CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ ròng kỷ lục 2.348 tỷ đồng
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với mức lỗ ròng kỷ lục 2.348 tỷ - là đơn vị ngành dầu khí đầu tiên báo thua lỗ giữa khủng hoảng Covid-19 và giá dầu. Giải trình, BSR cho biết trong kỳ giá dầu thô chứng kiến đà suy giảm mạnh mẽ, từ 67 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,8 USD/thùng bình quân, giảm 47%.
Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. Khi giá dầu thô và sản phẩm giảm, giá vốn tồn kho cao hơn giá trị trường. Ngoài ra, Công ty cho biết chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả kinh doanh điều chỉnh mạnh.
Bên cạnh đó, BSR cũng chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu trong nước giảm sâu, trong khi các khách hàng của Công ty cũng khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn kho tăng cao.
Trong bản tin mới đây, BSR cho hay phải đối mặt với bối cảnh kinh doanh "bĩ cực" nhất trong nhiều năm trở lại đây; hiện Công ty đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp khắc phục nghịch cảnh và giảm bớt những khó khăn.
PV OIL ghi nhận lỗ ròng 538 tỷ quý đầu năm
Cùng cảnh ngộ, PV OIL (OIL) ghi nhận lỗ ròng 538 tỷ quý đầu năm; trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 31 tỷ đồng. OIL cho biết do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới làm cho sản lượng kinh doanh xăng nội địa giảm khoảng 11% so với cùng kỳ, sản lượng bán lẻ giảm 6%.
Quý 1/2020 Chính phủ đã thực hiện 6 kỳ điều chỉnh giảm giá bán lẻ dẫn đến tình hình giá bán lẻ xăng hiện tại đang ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm kể từ tháng 4/2009, giá dầu thô Brent trên thị trường thế giới giảm 78%, giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm từ 9.000 đồng đến 10.000 đồng/lít.
Ngoài ra tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp làm cho tình hình kinh doanh xăng dầu của các đầu mối nói chung và OIL nói riêng gặp rất nhiều khó khăn.
Năm 2020, OIL dự kiến doanh thu sẽ giảm 35% về còn 52.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 376 tỷ. Chỉ tiêu này của PVOIL xây dựng trên cơ sở dự báo thị trường tại thời điểm cuối năm 2019 với giá dầu thô dự báo 60 USD/thùng.
|
Petrolimex doanh thu giảm 1.706 tỷ so với cùng kỳ 2019
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, PLX) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2020. Ghi nhận, trong các tháng đầu năm, giá dầu thô và sản phẩm xăng dầu liên tục biến động bất thường với đà giảm sâu, tỷ lệ giảm mạnh do các nguyên nhân chủ yếu:
(i) sự xuất hiện và lan rộng của dịch bệnh Covid – 19 trên phạm vi toàn thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm mạnh do các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của các nước;
(ii) việc dư thừa nguồn cung dầu mỏ dẫn đến lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô WTI giao dịch xuống mức âm -37.63 USD/thùng vào ngày 20/4/2020 đối với hợp đồng kỳ hạn kết thúc vào tháng 5/2020;
(iii) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến thương mại toàn cầu bị suy giảm…
Từ những ảnh hưởng trên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thì kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm. Dự báo nhưng tổn thất do dịch Covid – 19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể lớn hơn suy thoái kinh tế giai đoạn 2007 – 2009.
Mặt khác, thị trường xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được vận hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, mức độ cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Cùng với đó, nguồn cung trong nước đi vào ổn định sẽ tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước và 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Petrolimex ở nước ngoài là PLS và PLL vào năm 2020.
Từ ngày 1/1/2020, việc sử dụng nhiên liệu hàng hải mới theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) sẽ khiến giá của nhiên liệu mới được thay thế dự kiến tăng 50% so với giá nhiên liệu cũ, làm chi phí vận tải đường biển năm 2020 tăng mạnh so với năm 2019 (khoảng 300 tỷ đồng).
Trên cơ sở tình hình trên, năm 2020 hoạt động SXKD của Tập đoàn được dự báo sẽ hết sức khó khăn. Công ty theo đó trình kế hoạch sản lượng hợp nhất giảm 17% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm 36% về 122.000 tỷ đồng, LNTT hợp nhất giảm mạnh chỉ còn chưa đến phần ba năm 2019 với 1.570 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước lợi nhuận giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, nộp NSNN dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch nếu dịch kéo dài đến quý 4.
Petec quý 1 doanh thu giảm 15% về 840,6 tỷ đồng
Hay Petec (PEG), quý 1 mặc dù doanh thu giảm 15% về 840,6 tỷ đồng; áp lực giá vốn khiến Công ty thua lỗ ròng hơn 47 tỷ, cùng kỳ lỗ hơn 4,5 tỷ đồng. Tổng Công ty Thanh Lễ cũng lỗ ròng 67 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Trên thị trường, giá dầu vào ngày 20/4 đã chứng kiến mức giảm kỷ lục xuống âm gần 40 USD/thùng. Giá dầu rớt về mức âm là việc xảy ra khi người bán phải trả tiền để người mua lấy dầu vì giá đã giảm quá sâu, đây là khủng hoảng chưa từng có của giá dầu; tiếp nối chuỗi ngày rớt giá thê thảm từ thời điểm bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Nguồn cung thừa trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục sụt giảm trước ảnh hưởng Covid-19, thị trường dầu dự báo còn nhiều khó khăn trong thời gian tới. Hiện, giá dầu thô đang ở vùng đáy 21 năm với khoảng 11-12 USD/thùng.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ