Từ chối công bố nội dung về cổ phần hóa Hãng phim
Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây. Sáng 3/1 vừa qua, tại Họp báo thường kỳ quý IV năm 2019, câu chuyện Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại một lần nữa được nhấn mạnh và đòi hỏi làm rõ, nhất là trong thời điểm nhiều nghệ sĩ đang căng băng-rôn, khẩu hiệu kêu cứu.
|
Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề được quan tâm trong thời gian gần đây. |
Khi phóng viên đặt câu hỏi về hoạt động của Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Hãng phim đã cổ phần hóa thành công ty và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu muốn biết về các hoạt động của Hãng, các phóng viên liên hệ với phía công ty".
Không hài lòng với câu trả lời của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phóng viên tiếp tục nêu vấn đề: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn giữ vốn nhà nước tại Hãng phim, Hãng phải có trách nhiệm báo cáo hoạt động trong năm với Bộ. Trong trường hợp, Hãng không báo cáo, Bộ hoàn tòa có thể đưa ra yêu cầu.
Tuy nhiên, trước thắc mắc của các phóng viên, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ nhận được văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Dù có trong tay văn bản nhưng ông Nguyễn Thái Bình từ chối công bố trong buổi họp báo: "Ai quan tâm, sau cuộc họp có thể lên văn phòng tôi cho xem văn bản. Tôi không thể công bố nội dung văn bản ở đây" - Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói.
Câu trả lời trên một lần nữa không thể thuyết phục được phóng viên, một lần nữa, phóng viên yêu cầu đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nếu không thể công bố toàn bộ nội dung thì có thể nêu tinh thần chính trong văn bản của Phó Thủ tướng.
Ông Nguyễn Thái Bình trả lời: "Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định cụ thể số tiền hoàn trả nhà đầu tư chiến lược và báo cáo lộ trình giải quyết những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Hiện, Bộ đang tập trung xử lý từng vấn đề".
Trước đó tồn tại nhiều sai phạm trong cổ phần hóa, lỗ liên tiếp
Sau khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam rơi vào khủng hoảng và gần như không có bất cứ hoạt động nào đáng kể.
Ngày 20/9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Kết luận chỉ rõ việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) còn một số tồn tại và khuyết điểm.
Cụ thể việc thực hiện các bước cổ phần hóa, lựa chọn tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa để cho VFS tự lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa là vi phạm Luật Đấu thầu 2013.
VFS ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa, nhưng chưa tuân thủ mẫu hợp đồng quy định.
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc VFS ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Quá trình quản lý sử dụng bốn cơ sở nhà đất, VFS chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Đến thời điểm kiểm tra (30/10/2017), VFS chưa thực hiện các thủ tục để ký tiếp hợp đồng thuê đất với hai cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (TP HCM).
Ngoài ra, VFS còn chậm nộp tiền thuê đất, với số tiền trên 21,7 tỷ đồng, đến thời điểm 30/9/2017.
Thanh tra Chính phủ nêu, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại VFS chưa đúng quy định dẫn đến một số vi phạm như: quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện Ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Điện ảnh truyền hình (TP Hà Nội) chưa chính xác; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp.
Một số chi phí vượt so với được phê duyệt. Ngoài ra, hàng năm VFS cũng chưa thường xuyên đối chiếu công nợ với khách...
Ngoài ra kết luận cũng chỉ rõ, việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có nhiều sai sót, như: xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.
Nhà đầu tư chiến lược chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Việc lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động cũng có nhiều sai phạm khi Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đưa vào 6 lao động không thuộc danh sách đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc của VFS...
Dù Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm những tồn tại trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng cho đến nay có vẻ như tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ.
Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chính thức tiến hành từ năm 2014. Sau quá nhiều lùm xùm, đến năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận quá trình cổ phần hóa có quá nhiều sai phạm và yêu cầu VIVASO, doanh nghiệp bỏ tiền mua cổ phần hãng phim phải thoái vốn.
Trả lời VnExpress về những sai phạm Thanh tra Chính phủ nêu ra, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Công ty vận tải thủy Vivaso (đơn vị mua lại Hãng phim) cho biết "chưa nhận được kết luận nào và cũng không có bình luận gì".
Được biết, Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.
Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.
Trước đó, tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Thủ tướng khi đó cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để bảo đảm sát giá thị trường, tránh thất thoát tài sản Nhà nước...
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ