Dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân gây khó khăn cho Công Thanh
Trên thực tế, số tiền nợ của Công ty Xi măng Công Thanh (sau đây gọi tắt là Công Thanh) là không lớn (khoảng trên 20 tỷ đồng). Cụ thể, Công Thanh còn nợ Điện lực tỉnh Thanh Hóa 3 kỳ gồm: Kỳ 3 của tháng 2/2020 là 9,8 tỷ đồng; kỳ 1 của tháng 3/2020 là 7,3 tỷ đồng; kỳ 2 của tháng 3/2020 là 3.3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty Công Thanh khu vực phía Bắc chia sẻ, ngày 27/3, có họp với UBND tỉnh Thanh Hoá, Tổng công ty điện lực Miền Bắc và các đơn vị có liên quan để xin giãn thời gian nộp tiền điện cho Công Thanh vì những khó khăn khách quan khi đại dịch Covid -19 hoành hành.
|
Tập đoàn xi măng Công Thanh. |
"Số tiền chúng tôi nợ chỉ từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2020, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến sản xuất kinh doanh của đơn vị. Đặc biệt, Doanh nghiệp sản xuất xi măng chịu ảnh hưởng rất lớn do đối tác chủ yếu là bên Trung Quốc, hàng hóa sản xuất ra không bán được. Vì thế, rất mong muốn các đơn vị hỗ trợ cho doanh nghiệp".
Với lý do bất khả kháng trên, Công Thanh chưa thanh toán đúng hạn tiền điện cho Điện lực Thanh Hoá theo khoản 2 điều 10 hợp đồng mua bán điện cho mục đích sản xuất xi măng số 18/000012 ngày 6/4/2018 được ký giữa Tổng công ty điện lực miền Bắc và Công ty CP xi măng Công Thanh có quy định về trường hợp bất khả kháng. Vì thế, Công ty đề nghị gia hạn thanh toán tiền điện sau 2 tháng kể từ khi hết dịch Covid19.
Tuy nhiên, đề nghị này của Công Thanh không được chấp nhận, ngày 28/3, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đã cắt điện khiến một loạt các hoạt động sản xuất của đơn vị ảnh hưởng, thiệt hại tới hàng chục tỷ đồng mỗi ngày.
Thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi ngày
Được biết, Công ty Cổ phần xi măng Công Thanh được thành lập vào ngày 23/01/2006, Vào ngày 04/07/2007, Công ty tổ chức khởi công thực hiện xây dựng và lắp đặt thiết bị sản xuất clinker và xi măng dây chuyền 1 với công suất 2.500 tấn Clinker/ngày tại thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi hoàn thành dây chuyền 1, Công ty tiếp tục đưa vào đầu tư Dự án xây dựng dây chuyền 2 với công suất 10.000 tấn Clinker/ngày đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư ngày 20/03/2007, dự án được khởi công vào ngày 17/10/2009. Tổng vốn đầu tư cho dây chuyền 2 là 420 triệu USD.
Nói về việc thiệt hại nặng nề vì bị cắt điện, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh chia sẻ: "Chúng tôi đang sử dụng dây chuyền sản xuất xi măng có công suất 6.000 tấn/ngày, khi bị dừng, doanh nghiệp thiệt hại 260.000 USD/ngày (khoảng 6 tỷ đồng/ngày). Ngoài ra, một ngày dừng lò không có sản phẩm sẽ mất đi doanh thu 13.500 tấn Clinker tương đương 470.000 USD (khoảng 10 tỷ đồng/ngày).
Đó là chưa kể đến chi phí khi đốt lại lò dây chuyền 1 công suất 2.500 tấn/ngày sẽ "ngốn" khoảng 30.000 lít dầu và 30 tấn than. Chi phí đốt lại lò dây chuyền 2 (mới đưa vào năm 2016) có công suất 11.000 tấn Clinker/ngày và 7.200 tấn xi măng/ngày là 100.000 lít dầu và 100 tấn than. Như vậy, chỉ trong 1 ngày bị cắt điện, Xi măng Công Thanh đã thiệt hại tới hàng chục tỷ đồng".
|
ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh. |
Tình hình kinh doanh khó khăn, Công Thanh lại bị cắt điện gây ngưng trệ sản xuất, "ông chủ" Công Thanh cầu cứu Chính phủ.
Trong công văn "cầu cứu", Tổng bí thư -Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ ban ngành, các đơn vị có liên quan, ngày 28/3, "ông chủ" Tập đoàn Công Thanh cũng nêu những lý do khách quan khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát dữ dội, việc xuất khẩu xi măng và clinker tiêu thụ nội địa gặp nhiều khó khăn khiến doanh thu sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao.
Bản thân, Xi măng Công Thanh đang vật lộn tìm phương án kích cầu thị trường duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động.
"Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng Công Thanh luôn thanh toán tiền điện cho Điện lực Thanh Hóa đầy đủ kể cả tiền lãi và phạt trả chậm (chúng tôi thanh toán chậm do nhưng lúc khó khăn chưa có nguồn thu).
Được biết, Tập đoàn Công Thanh là tập đoàn đã có nhiều thành tựu trong đó năm 2018 nộp ngân sách nhà nước 217 tỉ đồng, năm 2019 số tiền nộp ngân sách đã đạt khoảng 180 tỉ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn Công Thanh đang xây dựng nhà máy nhiệt điện Công Thanh với vốn đầu tư hơn 21.000 tỉ đồng và dự định triển khai trọng điểm trong đầu năm 2020. Trong năm 2020, tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước cũng như khẳng định vai trò vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Đến nay, chúng tôi chỉ nợ tiền điện cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2020 (giai đoạn dịch Covid-19 căng thẳng), nhưng Công ty điện lực Thanh Hoá vẫn khá cứng nhắc khi cúp điện khiến hoạt động sản xuất của đơn vị bị ngưng trệ".
"Hiện, Công ty chúng tôi không thể xuất hàng cho khách hàng, ảnh hưởng đến việc thu tiền để có thể thanh toán sớm tiền nợ cho Công ty Điện lực huyện Tĩnh Gia, Công ty điện lực Thanh Hóa", ông Nguyễn Công Lý chia sẻ.
Tập đoàn Công Thanh mong muốn Bộ Công thương, Tổng Công ty điện lực Miền Bắc và các đơn vị liên quan hỗ trợ thanh toán chậm tiền điện các kỳ với Công ty Điện lực huyện Tĩnh Gia – Công ty điện lực Thanh Hóa cho đến khi tổ chức WHO công bố hết đại dịch Covid-19.
"Về phía Xi măng Công Thanh, chúng tôi cam kết thanh toán đầy đủ tiền nợ điện các kỳ cùng tiền lãi chậm thanh toán", ông Nguyễn Công Lý nói.
Được biết, trong thời gian gần đây, CTCP Xi măng Công Thanh vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 với việc tiếp tục thua lỗ và bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng: "Việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất là cần thiết khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 lan rộng.
Đồng thời, Chính phủ đã và đang xây dựng chương trình tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện như, giảm chi phí thực chất từ miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp các loại phí, thuế..."
"Trong bối cảnh này cần tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, từ đó có những biện pháp phù hợp, đúng đối tượng", ông Phùng Văn Hùng chia sẻ.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ