Các tiêu chí kỳ lạ?
Ngày 31/10/2019, Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) thầu: “Gói thầu 02: Mua sắm 231 máy biến áp đợt 1 - 2020” trên mạng đấu thầu quốc gia. Đây là 1 trong 2 gói thầu mua máy biến thế được triển khai mời thầu vào cuối tháng 10/2019 nhằm đảm bảo hoạt động của ngành điện lực trên địa bàn TP. Hà Nội trong năm 2020 sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, sau khi tiếp cận hồ sơ mời thầu (HSMT), một số doanh nghiệp bỗng thấy hụt hẫng khi nhận ra rằng, gói thầu này xuất hiện các tiêu chí phụ kỳ lạ, được “cài cắm” một cách tinh vi, gây khó khăn, hạn chế cho các nhà thầu có khả năng tham gia đấu thầu.
Cụ thể, tại bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm của HSMT “Gói thầu 02: Mua sắm 231 máy biến áp đợt 1 - 2020 , EVN Hà Nội yêu cầu: số lượng hợp đồng tương tự ít hơn hoặc nhiều hơn 3, trong đó ít nhất 1 hợp đồng có giá có giá trị tối thiểu là 57 tỷ đồng và tổng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng lớn hơn hoặc bằng 171 tỷ đồng.
Theo chỉ dẫn tại Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa:“Hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét và đã hoàn thành, bao gồm:…Tương tự về quy mô, có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét. Trường hợp trong HSMT yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ hai hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng với quy mô, tính chất”.
Thế nhưng, HSMT của EVN Hà Nội yêu cầu hợp đồng tương tự là 57 tỷ đồng là cao hơn 70% giá trị dự toán của gói thầu là 56.218.389 đồng (giá dự toán của gói thầu trên mạng đấu thầu quốc gia là: 80.311.985.417 đồng).
Trong khi đó, quy định tại Điều 5 mục a Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ nêu rõ: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; … Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu…”.
Vậy, việc EVN Hà Nội đưa tiêu chí như trên vào HSMT đã “dẫm đạp” lên Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?
Cũng tại Bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm của HSMT, EVN Hà Nội đưa ra yêu cầu cần tuân thủ: “Ít nhất có 1 thành viên trong liên danh có 1 hợp đồng tương tự có giá trị 57 tỷ đồng”. Tuy nhiên, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định tiêu chí đánh giá về năng lực rằng: “Đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; Số lượng thành viên trong liên danh không có quá 3 thành viên, nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu”.
Theo tiêu chuẩn quy định nêu trên, từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh, tuy nhiên trong HSMT lại yêu cầu cụ thể: “Ít nhất có 1 thành viên trong liên danh có 1 hợp đồng tương tự có giá trị 57 tỷ đồng” mà không cần xem xét phần việc mà nhà thầu đó đảm nhiệm trong liên danh hay không? Điều này cho thấy, HSMT của EVN Hà Nội đã đưa ra yêu cầu cao hơn mức yêu cầu cần thiết của gói thầu?
Tại phần ghi chú 1 (trang 12) của HSMT quy định: “Mỗi một hợp đồng nhà thầu trình trong E - HSDT để chứng minh năng lực chỉ được tính là năng lực kinh nghiệm cho 1 gói thầu tham dự thầu vào cùng thời điểm”. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm quy định tại Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT hoàn toàn không có bất cứ một yêu cầu nào về việc hạn chế nhà thầu tham gia đồng thời nhiều gói thầu cùng một lúc.
“Chơi chiêu” để loại nhà thầu?
Tại cùng thời điểm trên, EVN Hà Nội tổ chức mời thầu 2 gói mua máy biến áp (Gói 01: Mua sắm 293 máy biến áp đợt 1 – 2020 và gói thầu 02: Mua sắm 231 máy biến áp đợt 1 - 2020). Như vậy, HSMT của EVN Hà Nội đã hạn chế luôn việc các nhà thầu có năng lực tham gia đồng thời nhiều gói thầu cùng thời điểm, trái với quy định của Thông tư 05/2015?
Không chỉ vậy, trong HSMT của EVN Hà Nội còn yêu cầu “nhà thầu cung cấp xác nhận vận hành thành công của tối thiểu 2 đơn vị sử dụng trực thuộc EVN”. Điều này đồng nghĩa với việc nhà thầu đã phải cung cấp sản phẩm của mình trên một đơn vị cụ thể là EVN và một địa bàn cụ thể do EVN quản lý là quốc gia Việt Nam. Như vậy, yêu cầu này dẫn tới sự hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có đủ năng lực mà chưa từng cung cấp hàng hóa cho EVN, đặc biệt là các nhà thầu nước ngoài, có uy tín trên trường quốc tế. Điều này thật khó hiểu?
Thêm một tiêu chí “oái oăm” nữa được đưa tại bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm, phần ghi chú, HSMT đưa ra yêu cầu: Đối với những hợp đồng được ký kết căn cứ vào đơn giá của thỏa thuận khung. Chủ đầu tư sẽ căn cứ vào các hợp đồng đã hoàn thành xong trong vòng 120 ngày kể từ ngày thỏa thuận khung được ký kết để tổng hợp giá trị.”
Tuy nhiên, đối chiếu với Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí này đã vi phạm phần 5, mục a: “Khi xây dựng yêu cầu kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo ra lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng…”
Lý giải việc tiêu chí này, EVN Hà Nội đã có thông báo rằng: Xét nhu cầu thực tế của EVN HANOI, nhà thầu trúng thầu trong vòng 60 ngày sẽ phải hoàn thành khối lượng 231 máy biến áp. Đây là khối lượng lớn, vậy nên để chứng minh được tính đáp ứng, EVN HANOI cho phép các nhà thầu sử dụng các hợp đồng nhỏ lẻ căn cứ thỏa thuận khung đã được thực hiện xong trong vòng 120 để tổng hợp giá trị, làm cơ sở chứng minh được năng lực thực hiện hợp đồng với quy mô tương tự và đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của bên mời thầu”.
Tuy nhiên, lý giải của EVN Hà Nội đưa ra không có cơ sở pháp lý rõ ràng, cũng như bằng chứng khách quan. Bởi, việc chứng minh năng lực về khả năng đáp ứng tiến độ, đã có trong biểu mẫu của HSMT và được nhà cung cấp đệ trình thông qua biểu tiến độ và biện pháp kỹ thuật cung ứng hàng hóa, điều này sẽ được đánh giá bởi tổ chuyên gia, cũng như việc đánh giá trực tiếp tại cơ sở sản xuất trong trường hợp cần thiết.
|
EVN Hà Nội đưa ra nhiều tiêu chí khiến nhà thầu "ngã ngửa"? |
Việc EVN Hà Nội tự ý lấy lý do nhu cầu thực tế để đưa ra yêu cầu áp dụng thời gian đối với việc thực hiện hợp đồng theo thỏa thuẩn khung, làm cơ sở bắt buộc để chứng minh năng lực đáp ứng tiến độ mà chưa có sự đo lường, đánh giá của bộ phận chuyên môn độc lập là vi phạm nghiêm trọng công tác lập HSMT.
Mặt khác, theo định nghĩa 23 Điều 4 luật Đấu thầu: Thỏa thuận khung cũng là một hợp đồng. Vậy trong HSMT yêu cầu về thời gian thực hiện thỏa thuận khung trong phạm vi 120 ngày, mà không áp dụng quy định về thời gian với các loại hình hợp đồng khác là không có cơ sở pháp lý, đồng thời hạn chế nhà thầu, không bình đẳng giữa nhà thầu đã thực hiện loại hình hợp hợp đồng theo Thỏa thuận khung với các nhà thầu khác, là giới hạn sự tham gia của các nhà thầu thực hiện theo loại hình hợp đồng ký kết theo thỏa thuận khung. Vi phạm nghiêm trọng theo Chỉ thị 47/CT-TTg về tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu.
Thêm nữa, tiêu chí nêu trên, cũng không phù hợp với các quy định của Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, bởi định nghĩa hợp đồng tương tự hoàn toàn không đề cập tới thời gian thực hiện các hợp đồng vì vậy việc EVN Hà Nội đưa thêm điều kiện về thời gian để làm căn cứ chứng minh tính tương tự về quy mô là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, trên thực tế đối với hợp đồng kinh tế lớn mà không phải các trường hợp “đặc biệt” thường được các tổ chức lập kế hoạch với thời gian thực hiện đủ dài, thông thường có thời gian từ 6 tháng cho tới 36 tháng. Vậy việc EVN Hà Nội lấy lý do “Xét nhu cầu thực tế, nhà thầu trúng thầu trong vòng 60 ngày sẽ phải hoàn thành khối lượng 231 máy biến áp” giới hạn thời gian thực hiện hợp đồng với loại hình hợp đồng ký theo thỏa thuận khung trong 120 ngày (4 tháng) là một yêu cầu hoàn toàn không cơ sở thực tế mà mang tính định hướng thiếu khách quan.
Theo luật đấu thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, pháp luật chỉ có hướng dẫn hợp đồng tương tự là tương tự về chủng loại, tính chất và quy mô với gói thầu đang xét. Việc đưa yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu được quy định trong phần đánh giá về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.
Điều đáng nói, việc đưa ra yêu cầu tương tự như trên về xác nhận vận hành được thực hiện bởi các Tổng công ty khác trực thuộc EVN hoàn toàn không có yêu cầu cụ thể nào đối với việc xác nhận vận hành phải là đơn vị trực thuộc EVN. Điều này dẫn đến trong cùng một tập đoàn EVN có duy nhất một EVN Hà Nội là yêu cầu khác biệt và giới hạn sự vận hành lên lưới của EVN?
Đáng lưu ý, việc này mới chỉ diễn ra trong thời gian gần đây, khi mà ông Nguyễn Danh Duyên được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc EVN Hà Nội vào ngày 31/9/2019 theo Quyết định số 368/QĐ-EVN?
Mặc dù đều là những gói thầu rộng rãi công khai trên mạng, tuy nhiên với những bất thường từ các tiêu chí của EVN Hà Nội liệu có đang tìm cách loại doanh nghiệp để “trợ giúp” cho một kết quả nào đó một cách trót lọt?
Còn nữa!
Đăng Khôi/Sở hữu Trí tuệ