Theo thông tin trên Bnews, đến thời điểm này, tất cả đường bay từ Việt Nam đi quốc tế đã bị tạm dừng, còn các đường bay nội địa chỉ duy trì rất hạn chế càng làm cho các hãng hàng không trong nước khó khăn thêm chồng chất.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 rõ nét nhất khi những ngày này hình ảnh tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất với hàng trăm tàu bay nằm “đắp chiếu” trên sân đỗ. Điều này khác xa so với thời gian cách đây 3 tháng trước, khi mà các sân bay này luôn quá tải, thậm chí vào những khung giờ vàng hàng chục tàu bay phải nối đuôi nhau chờ cất cánh. Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, ngành hàng không Việt Nam đang phải hứng chịu những khó khăn chưa từng có trong lịch sử phát triển.
Từ ngày 1/4/2020, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, đường bay Hà Nội - Tp. Hồ Chỉ Minh được xem là nhộn nhịp nhất cả nước, cũng là đường bay chủ lực của các hãng với hàng nghìn chuyến bay mỗi ngày trước đó giờ chỉ được duy trì mỗi ngày 2 chuyến bay khứ hồi chở khách và các hãng phải chia nhau để khai thác. Vì thế, tàu bay dư thừa phải “đắp chiếu” là điều hiển nhiên.
Điều đáng nói, ngay cả khi tàu bay không được khai thác thì hãng hàng không vẫn phải chi trả vài trăm tỷ đồng mỗi tháng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, phí đậu đỗ…
Thử hình dung 4 hãng bay của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways có hơn 200 tàu bay đang “đắp chiếu” thì chi phí mà các hãng phải trả mỗi tháng lớn như thế nào.
|
Việc cắt giảm đường bay khiến các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực, có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản |
Còn trên Tuổi trẻ thông tin, tháng 3 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam dự tính các hãng hàng không Việt Nam thiệt hại khoảng 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua con số thất thu dự kiến của Vietnam Airlines kể trên, có thể thấy con số thiệt hại của toàn ngành hàng không Việt Nam sẽ rất lớn do dịch COVID-19.
Theo một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, các “kịch bản” ứng phó với COVID-19 được xây dựng giờ đều bị “phá sản”. Trước tình hình hiện nay, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Việc cắt giảm đường bay khiến các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực, có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản.
Theo VietnamFinance, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 4/3/2020 nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Thực hiện chỉ thị trên, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) đã giảm 7 loại phí dịch vụ cho các hãng hàng không như: giảm 50% dịch vụ dẫn tàu bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất, giảm 10%. Đối với dịch vụ thuê văn phòng đại diện, các hãng hàng không dừng bay sẽ được miễn 100%, các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của nhà nước là 30%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia hàng không, “mức giảm trên là quá ít và “nhỏ giọt” khi chưa tạo thuận lợi thực sự cho các hãng hàng không. Nếu không tiếp tục được giảm một số loại thuế, phí quan trọng, các hãng hàng không sẽ chìm trong khủng hoảng, thậm chí phá sản trước khi đại dịch Covid 19 kết thúc”.
T.Hường (TH)/Sở hữu Trí tuệ