Tham vọng "bá chủ" thị trường Việt Nam
Sau khi đạt những thành công tại nội địa, Woowa Brothers (Hàn Quốc) nhắm tới Việt Nam như một trong những thị trường tiềm năng. Hồi tháng 5/2019, họ đã rót vốn vào Việt Nam để xây dựng thương hiệu giao đồ ăn. Một năm sau đó, Baemin tiếp tục "Bắc tiến" để triển khai tại Hà Nội.
Cũng phải nói thêm rằng, thị trường giao nhận đồ ăn xứ kim chi thuộc hàng quy mô lớn tại Châu Á, với doanh số từ 4 ứng dụng hàng đầu trong 8 tháng đầu năm nay đạt gần 6 tỷ USD. Hay thậm chí, Baemin tại Hàn Quốc, được gọi với cái tên Baedal Minjok mới đây còn thử nghiệm giao hàng bằng robot, một trong những bước tiến mới trong ngành.
Công ty hoàn toàn tự tin vào việc sẽ thành công tại thị trường Việt Nam - nơi có những nét tương đồng về văn hóa với Hàn Quốc. Mục tiêu của Baemin là trở thành ứng dụng được yêu thích nhất tại Việt Nam.
"Trong 2-3 năm tới, chúng tôi cam kết đầu tư tất tay để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển", Jin Ha, giám đốc chiến lược của Baemin chia sẻ với Dealstreetasia.
|
Baemin tham vọng thâu tóm thị trường Việt |
Đương nhiên, Baemin đầu với các thế lực lâu năm trong ngành bao gồm Now (Foody) hậu thuẫn bởi SEA Group, Grab Food (Grab), Go Food (Gojek), ngoài ra còn có Loship (Lozi), tuy nhiên Baemin cũng có những lợi thế riêng với sự hậu thuẫn đáng gờm.
Công ty mẹ của Baemin Việt Nam là Woowa Brothers, điều hành ứng dụng giao đồ ăn số một Hàn Quốc với hơn 50% thị phần, cạnh tranh với khoảng 40 đối thủ khác.
Đầu năm ngoái, Woowaa Brothers mua lại Vietnamm, ứng dụng được hậu thuẫn bởi Takeaway.com (Hà Lan) để làm nền tảng cho sự hình thành Baemin. Vietnamm là một trong những ứng dụng giao đồ ăn đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập từ đầu năm 2011. Đến năm 2015, ứng dụng này thâm tóm lại Foodpanda, đến từ Rocket Internet.
Ở Việt Nam, nhiều người biết rằng Foodpanda thuộc về công ty Đức - Delivery Hero, cũng là một tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực giao đồ ăn. Nhưng thực tế Rocket Internet từng bán toàn bộ hoạt động của Foodpanda cho Delivery Hero trước đó, ở chiều ngược lại nhận được vốn cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu lên gần 38%.
Phía Delivery Hero năm 2018 cũng đã bán hoạt động kinh doanh tại Đức của mình cho Takeaway.com đổi lấy cổ phần. Điều này tạo nên sự sở hữu chồng chéo giữa những nhà vận chuyển đồ ăn top đầu Châu Âu và thế giới.
Vào cuối năm ngoái, Delivery Hero đã đạt được thỏa thuận thâu tóm toàn bộ Woowa Brothers, giá trị khoảng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này chưa thể chính thức hoàn thành bởi cục cạnh tranh của Hàn Quốc đang trong quá trình điều tra chống độc quyền. Bởi bản thân Delivery Hero cũng đang sở hữu cho mình ba ứng dụng giao đồ ăn lớn khác tại Hàn Quốc, mang tên Yogiyo, Baedaltong và FoodFly.
Đáng nói là, thời điểm Baemin chính thức xuất hiện tại Việt Nam diễn ra ngay sau thỏa thuận Delivery Hero – Woowa Brothers.
Lỗ gần 570 tỷ đồng trong năm đầu vận hành
Trong chiến lược phát triển sau sáp nhập, Woowa Brothers sẽ đóng vai trò chính trong việc phát triển thị trường Hàn Quốc và thị trường Việt Nam 100 triệu dân, một thị trường giàu tiềm năng và có nhiều nét tương đồng với quốc gia mẹ. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam cho đến lúc này đã vượt mức 70 tỷ USD, dẫn đầu trong số các quốc gia. Hệ quả kéo theo là việc thu hút không nhỏ lực lượng lao động và dân cư từ Hàn Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, nơi mà chi phí sinh hoạt là nhỏ hơn rất nhiều.
|
Baemin đã thực sự bung sức cho cuộc chiến giành thị phần tại Việt Nam ngay từ năm đầu tiên ra mắt. Mức lỗ lên tới 569 tỷ đồng, trên doanh thu 76 tỷ đồng. Dù doanh thu tăng trưởng hơn hai lần, nhưng số lỗ nói trên là rất lớn, thể hiện tham vọng của ứng dụng đến từ Hàn Quốc. Nên nhớ rằng, Baemin chỉ chính thức hoạt động từ giữa năm ngoái, và tập trung vào thị trường TP HCM.
Tổng tài sản của Woowa Brothers Việt Nam đạt 534 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 1 tỷ. Điều này cho thấy rằng, nguồn lực hoạt động nhiều khả năng đến từ vốn vay công ty mẹ.
Mức lỗ này chỉ kém hơn 80 tỷ đồng so với con số của Foody năm 2019. Ứng dụng giao đồ ăn thuộc sở hữu của SEA Group đạt doanh thu 519 tỷ đồng, tăng gấp đôi và lỗ sau thuế 650 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi.
Sự hậu thuẫn phía sau Foody cũng là vô cùng mạnh mẽ. SEA Group thâu tóm công ty Việt Nam năm 2017, ngay lập tức giúp cho công ty này tăng gấp 4 lần doanh thu lên 130 tỷ đồng, cùng với đó số lỗ tăng từ 40 lên 112 tỷ đồng.
Trong những năm tiếp theo đó, tăng trưởng doanh thu gấp đôi theo từng năm đi cùng với cuộc đua đốt tiền trước sức cạnh tranh của các đối thủ khác, mà mạnh mẽ nhất là Grab Food.
Tính đến cuối năm 2019, số lỗ lũy kế của Foody đã tăng lên mức 1.262 tỷ đồng. Với nền tảng đã xây dựng lâu năm, Foody được xem là ứng dụng đặt đồ ăn đa dạng nhất về cố cửa hàng bán trên hệ thống.
Số liệu kinh doanh thua lỗ của hai công ty chỉ tập trung vào mảng giao nhận đồ ăn cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt của thương mại điện tử, mà xưa nay vẫn gọi là "cuộc đua đốt tiền".
Minh Phương (T/H)/ Sở hữu trí tuệ