Dự án Vườn rau 4K - Ước mơ của Chủ tịch MWG
Mới đây, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) vừa được tổ chức, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài tiết lộ về dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của MWG.
Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đây là một ước mơ ngay từ khi xây dựng Bách Hóa Xanh.
|
Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài |
"Đây là ước mơ của tôi. Khi Bách Hóa Xanh đủ lớn thì sẽ quay lại tác động lên người nông dân để chuyển giao cho họ những cách thức trồng và tạo ra các sản phẩm an toàn, đúng đắn cho người tiêu dùng" - Chủ tịch Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Dự án Vườn rau 4K (4KFarm) của MWG theo tiêu chuẩn 4 không: không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản, không biến đổi gen. Dự án này là mô hình kết hợp giữa vườn rau nhà trồng và công nghệ hiện đại. Công ty có đội chuyên gia chuyển giao công nghệ cho người nông dân và cam kết bao tiêu đầu ra, sau đó đưa đến tay người tiêu dùng thông qua Bách Hóa Xanh. 4KFarm không thu mua sản phẩm từ các bên thứ ba không hợp tác, mà chỉ mua từ những đối tác nông dân của dự án.
Theo chia sẻ của đại diện 4KFarm - ông Cao Nhật Anh Tú, các hộ nông dân có sẵn đất, còn 4KFarm sẽ tạm ứng chi phí để triển khai trồng các loại rau theo nhu cầu thị trường, và cung cấp các vật tư cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, 4KFarm có vườn rau tại khu vực Châu Pha, vùng quy hoạch nông nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với diện tích 1.000m3, công ty có thể sản xuất được khoảng 3,5 tấn rau, ngoài ra với công nghệ vườn ươm trước có thể cho nhiều vụ hơn, nên tổng sản lượng có thể cao hơn trong tương lai.
"Trong vòng 9 tháng tới, MWG đặt mục tiêu triển khai 60 nghìn m2 diện tích trồng rau. Quy mô này có thể đáp ứng 20% nhu cầu của Bách Hóa Xanh trong khu vực TP HCM", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay.
Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài không phải là trường hợp cá biệt các doanh nghiệp "tay ngang" đầu tư vào nông nghiệp.
Trào lưu chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp của các "đại gia" bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào lĩnh vực chính là nông nghiệp. Sau đó là "vua thép" Trần Đình Long, và gần đây nhất là tỷ phú Trần Bá Dương khi quyết định hợp tác, mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám với bầu Đức và "vua cá" Hùng Vương. Tuy nhiên, số phận các dự án đầu tư nông nghiệp của những "ông lớn" cũng đang có sự khác biệt lớn.
Mở Bách Hóa Xanh chỉ ở 25 tỉnh chuẩn bị bán rau sạch?
Muốn trồng rau để bán thì Bách Hóa Xanh phải hướng đến vùng có quỹ đất lớn dành cho nông nghiệp và có lẽ đó là lý do Thế Giới Di Động quyết định mở Bách Hóa Xanh chỉ ở 25 tỉnh.
|
Dự án Vườn rau 4K (4KFarm) của MWG |
Và đó là một trong các nội dung được thảo luận nhiều nhất về chiến lược mở rộng và điểm lợi nhuận của Bách Hóa Xanh. Đại diện bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Thế Giới Di Động trình bày việc mở rộng Bách Hóa Xanh theo 2 giai đoạn với hiện tại là tăng tốc mở mới, mở rộng thị trường, đầu tư mạnh cho hệ thống kho và trung tâm phân phối (DC).
CEO Thế Giới Di Động Trần Kinh Doanh cho biết, với nhu cầu đột biến trong tháng 3, Bách Hóa Xanh thực sự đã có lãi nhưng đó là may mắn khi doanh thu trên mỗi cửa hàng đột biến ở mức 1,6 tỷ đồng. Các tháng sau biên lãi gộp 24-25% sau hủy hàng.
Với lãi gộp đó trừ đi chi phí hoạt động khoảng 20%, chi phí DC (trung tâm phân phối, kho) khoảng 5,5% thì dự án bắt đầu trang trải được các chi phí. Khi nào biên lãi gộp tăng thêm một phần nhỏ nữa sẽ có lời.
Do đó, chiến lược 2020 của Bách Hóa Xanh sẽ chỉ mở cửa hàng từ vùng Đắk Lắk, Lâm Đồng trở vào Cà Mau, mở rộng quy mô ra 25 tỉnh thành, nâng tổng số lên khoảng 1.800-1.900 cửa hàng nhưng lại chưa có kế hoạch mở rộng ra miền Bắc.
Năm 2021, Bách Hóa Xanh vẫn tập trung tại các tỉnh, thành có sẵn nhưng mở thêm 500 - 600 cửa hàng để đảm bảo việc có lợi nhuận. Đây là chiến lược nội bộ của Thế Giới Di Động nhưng không có nghĩa không mở rộng ra các tỉnh thành khác.
Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh, Bách Hóa Xanh năm nay sẽ đạt doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng. Khi quy mô của chuỗi càng lớn thì Thế Giới Di Động càng có khả năng thương lượng để tăng tỷ lệ lãi gộp từ các nhà cung cấp. Vì vậy, sang năm, hệ thống chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ chắc chắn có lãi sau khi trừ đi mọi chi phí.
Giảm mục tiêu lãi ròng 30% vì dịch Covid-19
Cái không may của MWC là đợt bùng phát dịch bệnh rơi đúng vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ điện thoại, điện máy. Vì thế 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không còn nhiều cơ hội cải thiện doanh thu trong nửa cuối năm do các sự kiện thể thao quan trọng đã phải dời sang năm 2021. Trong khi hoạt động bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng và chưa mang lại lợi nhuận.
Chính vì thế, năm 2020, Thế Giới Di Động đặt kế hoạch cho doanh thu thuần hợp nhất đạt 110.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2019, trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt 3.450 tỷ đồng, giảm 10%.
|
Trước đó, Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động đặt kế hoạch doanh thu năm 2020 là 122.554 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.835 tỷ đồng, tăng lần lượt 20% và 26% so với năm 2019.
So với kế hoạch ban đầu, Thế Giới Di Động đã lần lượt hạ hơn 10% chỉ tiêu doanh số và gần 30% chỉ tiêu lợi nhuận. Kế hoạch này được xem khá thận trọng trong bối cảnh sức tiêu dùng của người dân rất có thể sẽ giảm vì Covid-19 trong nửa cuối năm 2020.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ