Doanh nghiệp bất động sản có dư nợ từ 5.000 tỷ phải báo cáo Chính phủ

DTVN 08:30 24/10/2019

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa trình cơ chế báo cáo quy định "doanh nghiệp bất động sản có dư nợ từ 5.000 tỷ đồng phải báo cáo Chính phủ" tại phiên họp tổ của Quốc hội diễn ra chiều 22/10.

Theo nhiều đại biểu, kết quả kinh tế xã hội năm 2019 theo báo cáo của Chính phủ là rất ấn tượng, nhất là tăng trưởng GDP khoảng 6,8% và kiềm chế lạm phát dưới chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên cần được quan tâm sâu sát hơn.

Đề cập câu chuyện đang rất thời sự là ô nhiễm nguồn nước sạch Sông Đà, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho rằng cần quan tâm đến phản xạ trong các sự cố môi trường.

"Ô nhiễm nước sạch làm đảo lộn cuộc sống của mấy triệu dân Hà Nội nhưng phản ứng, xử lý, đảm bảo cuộc sống cho dân thì cần xem lại", ông Khánh nói.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) cho rằng, nếu tính cả cho vay tiêu dùng núp bóng để đổ vào bất động sản thì dư nợ lĩnh vực này còn hơn cả 1,5 triệu tỷ.

Ông Thưởng lo, tiền đổ vào nhiều như thế, nếu thị trường bất động sản mà bất ổn thì tạo ra nợ xấu, cả xã hội phải gánh, gây bất ổn cho nền kinh tế.

"Chính phủ đánh giá thị trường bất động sản tốt nhưng tôi thấy lo về việc này, dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo siết tín dụng bất động sản nhưng tôi vẫn muốn lắng nghe ý kiến của Phó thủ tướng", ông Thương đưa ra đề nghị.

Dẫn lại nội dung buổi họp, Công thông tin Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có những lý giải cụ thể về diễn biến tăng trưởng tín dụng, trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế thời gian qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Trước đây, tăng trưởng tín dụng 33%/năm, nhưng GDP chỉ tăng từ 5 - 6%. Những năm gần đây, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chính sách tín dụng, nhất là tín dụng bất động sản, chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất, nên tín dụng nói chung tăng khoảng 14%, nhưng tăng trưởng kinh tế cao hơn trước”, Phó Thủ tướng nói tại buổi họp.

Trên cơ sở mức tăng trưởng tín dụng 13,89% của năm 2018, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2019, Ngân hàng Nhà nước định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 8, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 7,82 triệu tỷ đồng trong đó, tổng dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản chiếm 19,14%, tương đương khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.

Tín dụng bất động sản chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 14,58% trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 32,7% dư nợ bất động sản, tăng 5,5%; tín dụng cho mục đích tự sử dụng chiếm 68,3% dư nợ bất động sản, tăng 19,6%.

Tín dụng tiêu dùng chiếm 20,68% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 13,92%, trong đó liên quan bất động sản (mua, thuê, thuê mua, xây dựng sửa chữa nhà ở) chiếm 59,4% dư nợ cho vay tiêu dùng, tăng 19,51%.

Theo phân tích của Phó Thủ tướng: "Trong những tháng đầu năm 2019 tín dụng bất động sản tăng đột biến vì Chính phủ thay đổi cách tính. Cụ thể, những năm trước tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản được thống kê riêng một mục và tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, sửa chữa nhà ở tính một mục khác...

Tuy nhiên, từ năm vừa rồi Chính phủ yêu cầu tổng hợp hai mục này vào để không chủ quan là tỷ lệ tín dụng bất động sản thấp", Phó Thủ tướng giải thích.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, các dự án quy mô lớn, chỉ xem xét các dự án vay vốn khả thi, và thận trọng khi cho nhà đầu tư thứ cấp vay.

Theo Phó Thủ tường bất động sản vẫn còn là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên Chính phủ không chủ quan khi kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.

Phó Thủ tướng cho biết, để kiểm soát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 tháng/lần đối với doanh nghiệp bất động sản có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỷ đồng trở lên và chịu trách nhiệm về báo cáo đó.

Theo Văn Thắng/Thời Báo Chứng Khoán

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp bất động sản có dư nợ từ 5.000 tỷ phải báo cáo Chính phủ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất