nguyễn Du, rồi dự án xây dựng tòa nhà văn phòng Mitec, dự án khách sạn SeaDragon tại Quảng Ninh, dự án HH3–Khu đô thị Nam An Khánh, tòa nhà văn phòng số 2 Lê Văn Lương...
Năm 2011, Khoáng sản Hợp Thành là 1 trong 5 chủ đầu tư thứ cấp mua 46,8 ha tại dự án Vincom Village với giá trị 770 triệu USD (Hợp Thành mua 30 triệu USD).
Sau đó, doanh nghiệp này tiếp tục gây chú ý bằng việc mua 24,27% cổ phần cảng Vinalines Đình Vũ hay thương vụ 'sang tay' Khách sạn Deawoo đình đám.
Đáng chú ý, trước khi được xác định là "nhà đầu tư chiến lược" để mua cổ phần tại Cảng Quy Nhơn, Công ty Hợp Thành chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh cảng biển. Chỉ sau khi có chủ trương cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, vào tháng 5/2013, Hợp Thành mới đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh này.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ